Theo dõi các chương trình văn nghệ, biểu diễn sân khấu, hội diễn nghệ thuật quần chúng, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật…, một thực trạng đáng buồn là các chương trình, sự kiện VH-NT như thế ở tỉnh ta ít thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân. Điều này đồng nghĩa với việc lãng phí, hạn chế sức lan tỏa giữa đáp ứng và thưởng thức VH-NT.
Không chỉ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống chịu cảnh thưa thớt người xem, mà ngay cả các hoạt động VH-NT mang tính phổ thông, đại chúng như ca múa nhạc, nhiếp ảnh… cũng khá đìu hiu. Những hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức trong hội trường rộng lớn, hầu như chỉ ban tổ chức, giám khảo, các đơn vị tham gia và cổ động viên “người nhà” hát cho nhau nghe. Bao kỳ triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật mở cửa trong 3-5 ngày, cũng chỉ xôm tụ ngắn ngủi vào buổi đầu khai trương, khách thưởng lãm là những gương mặt quen thuộc trong cùng chi hội và các chi hội nghệ thuật khác đến chúc mừng. Đặc biệt, khi chương trình được tổ chức ngoài trời, gặp thời tiết bất lợi, hàng ghế khán giả chỉ vài đại biểu, trên sân khấu ca sĩ, diễn viên cố diễn cho xong tiết mục.
|
Hội diễn nghệ thuật quần chúng là hoạt động gắn bó thiết thân với đời sống người dân, song cũng chưa nhận được sự quan tâm theo dõi của khán giả địa phương. |
Ngày nay, khán giả có quá nhiều sự lựa chọn trong thưởng thức nghệ thuật, giải trí. Không thể ép buộc khán giả địa phương phải bỏ lỡ một bộ phim hay, một chương trình giải trí hấp dẫn đang chiếu hoặc trực tiếp trên truyền hình để đến xem chương trình ca nhạc, tuồng, bài chòi do các nghệ sĩ địa phương biểu diễn. Có nhiều cách lý giải tình trạng này. Trước hết là chất lượng nghệ thuật của các chương trình chưa cao, chưa tạo sức hút đối với người dân; công tác giới thiệu về địa điểm và thời gian diễn ra các chương trình chưa được chú trọng. Ngược lại, cũng phải nói đến tâm lý “sính ngoại” ở một bộ phận khán giả địa phương, thích xem các chương trình nghệ thuật từ nơi khác về biểu diễn hoặc xem trên truyền hình hơn là dành sự quan tâm, cổ vũ cho các chương trình “cây nhà lá vườn”; hoặc là thờ ơ đối với đời sống văn hóa địa phương…
Khán giả là nhân tố không thể thiếu, là thước đo hiệu quả, sức lan tỏa của mỗi chương trình VH-NT, là chất men cổ vũ sáng tạo, nhiệt huyết biểu diễn của người nghệ sĩ trên sân khấu. Vì thế, để giải quyết cảnh “chợ chiều” của các chương trình VH-NT cần sự nỗ lực từ hai phía. Bên tạo ra sản phẩm nghệ thuật cần đổi mới nội dung, hình thức để tăng sức thu hút của mình, đi đôi với việc tăng cường thông tin về thời gian, địa điểm diễn ra chương trình để người dân tiện theo dõi; có thể bằng hình thức phát giấy mời, thông báo mời về địa phương, các trường học trên địa bàn. Về phía công chúng địa phương, đối tượng thụ hưởng chính, cần phát huy tinh thần hưởng ứng, quan tâm đến các sự kiện VH-NT trong tỉnh, nói rộng ra là dành sự quan tâm đến đời sống văn hóa của địa phương mình.
|