Đặc sắc hia tuồng Bình Định
21:7', 17/9/ 2012 (GMT+7)

Ít người biết rằng, toàn bộ hia mà nghệ sĩ Nhà hát tuồng Ðào Tấn và nhiều diễn viên tuồng không chuyên trong tỉnh mang biểu diễn đều được làm nên từ bàn tay khéo léo của NSND Minh Ngọc. Thú vị hơn, ẩn sau những đôi hia tưởng chừng nhỏ nhặt là một thông điệp, lời giới thiệu về nét đặc sắc riêng của tuồng Bình Ðịnh.

Thợ “độc nhất vô nhị”  ở Bình Định

Từ năm 2000 trở về trước, Nhà hát tuồng Đào Tấn đều mua hia ở Huế để sử dụng biểu diễn. Khi người nghệ nhân làm hia ở Huế qua đời, không chỉ Nhà hát tuồng Đào Tấn mà Nhà hát tuồng Nguyễn Hiền Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát tuồng Khánh Hòa đều lúng túng không biết tìm đâu ra hia tuồng kiểu miền Trung để trang bị cho diễn viên.

“Cũng là hia tuồng, nhưng hia ở mỗi vùng miền, thậm chí mỗi tỉnh, nhà hát lại có một số nét riêng về kiểu dáng, quy chuẩn, phong cách. Mua hia lạ về, anh em diễn viên nhà hát đi không quen, khó biểu diễn”, NSND Minh Ngọc giải thích. Có năng khiếu về nghề mộc, nghề may, một chút am hiểu về kỹ thuật làm hia, NSND Minh Ngọc (khi ấy là NSƯT) thử sức với công việc bếp núc trong nghề khá đặc biệt này.

 

Hia Bình Định trên sân khấu tuồng không chuyên.

Đôi hia đầu tiên làm ra, Minh Ngọc mang đến nhờ NSND Võ Sĩ Thừa - người nổi tiếng đi hia đẹp và rất kén chọn hia - nhờ “duyệt” sản phẩm. NSND Minh Ngọc nhớ lại: “Ông cụ đi qua đi lại mấy vòng, vuốt râu, dậm chân xuống sàn, xoay, trụ một chân… sau đó, gật đầu bảo: Được, được. Đây đúng là hia phong cách Bình Định”.

Theo lời cố NSND Võ Sĩ Thừa, Bình Định là nôi tuồng, ở vào thời trang phục biểu diễn (trong đó có hia) mỗi địa phương tự sản xuất, cung ứng lấy, hia tuồng phong cách Bình Định ra đời từ đấy. Những chiếc hia cao nửa tấc trở lên, mũi cong vút như mũi thuyền, bé như chiếc hài nhưng lại thu cả bàn chân những anh kép hát bội nông dân thô kệch vào đấy, hia trông chòng chành như chiếc sõng, người mang cứ lướt nhẹ như không. Riêng với NSND Minh Ngọc, thời niên thiếu bắt đầu học tuồng thầy Nhưn Son ở Cát Trinh, Phù Cát, cũng là lần đầu tiên anh biết đến đôi hia kiểu ấy.

Nghệ thuật đi hia có sức hấp dẫn với Minh Ngọc, cộng với ký ức đẹp về hình ảnh đôi hia ngày trước và nhu cầu thực tế của Nhà hát, anh “bất đắc dĩ” trở thành thợ làm hia độc nhất trong tỉnh. “Trên cơ sở mẫu mã hia từ Huế đã quen sử dụng trước đó, tôi biến tấu một chút về thông số, kỹ thuật, kiểu dáng; tuy khó đi hơn nhưng đúng chất hia Bình Định, may mắn là được diễn viên ủng hộ”, NSND Minh Ngọc tâm sự.

Đặc sắc kỹ nghệ hia

Trước đây, mỗi đôi hia mua từ Huế giá khoảng 1 triệu đồng, sử dụng chừng 2 mùa diễn là phải thay mới. Đợt hia do Minh Ngọc làm cho anh em diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn từ năm 2000 đến nay vẫn chưa phải thay, bởi khi có dấu hiệu hư hỏng nhẹ hay cũ sờn, Minh Ngọc lại sửa chữa. Ý nghĩa hơn cả là không chỉ bạn trong nghề biết đến hia “made in Binh Dinh”, mà qua đó đã phần nào khôi phục được kiểu dáng cũng như phong cách hia tuồng Bình Định bị gián đoạn trên sân khấu tuồng một thời gian khá dài

(NSƯT - nhạc sĩ NGUYỄN GIA THIỆN,
Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn)

Diễn viên tuồng Bình Định vốn được bạn trong nghề cả nước nể phục ở kỹ thuật đi hia và nghệ thuật biểu diễn hia đẹp. Góp phần làm nên tiếng thơm này là nhờ những đôi hia xuất xứ Bình Định. Hia tuồng sản xuất ở một số nơi, ngay cả ở Huế có đế bằng, độ cao chỉ khoảng 2-3 phân, mũi hia hơi hất lên chứ không cong vút. Hia Bình Định cao từ 5 phân, hia cho những diễn viên hạn chế về chiều cao còn cao hơn, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế chừng 2 phân, mũi hia cong vút như mũi thuyền.

NSND Minh Ngọc giải thích: “Hia Bình Định được đánh giá là đôi hia “lanh”. Đi hia luôn là thử thách ghê gớm đối với diễn viên tuồng mới vào nghề. Nhưng khi “chinh phục” được những đôi hia này rồi, nó lại giúp cho động tác biểu diễn linh hoạt, vũ đạo đẹp mắt hơn. Hia Bình Định phải luôn đứng, đi bằng gót; chính vì mặt tiếp xúc nhỏ nên khi làm các động tác xoay, bê, xiến, lỉa rất nhanh, lướt, đẹp; hia làm bằng củ tre ngà, khi dậm chân xuống sàn sân khấu gỗ, tạo âm thanh ấm, vang…”.

Hia tuồng do Minh Ngọc làm không chỉ cung cấp cho nghệ sĩ tuồng trong tỉnh, các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa cũng tìm tới đặt hàng. “Cũng là hia mũi cong nhưng đế hia của họ bằng hơn, cao chừng 2-3 phân. Có lần mình vui miệng, đùa: đi hia Bình Định một lần hử? Họ nói- bó tay thôi, không trị nổi “món” hia phong cách Bình Định!”, NSND Minh Ngọc tự hào.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quà quê giữa phố   (15/09/2012)
Chị dâu   (15/09/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức  (15/09/2012)
Lắp đặt 3 máy tập thể dục ngoài trời   (15/09/2012)
NSND Đặng Thái Sơn: Hạnh phúc vì lấy tự do làm trên hết  (15/09/2012)
Lễ kỷ niệm 220 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (14/09/2012)
Cục Di sản Văn hóa kiểm tra “kho cổ vật 500 tuổi”  (14/09/2012)
Trường tồn trong lòng dân  (13/09/2012)
Tôi muốn quảng bá ca khúc của nhạc sĩ Bình Định  (12/09/2012)
Tiến hành từng bước cẩn trọng   (12/09/2012)
NHÀ VĂN ĐẶNG TIẾN: “GÁI QUÊ” ĐÃ VỀ… HỢP PHỐ  (11/09/2012)
Đi săn… khoảnh khắc  (10/09/2012)
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn nhận Giải thưởng Nhà nước  (10/09/2012)
Nguyễn Thế Nguyên Trường (Hội Nhà báo Bình Định) đoạt giải Ba  (09/09/2012)
Hội thi Văn nghệ - Thể thao dành cho người khuyết tật  (09/09/2012)