Chiều muộn
21:51', 22/9/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của ĐẶNG THIÊN SƠN

Ngày mới về ở với gia đình ông chủ, đêm nào, bà cũng ra ban công ngồi nhai trầu tới tận khuya. Đôi mắt mờ đục của bà hướng về phía quê, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Chỉ đến khi ông chủ lớn tiếng, bà mới vào phòng đi ngủ. Trước đó, bà ở với người con trai cả. Nhưng từ khi nó bắt quả tang vợ mình ngủ với giám đốc cơ quan, những cuộc cãi vã diễn ra thường xuyên trong ngôi nhà ấy. Những lúc như thế, cô con dâu nanh nọc lại xỉa xói gia đình nhà chồng. Bà nghe chối tai nên bỏ sang ở với người con trai thứ là ông chủ tôi.

Ông chủ ở cơ quan thì người thưa, kẻ dạ, nhưng về nhà bà chủ nói gì cũng im thin thít. Ông nghiện thuốc, mỗi đêm đốt gần cả gói. Bà chủ chê hôi thuốc nên không cho ngủ chung, ông nằm trên chiếc ghế băng xem bóng đá, đốt thuốc, rồi ngủ luôn một mạch tới sáng. Từ ngày có bà về ở, ông hay càu nhàu với bà. Thi thoảng, tôi nghe ông phàn nàn: “Bà không ở với vợ chồng anh ấy. Về cái nhà này làm gì cho khổ cái thân tôi? Ngày xưa, bà chia cho anh ấy nhiều đất hơn tôi còn gì”. Ông chủ cay cú bà từ cái ngày chia đất, chia cát dưới quê. Chẳng là, chồng bà chết đột ngột vì bệnh nhồi máu cơ tim, không kịp để lại di chúc, nên việc chia tài sản, đất đai do bà quyết định. Ông con trai cả được chia mảnh đất hương hỏa và chịu trách nhiệm phụng dưỡng bà. Còn ông chủ được chia một mảnh đất rừng. Ông chủ cho rằng việc chia đất là không công bằng. Nhất là bà chủ bày ra đủ thứ mưu mẹo để xúi chồng tranh giành mảnh đất hương hỏa với ông anh trai. 

Sau khi được chia mảnh đất hương hỏa, ông con cả của bà đem bán lấy tiền mua xe hơi. Chiếc xe ấy về sau thằng Khánh, con trai đầu của ông đem cầm đồ để chơi cá độ bóng đá. Thua độ không có tiền chuộc xe, thằng Khánh bỏ nhà đi bụi từ đó. Ông mất xe, mất con lại bị vợ cắm sừng nên lâm vào rượu chè be bét… Mảnh đất rừng của ông chủ tôi, bà chủ thuê người nuôi nhím. Nhím bị dịch chết hết. Bà chủ bán mảnh đất cho trại bên cạnh lấy tiền ăn diện, nâng cằm, xăm mắt...

* * *

Thỉnh thoảng cô Út lấy chồng xa có gửi cho bà dăm ba trăm nghìn. Mỗi lần tôi đi chợ, bà lại gửi tôi mua trầu. Lúc về thừa năm ba nghìn tôi đưa trả bà, nhưng bà không lấy, bảo cất đi khi về quê thì mua cho cháu cái kẹo. Tôi thấy bà bị vợ chồng ông chủ đối xử không ra gì nên thương bà lắm. Nhưng tôi được bà chủ thuê về nhà ấy mới có công ăn việc làm ổn định, kiếm tháng năm ba trăm ngàn gửi về quê đóng học phí cho con. Bà chủ thì cực ghét bà nên cứ hễ tôi lo lắng cho bà hơi quá một chút, thể nào tháng ấy tôi cũng bị trừ lương, không vì lý do này thì cũng lý do khác. Vì vậy mà tôi chỉ dám trò chuyện với bà những hôm bà chủ vắng nhà.

Sáng hôm đó, tôi nghe thấy bà chủ cãi nhau với bà rất lớn tiếng. Đến trưa thì bà chủ về quê ngoại lo đám cưới cho đứa em trai út. Tối đó, tôi lên ban công trò chuyện với bà, nhưng không thấy bà đâu, nghĩ buổi chiều trời có mưa, bà mệt nên đi ngủ sớm. Tôi vào giường trằn trọc không ngủ được, vì cu con mới gọi điện đòi tiền học phí mà lương tháng thì chưa thấy bà chủ nhắc tới. Cả mấy tiếng đồng hồ không nghe bên phòng bà có tiếng động. Mọi hôm dù bà có mệt mấy cũng dậy đi vệ sinh vài lần. Tôi có linh tính không lành. Ngồi dậy, tôi qua phòng bà gõ cửa nhưng không thấy bà lên tiếng. Tôi chạy xuống nhà kêu ông chủ. Ông chủ lảm nhảm điều gì đó không rõ rồi ngủ tiếp, mùi rượu phả ra nồng nặc. Tôi đành một mình chạy lên tìm cách mở cửa vào phòng bà.

Khi bóng điện phòng bà vừa sáng, đập vào mắt tôi là hình ảnh bà treo lơ lửng trên một sợi dây. Tôi hoảng quá, lập cập xuống cầu thang. Ông chủ thấy tôi hớt ha hớt hải, giật mình trợn mắt nhìn. Tôi không nói được thành lời mà chỉ tay về phía phòng bà. Ông đi lên cầu thang, còn tôi mở cửa gọi hàng xóm sang giúp đỡ. Khi người ta hạ bà xuống thì thân bà đã lạnh ngắt. Ông chủ gục khóc rất thảm thiết bên xác bà, ra vẻ rất thống thiết. 

