Không chỉ vì vẻ sang trọng của hình thức (khổ 12,5 x 23cm) in trên giấy hoa văn “cổ kính”… mà vì sự độc đáo của nội dung. Đọc tập thơ suốt 25 bài lần lượt “ hầu chuyện” với các nhân vật lịch sử có thật và huyền thoại, có khi là nhân vật của tác phẩm văn chương xưa, ta cảm thấy thú vị và hấp dẫn, đến nỗi hầu như quên mất chuyện ồn ào bàn cãi về mới – cũ… của thơ hiện nay.
|
Bìa tập thơ.
|
Bởi vì hình như tác giả không hề quan tâm đến việc sáng tác theo trường phái nào, không bận lòng đến truyền thống hay cách tân, không uốn éo cố phức tạp hóa câu chữ! Vẫn câu chữ bình thường, dễ hiểu, vẫn nhạc điệu êm thuận có phần cổ điển, nhưng nó lại mang một phong cách rất “mới”. Mới cả hình thức cả nội dung, từ cách đặt vấn đề đến cách diễn đạt.
Nói những chuyện của ngày xửa ngày xưa, chuyện người ta đã cày đi xới lại nát nhừ trong lịch sử và trên văn đàn, mà nhiều khi chỉ một vài câu tưởng chừng “rời rạc” của bài thơ, những “mặc định” hàng trăm năm kia bỗng dưng phải được đặt lại lên bàn cân ý thức. Vẫn đề cao, ca ngợi lòng chung thủy của nàng Vọng Phu: Ta cúi đầu trước tình yêu của nàng/ ta cúi đầu trước lòng chung thủy của nàng/ bồng con chờ chồng mà hóa đá/ nhân gian kim cổ được mấy người… . Nhưng chỉ hạ một câu kết, khiến người ta phải nghĩ đến tính nhân văn của quan niệm cũ về lòng chung thủy và sự vô lý của chiến tranh: Ta chỉ thương đứa bé kia chưa biết mặt cha/chưa biết lòng chung thủy/sao phải hóa đá cùng nàng? (Trước hòn vọng phu)
Cũng như với Nguyệt Cô, một nhân vật huyền thoại điển hình trong tuồng cổ, xưa nay với tinh thần trung quân - tiết nghĩa, người ta khen “trí, chí” của Tiết Giao, rủa Nguyệt Cô mù quáng đong đưa, đáng đời cáo phải trở về kiếp cáo, thì nay VTH lại bênh vực thương xót, chia sẻ với Nguyệt Cô, kẻ đã dày công tu luyện cả ngàn năm để được làm người, chỉ vì một phút mơ màng khao khát tình yêu, trao ngọc “thần” cho Tiết Giao mà phải trở về kiếp cáo: Giá thân trước biết lòng kia đen bạc/ thì bây giờ đâu quặn thắt thân sau; và phẩn uất lên án Tiết Giao, phê phán sự giả trá đen bạc, lợi dụng niềm tin một cách hèn hạ, bất nhân: Tiết Giao/ Tiết Giao/ dẫu trung quân trọn đạo/ dẫu hiếu thảo vẹn mười/ Từ cáo ta thành người/ là người ta biết yêu/ vì yêu sao hóa cao?(Nguyệt Cô).
Thánh Gióng là một vị anh hùng từ truyền thuyết sáng ngời trong lòng dân muôn thuở, Từ sắt thép, tre làng đánh giặc/ giặc tan lại bay về trời . Vì không theo thói thường như bao vị công thần của bao triều đại, nên không để lại tỳ vết chốn nhân gian. Điều này, VTH bảo “Ta cứ nghĩ vẩn vơ”, nhưng lần đầu tiên, nó làm chúng ta phải nghiêm túc cùng suy ngẫm: Ngày ấy nếu ông làm vua/ Rồi con cháu ông làm vua/ không biết được – thua/ và liệu bây giờ/ có vết nhơ nào để lại? (Thánh Gióng).
Đặc biệt hơn cả, đối với các bậc tài danh có thật trong lịch sử, tác giả đã “hầu chuyện” khá sắc sảo, thông minh với từng người, nhất là những người mà lịch sử đánh giá “chưa tới”, như với Trần Thủ Độ, với Hồ Quí Ly, với Võ Tánh, với Nguyễn Hữu Chỉnh…VTH dựng dậy, bắt “đối thoại” với mình để cho “ra lẽ” – và, cái lẽ của anh là công tội phải rạch ròi, là giá trị cao cả, thiêng liêng nhất của kẻ làm quan không gì khác hơn hành động “vì dân, vì nước”. Thật không dễ dàng nói cho trôi chảy và thuyết phục được người đọc khi đi vào cái góc khuất chông gai này, nếu không am hiểu lịch sử một cách tường tận, thấu đáo và nếu không có một trái tim nhân văn sâu sắc, nhất là một cách diễn đạt tài hoa.
