Trung thu với bạn
21:13', 29/9/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ

Nhung bưng tộ cơm ra trước nhà ngồi ăn, không quên dòm qua nhà Liễu. Cùng tám tuổi, Nhung học lớp hai còn Liễu chưa xong lớp một. Cơ thể của hai đứa cũng phát triển tương tự như chuyện học. Liễu thường giải thích: “Tự má tui sai hoài. Tự nhà tui có nhiều công chuyện. Tui bị đẹt cái chuyện học nên mới ở lại lớp. Đâu dè, đẹt chuyện học cái đẹt bộ mình luôn”. Nghe bạn nói, Nhung thương khan: “Tự nó mắc bế em, sái hông, không trổ giò được, hết lớn nổi chứ sao!”. Một cái kiểu phân trần rất ra vẻ người lớn.

Đã gần sáu giờ, không lẽ Liễu chưa đi học về. Trường gần. Với lại lũ con nít xóm này tự đi, tự về chứ không có cái kiểu cha mẹ đưa đón như ngữ ở phố. “Ngữ ở phố” là cách nói của nội, một người không chịu đi đâu hết ngoài biển, chợ và nhà. Ai đời! Thành phố này đã có tới cái siêu thị thứ ba mà nội cũng chưa hề đặt chân tới. Nội nói: “Úy! Tới đó chi? Mình…”. Nhiều hồi, Nhung chọc: “Chứ mình sao há nội? Mà phố, là ở đâu hé?”. Nội cười giả lả: “Tao mới tới rạp Kim Khánh có một lần chứ mấy. Hồi nhỏ xíu. Ờ! Mà cũng lớn hơn con Nhung một chút. Mà ốm nhách. Đen thui”. Nghe nội nói cả nhà muốn cười mà cũng phải ráng nhín. Nếu không nội tự ái, thể nào cũng lẫy: “Ừ! Tui dân Nại. Tui đâu biết gì. Tui suốt ngày mò con cua, kiếm con cá rồi phơi mặt ngoài chợ bán bán buôn buôn, đặng nuôi mấy người, rồi nuôi con mấy người”.

 

Mắc nghĩ lại chuyện cũ và ngó lửng ra đường có một chút mà Nhung bị con Liễu nó “hù” giật mình muốn rớt tộ cơm.

- Chứ sao mày đi học về trễ dữ?

- Tao theo mấy đứa ra công viên trung tâm coi bán đèn trung thu.

- Mày có đi qua mấy tiệm bánh không? Thấy nẫu bán nhiều chưa?

- Nhiều. Bán bánh, lồng đèn, ông lân, ông địa…

- Chắc đẹp hung?

- Nói gì nữa? Dòm không cũng đỡ thèm…

- Ờ hé! Để chừng tới sát rằm, tao với mày đi coi nữa nghe.

Liễu nhìn săm soi vô tộ cơm không quên liếm  mép: “Nhà mày nấu cơm rồi hé! Ăn gì vậy? Ùm cho tao miếng coi…”. Nhung háy bạn rồi nhoẻn miệng cười và y hệt như cách hai đứa vẫn làm lâu nay với nhau. “Ùm” vô miệng bạn một miếng rồi mới “ùm” cho mình. Ùm qua, ùm lại nhưng miếng của bạn nó luôn xúc nhiều cơm với đồ ăn hơn một chút. Ở xóm này, ai lại không biết nhà Liễu nghèo nhất. Con đã đông mà mẹ lại hay bịnh, đã vậy ba nó say xỉn tối ngày. “Ùm” gần hết cơm, Nhung đang tính vô nhà bới tộ khác thì đã nghe tiếng má Liễu: “Trời ơi! Là con. Đi học về còn đi đâu nữa, hử? Không về lấy ai ẵm em cho tui làm công chuyện đây”. Nhung ráng vét muỗng cuối và lật đật “ùm’ vô miệng bạn. Nhìn theo Liễu, vừa vội vã chạy băng qua đường vừa “dạ”, vừa nhai mà thương quá chừng. Nhà Liễu thường ăn trễ mà nó lại háu đói bởi đó đã thành lệ, cứ cỡ tan trường là Nhung bưng tộ cơm ra phía trước chờ bạn về. Đâu phải chỉ có cơm, bất cứ thứ gì hai đứa cũng luôn ùm qua và ùm lại.

