Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử (22.9.1912- 22.9.2012)
TÌNH BẠN TRONG ĐỜI THƠ HÀN MẶC TỬ
10:36', 20/9/ 2012 (GMT+7)

Chân dung Hàn Mặc Tử. (ảnh: Internet)

Với nhà thơ thì ngoài tình yêu Tổ quốc, nhân dân, hay tình trai gái thanh xuân thì tình bạn là điều không thể thiếu. Những cái tình ấy có một sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ. Vì vậy đối với Hàn Mặc Tử, một nhà thơ chỉ ngang qua cõi trần vỏn vẹn 28 năm, nhưng phải chịu nhiều bầm dập của số phận và tình ái như thế thì tình bạn đối với ông càng quan trọng và to lớn.

Như chúng ta đều biết, Hàn Mặc Tử quê ở Đồng Hới, Quảng Bình, thuở nhỏ phải theo cha là một công chức rong ruổi nhiều nơi, và cuối cùng sau khi cha mất thì định cư tại Quy Nhơn cùng mẹ và người anh cả. Năm 16 tuổi, Tử được anh cho ra Huế học. Ở đây, chàng trai trẻ xứ Quy Nhơn (lúc bây giờ lấy bút danh Phong Trần) đã tạo được một dấu ấn lớn trong đời thơ của mình bằng chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Mộng Du Thi xã và được nhà thơ, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đánh giá cao bằng những lời hết mực ngợi khen trên báo.

Cuộc gặp gỡ của Tử với Phan Bội Châu sau đó trở thành một dấu mốc quan trọng trong đời thơ ông. Vì theo Hồi ký của nhà thơ Quách Tấn thì lúc này một người bạn của ông thân sinh Hàn Mặc Tử đã lo thủ tục cho Tử đi du học ở Pháp. Nhưng vì Tử đến thăm và kết thân với Phan Sào Nam nên Sở mật thám Quy Nhơn đã gây khó dễ và gạt tên ông khỏi danh sách du học.

Cũng sau lần được Phan Bội Châu giới thiệu, Hàn Mặc Tử lập tức được mọi người chú ý. Và từ đó, tình bạn vong niên giữa Tử và Phan Bội Châu ngày càng khắng khít. Họ liên tục trao đổi sáng tác, qua đó Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Phan Bội Châu về tư tưởng và khuynh hướng sáng tác. Chính vì thế mà khi “vào Sài Gòn làm báo, Tử dịch thơ của Mác, bênh vực Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Về Quy Nhơn, khi chớm có bệnh hiểm nghèo, cuối 1936 Tử đã cộng tác cùng Nguyễn Minh Vỹ, đảng viên Đảng Cộng Sản vừa ở tù ra, in giai phẩm nắng xuân trong ấy có bài Ông nghị gật. Tử đánh vào viện dân biểu thời Pháp thuộc”.[1] Và đặc biệt đây cũng là giai đoạn Hàn Mặc Tử chuyển từ địa hạt thơ Đường sang địa hạt thơ mới.

Sau Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử có thêm nhiều người bạn thơ tri kỷ trên con đường làm nên sự nghiệp sau này.

Người đầu tiên phải kể đến là thi sĩ Quách Tấn. Ông sinh năm 1910, lớn hơn Hàn Mặc Tử hai tuổi, người Bình Định, nhưng lại định cư tại Nha Trang. Tình bạn của hai người bắt đầu từ bức thư sơ giao của Quách Tấn khi Hàn Mặc Tử đang lang thang tìm việc sau chuyện không được đi du học, rồi dần trở thành chỗ dựa về tinh thần và cả vật chất những lúc Tử khó khăn. Họ như đôi tình nhân xa nhau là nhớ, gần nhau muốn không rời.

Khi biết mình lâm trọng bệnh, Hàn Mặc Tử có một thời gian tuyệt giao với bạn bè, vì sợ phiền lụy cho bạn. Nhưng cuối cùng Hàn cũng gửi thư cho Quách Tấn với lời lẽ như của một người yêu gửi một người yêu: “… Anh ơi! Gần một năm nay, muốn giấu anh, nên không viết thư cho anh, lòng tôi hết sức đau khổ. Song thà chịu đau khổ còn hơn cho anh biết, khiến anh phải đau khổ vì tôi. Nay không thể giấu anh được nữa, đành phải nói thực cùng anh….”

