Nồi chè khoán và que kẹo bông gòn
21:7', 29/9/ 2012 (GMT+7)

1. Tôi nhớ những ngày còn nhỏ ở quê, Tết Trung thu đến, chị phụ trách Đội tới từng nhà ghi danh sách những người tham gia “Hội trăng Rằm” để báo lại cho Chi đoàn và Hội phụ nữ thôn chuẩn bị quà. Đêm Rằm, chúng tôi đựng đầy tà áo những thức quà quê do chính bàn tay của các chị, các mẹ tự làm như: xôi nếp, tò he, các loại bánh trái…

Nhưng không phải mùa trăng nào chúng tôi cũng được đầm ấm, sum vầy bên mâm cỗ Trung thu. Trong ký ức của tôi, Tết Trung thu năm 1993 là cái Tết buồn nhất. Năm ấy, một đợt lụt lịch sử ập lên quê tôi, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác. Nhà tôi ở gần sông nên mọi vật dụng hầu như bị cuốn hết theo dòng nước. May sao, một ít lương thực được mẹ treo cao trên xà nhà nên nước không chạm tới.

Đúng đêm Rằm, nước đã rút hết, anh em tôi trèo lên cây ổi bám đầy bùn đất, rác rưởi do đợt lụt mới qua để lại, ngó mắt về hướng xóm Núi xem rước đèn ông sao. Nhìn những đốm sáng xanh, đỏ rồng rắn từ làng trên xuống xóm dưới, thằng em tôi thốt lên lời ao ước: “Giá mà anh em mình có đèn như bọn nó anh nhỉ?”. Tôi nói với em: “Nếu xóm mình không bị lụt tàn phá thì đêm nay vui lắm…”.

Hai anh em tôi đang say sưa ngóng những ánh đèn phía xa kia thì mẹ gọi vào ăn chè. Đó là nồi chè khoán được mẹ nấu từ số ngô sót lại sau đợt lụt. Ăn vừa kháy vừa nê bụng, nhưng không đứa nào dám kêu ca. Vì anh em tôi biết, mẹ đã phải vất vả xay ngô từ lúc chiều, tối chúng tôi mới có nồi chè đón tết Trung thu như thế. Cái vị thơm của nồi chè khoán theo tôi đến tận bây giờ, nó còn là động lực giúp tôi vượt qua những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.

2. Chiều nay - lúc đi làm về, tôi dừng xe ở hàng tạp hóa mua ít quà tặng cho các cháu trong nhà nhân dịp Tết Trung thu. Thằng bé con anh chị ở cùng xóm trọ tới quán trước, nó đang say sưa ngắm nhìn mấy chiếc mặt nạ nhựa và những cái đầu lân sặc sỡ sắc màu. Nhìn thấy tôi, hình như nó e thẹn vì gặp người quen nên ngó mắt sang hướng khác rồi bước về nhà.

Khi tôi về tới phòng trọ, thằng bé đã ngủ gục trên bậu cửa. Bố mẹ nó đi làm ở khu công nghiệp nên thường về muộn. Ở xóm này chủ yếu là dân đi biển, duy chỉ có nhà nó là bố mẹ làm công nhân, với đồng lương ba cọc ba đồng. Thằng bé thấy bố mẹ hay cãi nhau về chuyện khó khăn tiền bạc nên không dám đòi bố mẹ mua đồ đẹp như chúng bạn cùng xóm.

Khi tiếng trống của lũ trẻ con trong xóm nổi lên ngoài ngõ thì thằng bé giật mình tỉnh giấc. Nó chạy ra đầu xóm trọ xem chúng bạn múa lân. Đúng lúc ấy hàng kẹo bông gòn đi ngang qua ngõ xóm, những đứa bạn nó dùng tiền góp từ công sức múa lân tối hôm trước để mua kẹo. Thằng bé dù rất háo hức nhưng mặc cảm không có tiền góp chung với chúng bạn mua đầu lân, mặt nạ nên không dám đến gần.

Tôi gọi nó lại, cho nó tiền để mua kẹo bông gòn và một chiếc mặt nạ cười mua lúc chiều. Nó vòng hai tay cảm ơn tôi rất lễ phép. Cầm trên tay những bông kẹo xanh đỏ, sặc sỡ sắc màu, nó không dám ăn liền mà nâng niu rất cẩn thận. Nó đeo chiếc mặt nạ cười vào, hòa cùng đám bạn đang múa lân.

  • CHÂU THÀNH AN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cấp, mở rộng đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ  (29/09/2012)
Hai làng văn hóa xuất sắc tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số  (27/09/2012)
Trung thu có chú Cuội, chị Hằng  (27/09/2012)
Điểm sáng truyền thông cơ sở  (26/09/2012)
Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh Bình Định  (26/09/2012)
10 năm giữ vững danh hiệu Làng văn hóa  (26/09/2012)
Không bất ngờ, "Mùi cỏ cháy" đi Oscar  (26/09/2012)
Cần tránh hình thức, nâng chất lượng  (24/09/2012)
Gặp mặt các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nhận danh hiệu cao quý  (24/09/2012)
Thay đổi từ hai phía  (24/09/2012)
Đọc “Hầu chuyện tiền nhân”(*)  (28/09/2012)
Nữ nhà văn gốc Việt đoạt giải thưởng văn học tại Mỹ  (23/09/2012)
Chiều muộn  (22/09/2012)
Mùa trái rừng  (22/09/2012)
Lấp lánh vẻ đẹp thơ Hàn  (22/09/2012)