Chẳng đứa nào thắc mắc vì sao có vụ ùm này. Thấy người lớn đút cho lũ nhỏ thường nựng: “Em ơi! Con chó cưng ơi! Cục vàng ơi! Ùm cho em nghe. Ùm Ùm…” thì hai đứa cũng bắt chước vậy.

***

Đã qua hè mà trời còn nắng nóng dữ quá. Mọi năm, khai giảng xong là mưa và mát mẻ lắm. Hè vừa rồi với Nhung cũng y chang như mấy hè trước. Nhung thèm được như mấy đứa lớn hơn, để ra gành cạy hàu. Tự làm, tự bán, tự cất tiền riêng. Sướng! Đây, rảnh, phải theo bà nội, theo mẹ, theo chị ra chợ Đầm để bán buôn cho quen. Nội bán đồ hấp ngon nhất chợ. Mực, cá cơm săng, cá cơm mồm, cá nục suông, nục giời, cá lồ ồ… qua tay nội, ngon thôi khỏi nói. Nội không dùng hóa chất cho cá trắng, nói làm vậy mang tội chết. Nội cứ một cách hồi giờ mà hấp và ba thứ đồ biển muốn ngọt, thơm thì phải hấp khi thiệt tươi. Bởi đó, nội phải ra biển từ rất sớm để đón từng chiếc ghe một. Nhà Nhung còn một cái chồ rớ của ba, rồi một cái nhà rầm dưới bến đò, cho mấy anh ngủ lại, khi đi biển về. Nội hấp đồ biển ở tại đó sau khi đã lựa lọc, mua bán xong. Mấy cái soong, xửng của nội to lắm có thể hấp một lúc cả thúng cá hoặc mực. Đồ biển mới hấp xong còn nóng, ăn rất ngon. Nội hay bẻ cá ra ăn không và có thể ăn chơi một lần cả ký. Nội nói tao khỏe, mạnh hù nhờ có cá tươi và được ăn cơm chan nước mắm nhỉ quanh năm. Nhung ưa mực hấp. Nội nói mày ưng gì khôn dữ. Một ký mực lỡ cỡ, tao mua vốn đã có bảy, tám chục ngàn. Nhung lè lưỡi con ăn đâu mấy con. Mà đúng vậy. Nhung ăn ít nhưng giấu nhiều. Còn bạn nữa chi? Liễu thích mực lắm và Nhung thường xé từng chút, từng chút một để ùm cho bạn.

Ra chợ cũng vui. Ở cái chợ này, nhà Nhung có tới ba chỗ bán đồ biển. Đâu phải sạp như mấy người bán đồ khô, tạp hóa… chỉ là một chỗ ngồi để vừa mấy cái thúng, mủng, cân… Ngoài nội, chị nó còn bán mắm. Đủ các loại: mắm trong, mắm cái, mắm mực, mắm ruốc, mắm ruột… Hàng mắm của chị nó cũng thuộc loại số một về mắm ở chợ Đầm. Bà má của Nhung bán cá tươi. Má bán mấy thứ ông ba đem ở chồ rớ về chứ còn đồ mấy anh đi ghe mành thường bán trụm ở bến. Có cái gì ngon ngon mới để lại nhà ăn. Con Liễu nói cơm nhà mày ngon nhất hạng trên đời. Tao được ăn vầy hoài tao đã không đẹt. Nghĩ mà tức cho nhà nó. Ở ngay Nại, biển giả đầm phá sát bên mà nhà không kiếm ra được mớ cá vụn kho mặn, hay nấu miếng canh lá giang húp. Mắm mà còn không biết làm để có chấm rau, nêm nếm. Nhà đông người vậy mà chút gì cũng mua. Chịu gì thấu? Đó là lời của mấy người lớn trong xóm nói.