Nhận thư Hàn, biết bạn bệnh trọng, lại đang khó khăn, Quách Tấn rất buồn và bàn với vợ mỗi tháng trích 15 đồng tiền lương gửi cho bạn thuốc thang chữa bệnh. Sau này, khi Hàn Mặc Tử mất, Quách Tấn là người lo liệu việc cải táng mộ Hàn nơi đồi Ghềnh Ráng bây giờ, đúng theo ước nguyện của bạn mình: Với sao sương anh nằm chết như trăng…

Có thể nói ngoài chuyện đời, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn còn tìm thấy nhiều điểm chung trong sáng tác, cho nên khi biết mình sắp rời xa cõi trần, Tử đã  tin cậy giao quyền sử dụng toàn bộ di cảo của mình cho Quách Tấn. Sau này, do chiến tranh loạn lạc, toàn bộ bản thảo của Hàn Mặc Tử đã không còn nữa. Điều này làm cho Quách Tấn luôn day dứt khi nghĩ đến Hàn.

Trường hợp với người bạn thơ Bích Khê là một tình bạn lớn. Hàn Mặc Tử quen biết Bích Khê qua Mộng Cầm thời Bích Khê đi dạy học ở Phan Thiết, còn Tử thì làm báo ở Sài Gòn. Bích Khê là cậu ruột của Mộng Cầm, người con gái mà Hàn Mặc Tử đang đeo đuổi. Từ buổi sơ giao do Mộng Cầm giới thiệu, tình bạn của họ trở nên gắn kết keo sơn vì sự trọng tài nhau và dìu đỡ nhau trong sáng tác. Chuyện kể rằng, khi Bích Khê hoàn thành bản thảo tập thơ đầu tay bèn mang đến khoe với Tử. Đọc xong, Tử gửi trả tập thơ với lời chê rất nặng. Bích Khê buồn tức xé nát tập thơ và thề sẽ viết một tác phẩm để đời, nếu không sẽ bẻ bút, vứt bỏ nghiệp thi ca. Và chỉ trong ba tháng sau, Hàn Mặc Tử nhận được bản thảo tập thơ Tinh huyết của Bích Khê. Ông ngấu nghiến đọc, lòng tràn ngập niềm vui bởi ý lạ, tình hay và sự thăng tiến vượt bậc của bạn mình. Hàn Mặc Tử liền viết thư hết lời khen bạn, nhận lời viết tựa cho tập thơ, và năm 1939, khi tập thơ Tinh huyết ra đời đã khẳng định được “một bông lạ nở hoa, một thứ hương quí trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc”- như trong lời tựa của tập sách.

Có thể nói lời chê của Hàn Mặc Tử như câu chuyện Dương Lễ chê Lưu Bình đã làm nên một tài thơ rạng danh cho đất nước, và tình bạn của họ ngày càng gắn kết.                           

Cả Hàn Mặc Tử và Bích Khê là hai số phận bất hạnh, hai thiên tài đều phải sớm ra đi vì mắc bệnh nan y. Bích Khê sinh năm 1916, nhỏ hơn Hàn Mặc Tử 4 tuổi, mất sau Tử 5 năm, khi vừa tròn 30 tuổi. Ngoài chuyện đồng cảm, đồng bệnh, họ thực sự quí trọng tài nhau và lo lắng cho nhau cho đến phút cuối.

Trong Hồi ký của Quách Tấn có câu chuyện liên quan đến tình bạn của hai người thật cảm động mà chỉ những người bạn thơ mới làm được. Đó là “Khi Mộng Cầm phụ tình Tử, đi lấy chồng, Bích Khê rất giận và để an ủi Tử trong khi bị tình phụ, Khê nghĩ ra được một kế: Năm 1938, Bích Khê ra thăm, tặng Tử một tấm ảnh bán thân của Khê chụp chung với chị, và giới thiệu Ngọc Sương với Tử. Ngọc Sương là người có học thức, có văn phong, dung mạo lại phảng phất giống Bích Khê. Vốn yêu Bích Khê, Tử yêu luôn người phảng phất giống nhưng không dám nói ra”. Tình cảm với Ngọc Sương, rồi sau này là Thương Thương… những thiếu nữ chưa một lần gặp mặt đã giúp cho Hàn Mặc Tử làm nên nhiều tuyệt tác.

Sau này, khi kết thân với hai nhà thơ ở xứ Đồ Bàn Bình Định là Chế Lan Viên và Yến Lan, lập nên Bàn Thành Tứ Hữu, Hàn Mặc Tử kết nối Bích Khê với nhóm khi đã sáng tạo nên Trường thơ Loạn với tuyên ngôn đầy mới mẻ.

Nếu tình bạn với Bích Khê có pha chút đồng cảm trong số phận, thì tình bạn giữa Tử với Chế Lan Viên và Yến Lan là sự mến phục và quí trọng tài nhau. Trước khi đến với nhau, họ đã đọc tác phẩm của nhau và biết nhau qua báo chí. Cho nên khi có điều kiện gặp nhau, lại tương đồng về khuynh hướng và sở thích thì tình bạn tự nhiên gắn bó.

