Nhà thơ Hàn Mặc Tử là một ngôi sao sáng của phong trào Thơ mới trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012), trong hai ngày 20 và 21.9, UBND tỉnh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh nhà thơ tài hoa, bạc mệnh này.
Sống mãi với Quy Nhơn
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Rời nơi chôn nhau cắt rốn, Quy Nhơn - Bình Định trở thành quê hương thứ hai của ông. Vì vậy, có thể nói dù không phải là nơi sinh ra, nhưng đất và người Bình Định đã góp phần tích cực bồi đắp hồn thơ Hàn Mặc Tử vươn đến đỉnh cao.
|
Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở khu di tích danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng. Ảnh: TRẦN SỰ |
Hàn Mặc Tử được xem là một trong những người khởi đầu dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, người khởi xướng ra trường thơ loạn, trường thơ điên… với nhiều tác phẩm có giá trị độc đáo, đóng góp tích cực cho nền thi ca Việt Nam.
Đất Quy Nhơn là nơi Hàn Mặc Tử sống những năm cuối đời và nằm lại mãi mãi nơi đây. Những nơi gắn liền với người thi sĩ tài hoa, bạc mệnh này ở đất Quy Nhơn đều trở thành những địa danh du lịch nổi tiếng. Du khách đến Bình Định vẫn nhớ thăm Trại phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) - nơi ngày xưa Hàn điều trị bệnh, với những đau đáu về đời và thơ - giờ có phòng lưu niệm của nhà thơ. Mất ở tuổi 28 (1912 - 1940), Hàn Mặc Tử nằm lại ở chân núi Quy Hòa gần 20 năm, ngày 13.2.1959 được cải táng trên đồi Ghềnh Ráng. Khi Ghềnh Ráng trở thành di tích danh thắng quốc gia, là địa chỉ du lịch, năm 2008 mộ Hàn Mặc Tử cũng đã được trùng tu, tôn tạo đẹp hơn. Đây là một trong những điểm du lịch cuốn hút nhiều du khách viếng thăm nhất khi đến Quy Nhơn; vì thế mộ ông luôn ấm khói hương bay.
Nói Hàn Mặc Tử không sinh ra, nhưng sống mãi ở Quy Nhơn cũng là thế!
Nhiều hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh
Từ đề nghị của Hội Nhà văn Việt Nam, UBND tỉnh đã thống nhất phối hợp cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đây là dịp để công chúng và những người yêu văn học nghệ thuật hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử, về mảnh đất và con người Bình Định với truyền thống tôn văn, thượng võ.
|
Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm trong khuôn viên Trại phong Quy Hòa, nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. |
Tham gia chương trình hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử được tổ chức tại TP Quy Nhơn có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở, đông đảo hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và những người yêu thơ, mến tài của nhà thơ.
UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Chương trình Đêm thơ nhạc Hàn Mặc Tử sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 phút ngày 20.9 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh. Trong đêm thơ nhạc, mọi người sẽ cùng thưởng thức những tác phẩm thơ nổi tiếng, các ca khúc viết về Hàn Mặc Tử; giao lưu với các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha về nhà thơ Hàn Mặc Tử…”.
Sau Lễ dâng hương tại đồi Thi Nhân ở khu du lịch Ghềnh Ráng vào 8 giờ sáng ngày 21.9, Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử sẽ được tổ chức tại khách sạn Hải Âu. Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước. Hội thảo được đông đảo mọi người yêu văn chương kỳ vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ, đưa ra những góc nhìn, đánh giá mới mẻ và đầy đủ hơn những giá trị độc đáo của “hiện tượng thơ” Hàn Mặc Tử.
|