Cuối tuần được nghỉ học. Liễu ở nhà và phải coi em suốt ngày. Coi lần mấy đứa chứ ít na. Thì thằng Mươi, con Mười, thằng Dư. Ba đứa vật nó bắt ốm. Nó vừa coi em vừa ngóng Nhung ở chợ về ùm cho thứ này, thứ khác. Không sót một món ăn thức uống nào nhưng bánh trung thu phải chờ tới rằm tháng Tám thôi. Dịp này, thể nào ba Nhung cũng ra tiệm Ngọc Nga mua mấy hộp bánh về cúng. Phần Nhung luôn là một cái bánh dẻo, một cái bánh nướng và nó luôn đem bánh ra chia với Liễu. Con này háu ăn, nửa cái bánh cũng đâu có nhỏ gì, vậy mà, nó tạp có hai miếng là xong. Rồi liếm môi, chóc mỏ nhìn Nhung cắn từng miếng chút xíu, nhâm nhi. Bánh trung thu thì phải chia chứ còn đèn, đỡ lắm, mỗi đứa một cái đàng hoàng. Năm nào cũng vậy, anh Hai của Nhung kiếm về một mớ lon bia và ngồi cắt cúp rồi phát cho con nít trong xóm. Anh Hai nói: “Lồng đèn của con nhà nghèo mà. Thấy không hiện đại, chứ mà nến có lỡ… té thì không lo đèn bị cháy”. Đêm qua, đã gần mười giờ mà thấy anh Hai còn cụp lưng cắt đục. Liễu cũng qua ngồi chồm hổm bên Nhung, dòm anh Hai làm. Bà nội ngủ một giấc, trở dậy, thấy đèn nhà ngoài còn sáng cũng ra chơi. Nội lục trong giỏ mấy cái quýt và một mớ kẹo, đưa hết cho hai đứa. Không có mấy đứa em của Liễu nên hai đứa ăn, hết sức tự do.  Liễu la:

- Sao mày ùm cho tao không vậy?

- Tự mày đẹt. Cần ăn nhiều.

- Thà đẹt người còn hơn.

- Mày nói vậy là sao? Là tao ngu, hé!

- Thôi mà! Ùm dùm.

- Ừ! Ùm. Tụi mình ùm cho nhau hoài nghe Liễu.

- Ừ! Ừ! Uòm…Uom.

- Chứ mày nói cái tiếng gì kỳ?

- Chứ không thấy tao đang mắc. Mắc…uòm, uom ở trong miệng na..

- Thì đừng nói…

Và, Liễu đừng nói thiệt. Cả Nhung nữa. Ban đêm yên lặng quá, chứ ban ngày xóm này ồn ào lắm. Liên tục là tiếng karaoke, tiếng cãi lộn, tiếng heo kêu eng éc, tiếng đập lộn, ném đồ… Đã khuya mà hai đứa còn được ngồi bên nhau, được cùng nhìn anh Hai làm đèn, được ùm cho nhau thoải mái. Nhưng sướng nhất là được cùng nhau hếch mỏ, ngóng cổ đợi trung thu đang tới rất gần.

·         N.M.N

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nồi chè khoán và que kẹo bông gòn  (29/09/2012)
Nâng cấp, mở rộng đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ  (29/09/2012)
Hai làng văn hóa xuất sắc tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số  (27/09/2012)
Trung thu có chú Cuội, chị Hằng  (27/09/2012)
Điểm sáng truyền thông cơ sở  (26/09/2012)
Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh Bình Định  (26/09/2012)
10 năm giữ vững danh hiệu Làng văn hóa  (26/09/2012)
Không bất ngờ, "Mùi cỏ cháy" đi Oscar  (26/09/2012)
Cần tránh hình thức, nâng chất lượng  (24/09/2012)
Gặp mặt các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nhận danh hiệu cao quý  (24/09/2012)
Thay đổi từ hai phía  (24/09/2012)
Đọc “Hầu chuyện tiền nhân”(*)  (28/09/2012)
Nữ nhà văn gốc Việt đoạt giải thưởng văn học tại Mỹ  (23/09/2012)
Chiều muộn  (22/09/2012)
Mùa trái rừng  (22/09/2012)