Năm 1936, khi từ giã nghề báo ở Sài Gòn về lại Quy Nhơn, Tử gặp và kết thân với Chế Lan Viên. Từ đó, “Chế thường mang thơ của mình cho Hàn góp ý. Có bài thơ mới, Hàn lại đọc cho Chế nghe. Vốn thông minh và có khiếu văn chương từ nhỏ, nên những bài thơ của Chế đã làm nhiều người yêu thơ kinh ngạc vì giọng thơ già dặn và u buồn trước tuổi của một học sinh đệ tam. Với sự khuyến khích của Hàn, Chế đã hoàn thành bản thảo tập "Điêu tàn" và xuất bản năm 1937”. [2]  Ngay trước khi tập Điêu tàn ra đời, Hàn Mặc Tử đã viết bài giới thiệu thơ Chế Lan Viên trên báo Tràng An (Huế), tạo một tiếng vang lớn cho chàng thi sĩ 16 tuổi đang còn là học sinh trung học.

Còn với Yến Lan thì lại trong một trường hợp thật ngẫu nhiên. Khi cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan tình cờ ghé thăm chùa Ông nơi thành Bình Định cũ, Hàn Mặc Tử bắt gặp một chàng trai thanh gầy đang ngồi làm thơ. Hỏi ra mới biết đó là thi sĩ Xuân Khai (bút danh ban đầu của Yến Lan), tác giả của nhiều bài thơ  nổi tiếng trên báo. Họ nhanh chóng trở thành những người bạn thơ thân thiết.  Từ đấy Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan kết thành bộ tứ, được giới phê bình phong là “Bàn Thành Tứ Hữu” với những áng thơ chói sáng trong nền văn học của nước nhà. “Nhóm thơ có bốn người mà đã có 3 ở tại Bình Định, còn Quách Tấn thì ở Nha Trang. Hàng tháng, ít nhất một lần, vào những đêm trăng lại thấy thấp thoáng bóng họ cùng chụm đầu bên nhau trò chuyện thâu đêm trên lầu cửa Đông Thành Bình Định. Chế Lan Viên gọi lầu này là “Lầu tư tưởng”.  Rồi thi thoảng, Hàn vào thăm Quách Tấn. Ở Nha Trang, nhà Quách Tấn là điểm hẹn của văn hóa. Thỉnh thoảng có nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình đến góp vui với họ. Nhà Quách Tấn có cây mận trước sân, tối đến, họ quây quần dưới gốc mận; thức rất khuya để đọc thơ đường, thơ Pháp và luận đàm về thế sự”.[3]

Trong khoảng gần 10 năm tồn tại, từ 1936 đến 1945, bằng tài năng và tình bằng hữu, “Bàn Thành Tứ Hữu” đã lập nên Trường thơ loạn và lần lượt cho ra đời những tác phẩm gây tiếng vang lớn trong cả nước như: Điêu tàn, Một tấm lòng, Mùa cổ điển, Thơ điên, Giếng loạn, Bến Mi Lăng… Nhận xét về hiện tượng này, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Dưới ngọn cờ của chủ soái Hàn Mặc Tử, các thành viên trong Trường thơ loạn say sưa sáng tác. Có những đêm cả bọn đem chăn màn ra bờ biển ở lại suốt đêm để thả hồn theo những vần thơ kỳ dị. Thơ của các thi sĩ Trường thơ loạn tràn ngập trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy... Tất cả say sưa bước chân vào thế giới rùng rợn đó...”

Có thể nói Hoài Thanh đã không sai khi coi Hàn Mặc Tử là chủ soái, bởi Tử là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm thơ Bình Định, rồi sau đó mới đến Chế Lan Viên. Về mặt tuổi đời, Hàn Mặc Tử là người anh cả của Chế Lan Viên, Yến Lan và Bích Khê. Ông nhỏ hơn Quách Tấn 2 tuổi, nhưng trong nhóm, Tử là người rất có uy tín trong sáng tác và cả trong ứng xử. Ông luôn là người dung hòa và tập hợp, gắn kết tình bạn của nhóm. Về điểm này, nhà thơ Yến Lan từng kể: “Chẳng hiểu sao Hàn Mặc Tử bình thường rụt rè và hiền lành là thế mà khi bước vào tranh luận lại hùng hồn sôi nổi tới mức không ngờ. Sau đó, khi đã qua các cuộc tranh cãi, ai nhắc lại thì Hàn chỉ điềm đạm mỉm cười”.

