Tháng bảy, mùa mưa ngâu đã qua, mùa trái rừng trên vùng đất hai mùa mưa nắng này đã xuất hiện.
Khó bắt đầu từ một loại trái nào trong cuối hạ đầu thu nhắc đến khi cánh rừng, đồi núi bắt đầu những cơn mưa chao đổ nhẹ nhàng. Ở sườn đồi đã vào vụ sim trái chín mang màu sắc tím hồng cao ngang tầm ngực, rồi cam núi, ổi đồi căng bóng chen cùng dủ dẻ, chim chim vàng óng. Tầm cao hơn là những vạt trâm đen mun trái chín, bóng nhẫy đến những trái sặc ba khía, bốn khía chín vàng hay những trái thị thơm lừng mọc lan sườn núi, mọc chen trong những loại cây thân gỗ. Những vạt sườn nhấp nhô cỏ lau và đá tảng, nơi đây là những trái cho hạt vào mùa chín như hạt ư, hạt đát; rồi cao hơn sâu hơn cả một rừng xay đen mun, những trái đỏ sắc hồng bung chín như những chùm pháo hoa. Lạc loài xuất hiện đến bất ngờ là chơm chơm núi ở miền Nam, lòn bon đã dần vắng bóng thay cho giống nhập ngoại trồng ở các miệt vườn mọc hoang do chim tha hạt.
Trái rừng dạng nhỏ, cũng ít trái lớn như trâm trâu, xay… nhưng hương vị thì đặc trưng khó lẫn với giống trái vườn nhà. Cam rừng vừa ngọt vừa cay xè, có nơi còn gọi là cam khẹc. Ổi rừng nhỏ, thơm, đậm vị như ổi sẻ. Sim ngọt chen liền với chát lưỡi như trâm nếu vừa chín tới và ăn xong tím cả môi miệng; sặc chín thì ngọt chen chua nhưng nếu ăn nhiều sẽ tưa cả miệng, rồi thị cơm vàng hột lớn chan chát, chơm chơm núi chua không thể tả; chùm đỏ và lòn bon xanh thì hai thứ này trái chua trái ngọt khó lường trong chùm chín rực đến mộng mị vì đẹp.
Mùa trái rừng là một vùng cổ tích của trẻ em nông thôn hay miền núi, là món ăn theo mùa của các em vùng này khi lớn lên nếu đi đâu xa thì nhớ, như tôi thành một hoài niệm. Má tôi từng kể: Vào mùa trái rừng, ngoại tôi lúc trẻ theo đám bạn lên núi hái đỏ. Từng chùm đỏ chín rực bung tán như đài hoa cứ việc mỗi đứa chọn cây trèo lên tận đọt để hái. Đâu ngờ, cây của ngoại bên dưới có ông cọp đang nằm ngủ sau khi ăn no trái rừng. Mải mê vừa ăn vừa hái đến khi nhìn xuống thì cọp vẫn ngáy và chẳng biết run rẩy thế nào mà cả đọt cây, chùm trái và người răng rắc đổ xuống đầu cọp. Cọp chạy một nơi, người nhào về một nẻo. Còn ba kể khác, mùa ổi, cọp thấy trẻ con liền nằm dưới gốc để đợi nhảy xuống là vồ. Đứa trẻ run lẩy bẩy ôm chặt chạng ba cây suốt hai ngày. Lúc người lớn tìm gặp, cọp chạy, bỏ lại cả đống bọt mép, đứa trẻ ôm quần đi về.
Tôi nhớ những người bạn cắt cỏ, chăn bò thuở ấy. Mùa trái rừng chưa phải cắp sách đến trường làng, bò cột vào gốc cây và gom cỏ trước mặt để chúng nhẩn nha nhai lại. Còn bọn tôi, tót vào rìa rừng, nơi đang tỏa hương của ổi sẻ, thị chín, trâm mọng… Giành nhau chí chóe, xua cả bầy chốc mào bay về nơi khác để bẻ cả cành thả rơi xuống đất mà hái, mà lặt vừa ăn vừa phun hột, tím đen miệng mồm, ném nhau ràn rạt và nghênh ngang vác cành xum xuê cả trái lẫn lá trở về. Mùa trái rừng cũng đi liền những làn roi lằn mông vì túi áo, túi quần đứa nào cũng bết đầy mủ cây, mặt mũi đen nhẻm đủ màu, bất kể sáng trưa chiều đều mất dạng khỏi nhà.
Giờ này, mùa trái rừng gần qua, mùa ong lấy mật cũng hết và cũng hẹn năm sau, mùa này, vòng quay thời gian trở lại cho một mùa trái rừng. Chỉ có điều, tuổi thơ đã qua nên nỗi nhớ mỗi mùa trái rừng khi bất chợt trông thấy, lại da diết lúc tuổi về già…
|