Lấp lánh vẻ đẹp thơ Hàn
21:38', 22/9/ 2012 (GMT+7)

Trong lịch sử thơ ca dân tộc, Hàn Mặc Tử là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt vì bệnh tật và cô đơn: “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng, tôi đau vì rùng rợn đến vô biên” (Hồn là ai?). Đặc biệt về tài năng: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” (Chế Lan Viên, Người mới, số 5, ngày 23.11.1940). Và hơn hết, đặc biệt trong tiếp nhận bên cạnh những ngợi ca là cái nhìn đầy nghi hoặc…

 

Nhạc sĩ Walter Giger và ca sĩ Camille Huyền biểu diễn tại đêm thơ nhạc Trường ca Trăng diễn ra tại Quy Nhơn tháng 6.2010.

 

Đó là những chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, trong lần đầu tiên tổ chức hội thảo mang tầm quốc gia về cuộc đời và sự nghiệp thơ Hàn Mặc Tử, diễn ra ngày 21.9 tại TP Quy Nhơn. Hội thảo đã mang đến nhiều góc nhìn, phương pháp tiếp cận và khẳng định quan trọng về giá trị thơ Hàn Mặc Tử.

Sức hút của “hiện tượng” Hàn Mặc Tử

Theo TS Chu Văn Sơn, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hàn Mặc Tử là nhà thơ có sức thu hút vào hàng bậc nhất đối với công chúng yêu thơ và giới nghiên cứu trong, ngoài nước. Khách du lịch đến Quy Nhơn, đến Bình Định, một địa chỉ không thể bỏ qua là mộ Hàn Mặc Tử tại Đồi Thi Nhân.

Còn nhớ, ngày 15.6.2010, cũng tại thành phố biển nơi Hàn Mặc Tử vĩnh viễn nằm lại này, đã diễn ra một chương trình nghệ thuật đặc biệt về thơ Hàn Mặc Tử dưới dạng những tác phẩm âm nhạc. Đó là Trường ca Trăng (Moon art songs) gồm 9 ca khúc và 1 độc tấu guitar do nhạc sĩ người Thụy Sĩ Walter Giger phổ từ 10 bài thơ của Hàn Mặc Tử, qua sự thể hiện của ca sĩ quốc tịch Pháp gốc Việt Camille Huyền. Được biết, Trường ca Trăng chỉ là tác phẩm đầu tay trong dự án phổ và giới thiệu nhạc thơ Hàn Mặc Tử một cách rộng rãi trên toàn thế giới mà người nhạc sĩ này đang tâm huyết thực hiện.

Cách đây 4 năm, lại có một cuộc hội thảo thơ và đêm thơ Hàn Mặc Tử diễn ra tại Đà Nẵng, chỉ xuất phát từ sự yêu mến, quý trọng dành cho một nhà thơ vốn không xuất thân hay thành danh từ địa phương mình. Hàn Mặc Tử nắm giữ kỷ lục là nhà thơ Việt Nam đầu tiên có chuyên luận dày dặn ngay khi ông vừa mất, đó là công trình nghiên cứu “Hàn Mặc Tử - thân thế và thi văn” của nhà nghiên cứu cùng thời Trần Thanh Mại, đặt ra những vấn đề khá then chốt làm cơ sở cho nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử sau này. Hàn Mặc Tử cũng là một hiện tượng khiến giới nghiên cứu phải đặt ra rất nhiều phương pháp tiếp cận, tìm tòi nhiều cách “đọc” thơ ông…