Ngoài những người bạn trong Bàn Thành Tứ Hữu, hay trong Trường thơ Loạn, Hàn Mặc Tử còn kết giao với những người bạn ở xa khác như: Hoàng Diệp, Trọng Miên, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng, Nguyễn Đình Thúy, Hoàng Trọng Quy, Bùi Tuân… Còn “Lê Đình Ngân, Hoàng Tùng Ngâm, Bửu Đào, Trần Kiên Mỹ là những người bạn ở gần, thường lui tới thăm viếng Tử. Tất cả các bạn ai nấy cũng đều thương Tử và yêu thơ Tử, và ai nấy cũng tìm cách để nâng đỡ tinh thần Tử”.[4] Ngược lại, họ nhận được từ Tử một tình bạn chân thành và nồng nhiệt, đầy trách nhiệm, đặc biệt là sự ảnh hưởng trong sáng tạo.

Với rất nhiều những người bạn thân thiết như vậy, (ấy là chưa kể những người yêu, người hâm mộ Tử còn rất đông), nhưng có lẽ do số phận an bài mà Hàn Mặc Tử đã thấy trước:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

 Có thể nói cuộc đời Hàn Mặc Tử là một khoảnh khoắc chói sáng của tài năng và tình bạn, ấy là chưa kể đến tình yêu nồng cháy mà Hàn dành cho những người bạn gái có mặt và chưa có mặt trong cuộc đời ông. Tài năng thường đi cùng với tình bạn lớn. Tình bạn ấy đáng để cho chúng ta soi vào mà học tập.

Mong làm sao trên quê hương Bình Định và trong làng văn nước nhà sẽ có thêm nhiều những “Bàn Thành Tứ Hữu”, những nhóm thơ quản đại yêu thương nhau, đùm bọc nhau trong sáng tạo, cho nền thơ dân tộc mở thêm nhiều trang mới lạ và chói sáng hơn nữa.

Và để lưu dấu tình bạn đẹp đẽ ấy của Hàn Mặc Tử, của nhóm thơ Bình Định, tôi đề nghị tỉnh nhà và gia đình nhà thơ Yến Lan cần cải táng mộ nhà thơ Yến Lan về nằm cạnh Hàn Mặc Tử (để hai người bạn mãi mãi bên nhau), và nhanh chóng cho xây dựng Nhà lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu ngay trên đồi Ghềnh Ráng thay vì là Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử như đang thiết kế. Điều này chắc hẳn Hàn thi nhân cũng rất đồng tình nơi cõi Chúa. Bỡi, chỉ có Nhà lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu mới có thể tập hợp và quảng bá một cách tốt nhất về Nhóm thơ Bình Định, và qua đó chắc chắn tỉnh nhà sẽ có thêm một địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc mà không một địa phương nào trong cả nước có được. Lúc bấy giờ, đồi Ghềnh Ráng, nơi Hàn Mặc Tử, Yến Lan nằm, nơi có Nhà lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu, với những bức tượng của các thi nhân (Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê…) lững thững trên đồi cao nhìn xuống biển, sẽ xứng đáng với tên gọi Đồi Thi nhân mà lâu nay rất nhiều người đã phong tặng. Và chắc chắn cái dự án “Thành phố văn hóa, thơ ca, du lịch”[5] mà cách nay 26 năm, các nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha… từng đề xuất sẽ trở thành hiện thực.

  • Mai Thìn

 

[1] Theo Hàn Mặc Tử - anh là ai của Chế Lan Viên in trong tuyển thơ HMT – Sở VHTT Nghĩa Bình 1988.

[2] Theo Tản mạn về  Nhóm thơ Bình Định của Lâm Bích Thủy.

[3] Theo Tản mạn về  Nhóm thơ Bình Định của Lâm Bích Thủy.

[4] Theo Hồi ký Quách Tấn.

 

[5] Toàn bộ dự án in ở Tạp chí Sông Hương số 24 (tháng 3-4-1987)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khó ở… cái chòi!  (19/09/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh một nhà thơ tài hoa  (19/09/2012)
“Có một vườn thơ đạo”  (17/09/2012)
Đặc sắc hia tuồng Bình Định  (17/09/2012)
Quà quê giữa phố   (15/09/2012)
Chị dâu   (15/09/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức  (15/09/2012)
Lắp đặt 3 máy tập thể dục ngoài trời   (15/09/2012)
NSND Đặng Thái Sơn: Hạnh phúc vì lấy tự do làm trên hết  (15/09/2012)
Lễ kỷ niệm 220 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (14/09/2012)
Cục Di sản Văn hóa kiểm tra “kho cổ vật 500 tuổi”  (14/09/2012)
Trường tồn trong lòng dân  (13/09/2012)
Tôi muốn quảng bá ca khúc của nhạc sĩ Bình Định  (12/09/2012)
Tiến hành từng bước cẩn trọng   (12/09/2012)
NHÀ VĂN ĐẶNG TIẾN: “GÁI QUÊ” ĐÃ VỀ… HỢP PHỐ  (11/09/2012)