Cuối đời, nhà thơ Hàn Mạc Tử đã tự tuyển tác phẩm của mình thành hai tập: THƠ ÐỜI và THƠ ÐẠO. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết: “Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn cảm hứng trong Ðạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới”. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử (22.9.1912-22.9.2012), NXB Phương Ðông đã xuất bản sưu tập “Có một vườn thơ đạo” do nhà thơ Trăng Thập Tự chủ biên.
Có một vườn thơ đạo có 4 tập với gần 2.000 trang, bao gồm 140 tác giả từ cột mốc năm sinh Hàn Mạc Tử - 1912, hầu hết hiện đang sống, vị cao niên nhất đã 92 tuổi, còn người trẻ nhất 22 tuổi.
|
Bìa tập I của sưu tập “Có một vườn thơ đạo”. |
Tập đầu mang tên Thi sĩ của thánh giá giới thiệu con người, cuộc đời và thơ Đạo của Hàn Mạc Tử, cùng một số bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình… về nhà thơ tài hoa bạc mệnh này, như: Giáo sư-viện sĩ Phan Cự Đệ, Yến Lan, Chế Lan Viên, Trần Thanh Địch, Nguyễn Viết Lãm, Quách Tấn, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy… Tập 2 của sưu tập có tên là Như song lộc triều nguyên, tập 3 là Ơn phước cả và tập 4 có tên Thần nhạc sáng hơn trăng.
Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Đời nhà Lý, người ta chủ trương tam giáo đồng nguyên (đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão) cùng chung một nguồn gốc. Hàn Mạc Tử lại cho rằng: Đạo vốn có một - người đời hiểu sai lạc rồi phân chia ra đạo này đạo nọ. Khi Quách Tấn hỏi tại sao Hàn Mạc Tử lại dùng chữ Phượng Trì để đặt tên cho Thánh thất của Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, thì Trí trả lời: Tôi nghiệm Đức Mẹ chỉ có một, nhưng vì óc phân rẽ kia nên bên đạo Phật gọi là Quan Âm Bồ Tát, bên đạo Tiên gọi là Tây Vương Mẫu, bên đạo Thiên Chúa gọi là Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. Tên tuy khác, nhưng theo tôi chỉ là một đấng mà thôi. Mà Tây Vương Mẫu ở Phượng Trì để chỉ nơi Thánh Nữ ngự (Đôi nét về Hàn Mạc Tử)”.
Có một sự tranh chấp Hàn Mạc Tử giữa những tín đồ đạo Thiên Chúa và đạo Phật. Cũng một bài tựa Xuân như ý cùng một số bài thơ như Ra đời, Điềm lạ, Xuân đầu tiên mà mỗi người giải thích một cách… Nhưng có lẽ chúng ta cũng không cần tranh luận, bởi Hàn Mạc Tử không phải là nhà thơ tôn giáo hiểu theo nghĩa là chuyên dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình (Chất đạo và chất đời trong thơ Hàn Mạc Tử - Phan Cự Đệ).
Hàn Mạc Tử là một thi sĩ có nhiều lý tưởng thơ và lý tưởng thơ này đã bao trùm cả niềm tin của ông về tôn giáo. Ngay trong những bài ca ngợi đức tin, ca ngợi những hình ảnh thiêng liêng: Thánh Nữ Đồng Trinh, Chúa Hài Đồng… tôn giáo và các hình ảnh tùy thuộc đã được thi vị hóa và mất dần tính cách trang nghiêm, tuyệt đối của tín điều, kinh điển. Hàn Mạc Tử quỳ trước Thánh Maria, chúng ta có cảm tưởng như ông đã quỳ trước nàng thơ, hình ảnh nàng thơ và hình ảnh Ave Maria đôi khi chỉ là một, rồi thi sĩ nghiễm nhiên biến thành vai trò “Giáo chủ” giữa một lúc cầu nguyện trong đêm xuân. Nghĩ đến một cái gì “giàu sang hơn Thượng Đế” hẳn thi sĩ Hàn Mạc Tử đã muốn bước qua biên giới của tín ngưỡng (Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam - Phạm Xuân Sanh)…
Có một vườn thơ đạo là một công trình sưu tầm biên soạn khoa học và dày công của tập thể tác giả, giúp bạn đọc hiểu hơn về Hàn Mạc Tử - “con chim đầu đàn của nhóm thơ Quy Nhơn, là một trong những ngọn cờ tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn và tượng trưng thời kỳ 1930- 1945” - để hiểu hơn “thơ trong đạo” và “đạo trong thơ”.
|