Ngày 14.9, UBND tỉnh trang trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792 - 2012) để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc. Lễ dâng hương Đàn tế Trời Đất sẽ diễn ra tại núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn); lễ dâng hoa và lễ giỗ tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
|
Hoàng đế Quang Trung là tấm gương sáng trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay.
|
Vị anh hùng dân tộc kiệt xuất
Hoàng đế Quang Trung là thiên tài quân sự, tạo nên nhiều cột mốc lịch sử hào hùng qua các chiến công chói lọi khắp các chiến trường với 4 lần đánh thành Gia Định, 3 lần vào Thăng Long đều chiến thắng Chúa Nguyễn, diệt Chúa Trịnh, đánh bại quân Xiêm La, phá tan quân Mãn Thanh… Cách áp dụng binh pháp thiên biến vạn hóa của bậc tiền nhân khiến quân thù luôn kinh sợ.
Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Triển lãm giới thiệu 10 trận đánh, chiến dịch tiêu biểu, có tính chiến lược đánh bại kẻ thù hùng mạnh qua các triều đại từ thời Ngô Quyền đến thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đáng khâm phục, tự hào là trong triển lãm đó, anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ có đến hai trận đánh “kinh điển” là trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) tiêu diệt quân Xiêm và trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) đánh tan quân Thanh. Hai trận đại chiến lẫy lừng này đã khẳng định thiên tài quân sự của vua Quang Trung.
Vua Quang Trung còn được đánh giá cao ở nhiều chủ trương đặc biệt, phát sinh từ một tinh thần quốc gia cấp tiến và sáng suốt về việc sử dụng chữ Nôm. Người biết trân trọng nhân tài, mời họ về tham gia việc nước để có sự tham mưu tốt trong chỉnh đốn triều chính, cải cách ruộng đất, cải tổ thuế khóa…
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài “Quang Trung với chiến lược sử dụng nhân tài”, có nhận xét: “Nguyễn Huệ đã xây dựng nền nhân cách mới cho kẻ sĩ cả một thời đại, và cũng phải nói rằng chính những kẻ sĩ đó cũng góp phần xây dựng nền nhân cách lớn của Nguyễn Huệ, theo quy luật chung tương ánh hồng của cái Đẹp. Chính là những trí thức của một thời tưởng đã thành tội phạm dân tộc hoặc may ra thì cũng đành cuộc đời bỏ đi ấy, đã cùng với Nguyễn Huệ xây dựng nhà Tây Sơn thành một triều đại văn hiến, xứng đáng với võ công của nó”. Còn Ngô Thì Nhậm, người đọc hết kim cổ, đã nhận xét về năng lực, trí tuệ của Nguyễn Huệ như sau: “Quốc vương là người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp vẫn không quên bàn bạc đạo lý. Trong nghị luận thường ngày, quốc vương diễn đạt được một cách có thứ tự những cái mà sách vở đời trước chưa từng nói, tôi thực nhờ được gần gũi, bơi lội trong kiến thức của quốc vương mà lĩnh hội được” (Bang giao hảo thoại).
Trường tồn trong lòng dân
Hào quang ngời sáng của Hoàng đế Quang Trung vẫn luôn trường tồn trong lòng mỗi người dân đất Việt. Những nơi lưu dấu hào quang của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đều có những công trình tưởng niệm bề thế như công viên Gò Đống Đa (Hà Nội), khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), khu tượng đài Quang Trung ở núi Bân (Huế), Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (Nghệ An)…
Đặc biệt, tại quê hương Bình Định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm chỉ đạo để đầu tư xây dựng các công trình có ý nghĩa tôn vinh vị anh hùng bất tử Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn. Suốt mấy chục năm qua, Bảo tàng Quang Trung là nơi thường xuyên đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế về thăm viếng. Bảo tàng Quang Trung cũng là điển hình trong công tác xã hội hóa đóng góp xây dựng nhiều hạng mục công trình bằng tất cả tấm lòng kính ngưỡng của các tập thể, cá nhân. Nhiều công trình trọng điểm khác tôn vinh phong trào Tây Sơn như khu di tích Thành Hoàng Đế, công trình Đàn tế Trời Đất núi Ấn cũng đã, đang và tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư…
Để tưởng nhớ công đức của vua Quang Trung, ngoài Lễ hội Đống Đa được tổ chức trang trọng hàng năm, Bảo tàng Quang Trung còn tổ chức giỗ Vua. Ông Trần Đình Ký, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, nhớ lại: “Từ nguồn sử liệu hiếm hoi trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, cách đây gần 20 năm, Bảo tàng Quang Trung lần đầu tiên tổ chức giỗ vua Quang Trung đúng vào ngày 29 tháng 7 âm lịch. Sau đó, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, ngày giỗ vua Quang Trung đã nâng dần quy mô và tổ chức ngày càng trang trọng hơn”.
Kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, ngày giỗ Vua năm nay được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động. Cụ Mạc Ái, 75 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tổ chức giỗ Vua, người dân chúng tôi càng có điều kiện để bày tỏ lòng ngưỡng vọng với Ngài. Đảm nhiệm vai trò chánh bái trong các nghi thức cúng tế truyền thống ở Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, Bảo tàng Quang Trung gần 10 năm nay, tôi rất xúc động mỗi khi đến ngày giỗ của Ngài. Tôi đã mời được 24 cụ cao niên có đức độ ở địa phương để đáp ứng các nghi thức cúng tế trang trọng trong ngày giỗ Vua năm nay”.
|