Một trong những vấn đề được “xới” lên và thu hút sự quan tâm của Hội thảo là việc nhìn nhận hiện tượng, vấn đề Điên trong thơ Hàn Mặc Tử không phải như một trạng thái bệnh lý mà là trạng thái cực điểm hiếm hoi của sáng tạo Hàn Mặc Tử. Và như thế, thơ Điên được nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ như một loại hình thơ chứ không phải sản phẩm sinh ra từ trạng thái, cảm xúc điên loạn. Nhà thơ Ngô Thế Oanh cho rằng, cần phải có sự nhìn nhận khách quan về yếu tố Điên trong sáng tạo của Hàn Mặc Tử. “Trong di sản thơ Hàn Mặc Tử, có vẻ như những sáng tác ở giai đoạn đầu theo phong cách “hiền hòa”, cổ điển được nhớ, được thuộc, được ghi nhận nhiều hơn; song thơ Điên mới là gia tài đồ sộ nhất của đời thơ Hàn Mặc Tử”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tôn giáo trong thơ Hàn cũng là vấn đề thu hút sự khai thác của nhiều tham luận và thảo luận, mở ra những góc nhìn mới, chiều kích rộng mở hơn cho vấn đề này. Theo đó, tôn giáo trong thơ Hàn không chịu sự ràng buộc, không mang màu sắc của một tôn giáo cụ thể nào, mà đã chuyển hóa thành văn hóa trong sự gặp gỡ giữa cái đẹp và cái thiêng, giữa thơ và kinh cầu.

Tiền đề cho những nghiên cứu, tôn vinh Hàn Mặc Tử

Nếu Xuân Diệu được đánh giá là “mới nhất trong các nhà Thơ Mới” thì Hàn Mặc Tử là người “lạ nhất” của thời đại thơ này. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã nhìn nhận Hàn Mặc Tử là một trong những đại diện tiêu biểu của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Hàn Mặc Tử sống trên cõi đời này vỏn vẹn 28 năm, hoạt động văn học trên 10 năm; nhưng ông đã khắc tạc dấu ấn riêng hồ như vĩnh viễn không phai nhạt của mình vào nền thi ca tiếng Việt”.

Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông khẳng định Hàn Mặc Tử là nhà thơ Việt Nam ông thích nhất trong thế kỷ XX. Còn ở quy mô các nhà thơ trên toàn thế giới, Nguyễn Trọng Tạo chọn 3 người thích nhất là: Esenin, Lorca và Hàn Mặc Tử. “Hàn Mặc Tử vẫn sống cả trong những bài hát, những bộ phim, những vở kịch mà hậu thế nhận diện ông. Dù những tác phẩm viết về ông còn những khiếm khuyết, cũng là gởi lại tấm lòng ngưỡng mộ người thi sĩ đa tài. Giống như Esenin của Nga, Hàn Mặc Tử cũng có bài hát mang tên ông. Không phải nhà thơ nào cũng có được cái vinh hạnh ấy, được làm nhân vật của văn chương, nghệ thuật”, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Hội thảo này đã tạo điều kiện cho những người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học có dịp ngồi lại để nói về một số phận đặc biệt, một tài năng đặc biệt như Hàn Mặc Tử. Một hội thảo tầm quốc gia lần đầu được tổ chức ở chính nơi mà đời thơ ngắn ngủi của Hàn Mặc Tử gắn bó, sẽ là tiền đề quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, tôn vinh tiếp theo về di sản thơ Hàn Mặc Tử”.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội thảo khẳng định và tôn vinh di sản thơ Hàn Mặc Tử  (21/09/2012)
“Cháy hết mình khi hát trên quê hương”  (20/09/2012)
TÌNH BẠN TRONG ĐỜI THƠ HÀN MẶC TỬ   (20/09/2012)
Khó ở… cái chòi!  (19/09/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh một nhà thơ tài hoa  (19/09/2012)
“Có một vườn thơ đạo”  (17/09/2012)
Đặc sắc hia tuồng Bình Định  (17/09/2012)
Quà quê giữa phố   (15/09/2012)
Chị dâu   (15/09/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức  (15/09/2012)
Lắp đặt 3 máy tập thể dục ngoài trời   (15/09/2012)
NSND Đặng Thái Sơn: Hạnh phúc vì lấy tự do làm trên hết  (15/09/2012)
Lễ kỷ niệm 220 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (14/09/2012)
Cục Di sản Văn hóa kiểm tra “kho cổ vật 500 tuổi”  (14/09/2012)
Trường tồn trong lòng dân  (13/09/2012)