Tôi cảm động và nể phục khi đọc “Gặp Võ Tánh ở thành Bình Định”. Bài thơ nói về hai vị anh hùng ở hai chiến tuyến đối địch nhau một mất một còn mà đều sáng ngời nghĩa khí. Chỉ với hơn mười câu thơ ngắn mà đã đề cập và giải quyết được một vấn đề khá lớn. Thật khôn khéo khi đặt câu hỏi: Là tướng của Gia Long tử chiến với Tây Sơn / Sao ông không giống kẻ tiểu nhân kia trả thù hèn hạ/ mà dừng ngựa cho Đồ Bàn yên ả/ Đốt cháy mình để bá tánh bình an để cho Võ Tánh có dịp được giải bày gan ruột: Một đời ta vì trăm họ, giang san/Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước/Mà thôi. Trải năm tháng những gì mất, được/Mặc đời sau công, tội luận bàn. Hai câu kết của bài thơ thật lãng mạn, thật nhân văn: Ngươi nhìn kìa Trần Quang Diệu đang sang/ Rượu đã sẵn và…trăng đã đến. Họ là một đôi tri kỷ? Vâng! À không! Họ vốn là hai kẻ tử thù trước thành Bình Định. Nhưng giờ đây, sau hơn hai trăm năm, dưới ngòi bút của VTH, một chi tiết quan trọng của lịch sử đã được nhắc lại, ở một góc nhìn có “độ lùi” cần thiết, khiến “đồng hiện” được giá trị và nhân cách của cả hai vị tướng của hai vương triều đối địch nhau. Họ bỗng thành đôi tri kỷ khi cùng lý tưởng “ vì trăm họ, giang san”. Cảm thương cho Võ Tánh trước một lựa chọn khó khăn: Trung quân và ái quốc, ông đã chọn cả hai, bằng cách tự đốt mình để trao thành cho Trần Quang Diệu một cách yên ả không hại đến dân, binh.
Kính phục thay Trần Quang Diệu, kẻ chiến thắng, đã hạ lệnh an táng tướng thù bằng nghi thức trọng thể, trang nghiêm của hành vi quân tử trước một hành động anh hùng! Họ thành tri kỷ thiên thu là quá phải.
Từ những bài thơ viết về các vị vua chúa như Lưu Bang, Đường Minh Hoàng, Tự Đức đến những bài viết về các công chúa, mỹ nhân như Mỵ Châu, Lý Chiêu Hoàng, Dương Quý Phi, Nguyễn thị Lộ…Ở con người nào tác giả cũng phát hiện được nét đặc trưng mà xưa nay ít ai nghĩ đến, nhằm đưa ra một triết lý về nhân sinh. Và với triết lý nhân sinh ấy, VTH lý giải các tình huống khá “biện chứng” và thuyết phục. Với Lý Chiêu Hoàng, Hỏi: Bà có day dứt khi nhà Lý lụi tàn tan vỡ/ Nguyên nhân kia cũng có từ bà? Đáp: Thời vàng son của nhà Lý đã qua /Không vào tay nhà Trần cũng vào tay kẻ khác. (Hỏi chuyện Lý Chiêu Hoàng). Thực ra cả “công” lẫn “tội” đâu có thuộc Lý Chiêu Hoàng mà thuộc về Trần Thủ Đô, vị thái sư kỳ lạ nhất/ sáng như nhật nguyệt - nỗi niềm dân nước/ mờ tựa sương sa - đạo lý luân thường!/ ông là ai mà chỉ một cuộc hôn nhân, đã thay đổi cả đế vương/ nhà Lý thành nhà Trần không đường tên mũi đạn/ Trị nước võ văn hưng thịnh/ Lo dân cơm áo sách đèn…/Ta suy nghĩ về ông công, tội đầy vơi/ mờ mờ tỏ tỏ/vẫn sáng lên tài trí một đại thần/sáng gương người tạo lập triều Trần/ triều của muôn dân ba lần đuổi giặc…(Nghĩ về Trần Thủ Độ).
Với vụ án đầy oan khuất cùng sự mù quáng và ân hận muộn màng của triều đình nhà Lê trong hành xử đối với Nguyễn Trãi, bài thơ chỉ như một tiếng thở dài mà thấm thía và lay động; Nó vừa chấm phá dựng lại không khí mừng vui mà huyền hoặc ngày Nguyễn Trải được minh oan với những oan hồn lang thang nơi thành Thăng Long mờ tỏ ánh đèn, vừa khắc họa nỗi đắng xót bẽ bàng, tự vấn lương tâm rất “thời sự” của vong hồn Thị Lộ: Sao đã yêu một bậc tài hoa/ Lại không xa được một quân vương lỗi đạo/ Phải danh vọng làm ta không tỉnh táo/ Hay ta đã quá yêu mình?(Đêm ấy ở Côn Sơn). Riêng với Đào Duy Từ, tác giả như dành cả niềm trắc ẩn và lòng kính trọng sẻ chia! Như một đôi bạn vong niên tâm đắc, đầy chiêm nghiệm: Ngày ấy nếu làm quan cho chúa Trịnh/ Người có đắp lũy Trường Dục? – Chỉ là một cách/ Lũy ở lòng dân/ Ngày ấy gặp Sãi vương nghe nói chúa rất quí Người?/ chỉ là vương sách/ vì chúa cần ta/ Người nghĩ gì về chặng đường mình đã đi qua?/ Tốt xấu ở mọi nơi/ Người khuyên gì lớp hậu sinh chúng tôi?/ Đừng bước qua sự thật! (Phỏng vấn Đào Duy Từ).
Không “giải thiêng”, không đảo ngược giá trị, chỉ làm cho sáng tỏ những mập mờ, những bất công quá khứ; chỉ “thổi” tính nhân văn vào từng số phận của những anh hùng, mỹ nhân và những vua quan thuở trước. Ngắn gọn, cô đúc, với một giọng văn buồn buồn nhè nhẹ, mỗi bài thơ trong tập đều đặt ra và chạm tới được một vất đề gì đó về lẽ sống, về kiếp nhân sinh. Hơn thế, thông qua mỗi cuộc “hầu chuyện” với một bậc “tiền nhân”, tác giả bộc lộ ý tưởng của mình trước những vấn đề còn chìm khuất lửng lơ trong lịch sử, bằng cảm thức của một hồn thơ sâu lắng và nặng nợ tri ân.
* Tập thơ của Văn Trọng Hùng, NXB Hội nhà văn - 2012 |