Công an tạm giữ tôi để điều tra về cái chết của bà. Vì theo ông chủ tôi là thủ phạm gây ra cái chết của mẹ ông ấy. Chỉ đến khi công an tìm ra lá thư tuyệt mệnh của bà để lại, tôi mới được thả về.

Cô Út về bên bà được một tiếng đồng hồ thì người ta liệm xong bà. Trong lá thư tuyệt mệnh bà cất dưới chiếu mà công an tìm thấy có ghi rõ: “Khi tôi qua đời, toàn bộ số tiền tôi gửi tiết kiệm ở ngân hàng, cả gốc và lãi đều thuộc quyền sở hữu của con gái út tôi”. 

Cái chết của bà khiến hai người con trai xấu hổ không dám làm tang lớn. Nhưng người ta vẫn tới viếng đông lắm, vòng hoa xếp tràn ra cả lòng đường. Hai cô con dâu miệng khóc gào nhưng mắt thì ráo hoảnh. Mấy đứa cháu, đứa gần thì về đi đưa đám, đứa xa thì bảo bận việc không về được. 

Chôn cất bà xong, cô Út lấy số tiền mà bà dành dụm ở ngân hàng xây mộ cho bà. Trong lá thư tuyệt mệnh, bà có dặn cô Út cho tôi một ít để sau này về quê lấy vốn làm ăn. Cô Út đưa cho tôi năm triệu, nhưng tôi không dám cầm.

Cô Út đành mua cho tôi cái xe ba gác làm quà. 

Nghe đâu, sau khi bà chết, ông chủ xin nghỉ việc cơ quan, bà chủ suốt ngày đóng cửa im ỉm ở trong nhà. Còn ông con cả ly hôn với bà vợ lẳng lơ về ở hẳn dưới quê. Thằng Khánh thì dắt về một con bé bụng đã to lù lù mà không có tờ hôn thú.

* * *

Nhờ chiếc xe cô Út mua từ số tiền bà cho, tôi về quê chạy hàng rau bỏ cho các mối ở chợ, kiếm tiền nuôi con ăn học. Giờ đứa đầu đã ra trường và có công ăn việc làm. Đứa thứ hai đang học đại học trong Sài Gòn. Nó ở trọ gần nhà cô Út. Vợ chồng tôi cũng xây được căn nhà ba gian tươm tất. Chiếc xe ba gác đã cũ không còn sử dụng được nữa. Nhiều lần chồng tôi bảo bán cho mấy bà đồng nát, nhưng tôi một mực đòi giữ lại. Vì đó là chiếc xe đã giúp gia đình tôi vượt qua những ngày khốn khó, và hơn hết nó là vật kỷ niệm mà bà và cô Út tặng tôi.

Đã lâu, tôi không lui tới nhà ông chủ. Đứa con gái tôi nghe cô Út kể, bà chủ đã chết cách đây mấy năm vì căn bệnh ung thư gan. Chủ nhật này mẹ con tôi sẽ thu xếp công việc để lên thăm mộ bà nhân lần giỗ thứ mười lăm và luôn tiện ghé nhà ông chủ đưa số quà mà cô Út gửi về cúng bà, vì năm nay cô Út bận ở lại giữ cháu không về dự đám giỗ bà được.

Đến nhà ông chủ thấy cửa khóa im ỉm, mẹ con tôi gửi hộ hàng xóm gói quà của cô Út, rồi vội vã ra nghĩa trang viếng bà. Lúc mẹ con tôi đến mộ bà thì hai người đàn ông tóc bạc trắng đã ở đó từ lúc nào. Nhìn mãi tôi mới nhận ra ông chủ. Ông ấy đã già, nhưng cái sẹo trên trán không lẫn vào đâu được. Hình như mắt ông ấy đã mờ, tai đã lảng nên không nhận ra tôi. Chỉ đến khi tôi ghé sát vào tai nói thật to: “Con là cái Tít đây. Ngày xưa con là người ở của nhà ông”. Thì lúc đó ông mới nhận ra tôi. Những nếp nhăn trên mặt ông co lại, khóe mắt ươn ướt, ông nói: “Cho ông xin lỗi mẹ con cháu! Cảm ơn gia đình cháu vẫn còn nhớ tới bà!”.

Gió cuối thu lành lạnh, những tia nắng chiều còn sót lại loang lổ trên những nấm mộ im lìm, ngả bóng bốn người chúng tôi bên mộ bà.

  • Đ.T.S
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa trái rừng  (22/09/2012)
Lấp lánh vẻ đẹp thơ Hàn  (22/09/2012)
Hội thảo khẳng định và tôn vinh di sản thơ Hàn Mặc Tử  (21/09/2012)
“Cháy hết mình khi hát trên quê hương”  (20/09/2012)
TÌNH BẠN TRONG ĐỜI THƠ HÀN MẶC TỬ   (20/09/2012)
Khó ở… cái chòi!  (19/09/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh một nhà thơ tài hoa  (19/09/2012)
“Có một vườn thơ đạo”  (17/09/2012)
Đặc sắc hia tuồng Bình Định  (17/09/2012)
Quà quê giữa phố   (15/09/2012)
Chị dâu   (15/09/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức  (15/09/2012)
Lắp đặt 3 máy tập thể dục ngoài trời   (15/09/2012)
NSND Đặng Thái Sơn: Hạnh phúc vì lấy tự do làm trên hết  (15/09/2012)
Lễ kỷ niệm 220 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (14/09/2012)