|
Tiến sĩ Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam (áo dài hoa), thích thú với đàn đá. |
Những bộ đàn đá, kèn đá của thời tiền sử tìm thấy ở Việt Nam đang trên đường chinh phục thế giới để được công nhận là di sản ký ức nhân loại.
Có lẽ sẽ không ai biết đến bộ đàn đá Tuy An (Phú Yên) nếu không có một lần tình cờ ông Huỳnh Ngọc Hồng (65 tuổi, ở thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) rảnh tay gõ chơi vào những thanh đá dưới chân khi ngồi nghỉ giữa buổi thu hoạch mì vào một ngày tháng 6.1990.
Kho báu vùi trong đất
“Tôi cày đất trồng mì trên núi Một, xới bật lên mấy thanh đá ấy. Có biết là gì đâu, xách ném đại vào gốc cây để có chỗ trồng mì. Cứ thế, bỏ lăn lóc ngày này qua tháng nọ. Hôm ấy ngồi nghỉ dưới gốc cây, tôi ngứa tay lấy đá gõ vào các thanh đá ấy. Nghe thấy hay hay, âm thanh nghe trong hơn hẳn so với khi gõ vào các thanh đá khác mới cùng con mang về nhà để chơi”- ông Hồng kể.
Về đến nhà, các thanh đá cũng chất đống ngoài sân. Chỉ những đêm rảnh rỗi, ông Hồng mang ra xếp thành hàng, ông lấy hòn cuội gõ vào các thanh đá theo các bài hát mà ông đã thuộc. Chỉ có vậy nhưng hàng xóm thấy lạ kéo đến nhà xem ngày một đông. Rồi lời đồn thổi đến xã, xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh. Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Phú Yên về kiểm tra và yêu cầu ông giao nộp.
Ông chất phác: “Cần thì cứ lấy đi”. Đến khi cán bộ về thông báo cho ông biết những thanh đá ấy là cả một kho báu, là di sản âm nhạc của người xưa để lại hàng ngàn năm, ông vẫn mộc mạc “dữ vậy na!”.
Hàng tháng sau, ông lại cày trồi lên một thanh đá, gõ vào nghe âm thanh tương tự, ông lặn lội gần 40 km, vác thanh đá nặng hơn 7 kg vào tỉnh giao nộp. Và đấy là thanh đàn thứ 8, nằm trong bộ đàn đá hoàn chỉnh, được Hội đồng Khoa học Quốc gia xác định có từ thời tiền sử, niên đại khoảng 500 năm trước Công nguyên.
Khác với đàn đá, 2 chiếc kèn đá Tuy An được phát hiện vào đầu năm 1994, tại chùa Thiền Sơn (xã An Hiệp, huyện Tuy An) và chùa Hồ Thị (xã An Thọ, huyện Tuy An). Theo Đại đức Thích Nguyên Lai, trụ trì chùa Thiền Sơn, chiếc kèn đá được một đạo hữu trong vùng tìm được trong một lần đi rẫy và hiến tặng.
Nhà chùa đã giữ gìn báu vật hơn 150 năm nay và dùng để triệu tập thiện nam tín nữ. Cặp kèn đá được Hội đồng Khoa học Quốc gia đánh giá là một cặp nhạc khí thời tiền sử có niên đại hơn 2.500 năm trước.
Tiếng vọng tiền nhân
Trước bộ đàn đá Tuy An, trên lãnh thổ Việt Nam cũng phát lộ nhiều bộ đàn đá. Tháng 2.1949, một giáo sư dân tộc học người Pháp đã phát hiện bộ đàn đá đầu tiên tại Đắk Lắk và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris.
|
NSƯT Thanh Hải đang biểu diễn đàn đá và kèn đá. |
Chỉ trong 2 năm 1979-1980, người dân đã phát hiện thêm 5 bộ đàn đá ở các huyện miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Tô Vũ, chưa có bộ đàn đá nào hoàn chỉnh về cấu trúc âm nhạc như bộ đàn đá Tuy An, bởi bộ đàn đá này có số âm sai ít nhất và có cao độ cao hơn từ 5 đến 9 bậc và chuẩn nhất so với các bộ đàn đá đã phát hiện.
Về thang âm, bộ đàn đá Tuy An có thang âm rộng (hơn quãng 8), được sắp xếp có chủ ý của người chế tác nên có thể diễn tấu được nhiều tác phẩm âm nhạc khác nhau, kể cả những bản nhạc mới ngày nay và có thể hòa tấu với nhiều loại nhạc cụ, kể cả một số nhạc cụ điện tử. “Độ chuẩn của bộ đàn đá này thuộc loại cao nhất” - nhạc sĩ Tô Vũ nhìn nhận.
Theo nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, điểm đặc biệt ông phát hiện ở bộ đàn đá Tuy An là ở điệu thức mang lưỡng điệu tính: “Khác với các bộ đàn đá trước đây cũng như một số nhạc cụ dân tộc xưa kia chỉ mang đơn điệu tính, ở bộ đàn đá này lại lưỡng điệu tính, có thể diễn tấu những bài nhạc điệu thức thứ lẫn điệu thức trưởng. Vì thế nó không kén chọn bài hát”.
Còn với cặp kèn đá, theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đây là một nhạc cụ bởi nó mang đầy đủ tính năng của một nhạc âm với âm thanh vang, trong sáng, ổn định và giàu sắc thái. Ở mỗi kèn đá đều có 3 lỗ thông hơi. Trong đó, một lỗ thổi, một lỗ thoát hơi và một lỗ điều chỉnh âm thanh. Ở miệng mỗi lỗ đều có dấu tích ghè đẽo của bàn tay nghệ nhân.
Theo nhạc sĩ Tô Vũ, ở cặp kèn đá này, khi thổi ở cường độ nhẹ sẽ cho âm thanh mang tính chất trầm lặng, sâu lắng, đồng vọng và trang nghiêm, phù hợp với yêu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Nhưng khi thổi ở cường độ mạnh, âm thanh từ 2 chiếc kèn đá thoát ra nghe hùng tráng, phù hợp với tính chất kêu gọi, hiệu triệu trong các cuộc đi săn hay ra trận. “Tôi quá kính nể những nghệ nhân xưa đã chế tác nên những nhạc cụ này.
Không một thiết bị trợ giúp để chỉnh âm, lại được chế tác trên nguyên liệu đá nhưng cha ông ta đã tạo được những nhạc cụ với tính nhạc khá chuẩn. Một thông điệp nào đó về âm nhạc mà tiền nhân đã gửi lại cho chúng ta chăng” - NSƯT Ngọc Quang tâm đắc.
Đón nhận bước đầu
Trong buổi biểu diễn, giới thiệu về đàn đá và kèn đá Tuy An do UBND tỉnh Phú Yên chủ trì tổ chức mới đây, tiến sĩ Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ngồi im, đắm chìm trong âm nhạc.
Bà nói sau khi nghe diễn tấu 2 loại nhạc cụ này: “Âm nhạc không biên giới, không sắc tộc, không có sự cách ngăn của thời đại và là con đường dẫn đến hòa bình. Hôm nay, tôi càng cảm nhận rõ điều ấy. Tôi hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích tỉnh Phú Yên nên đề cử đàn đá và kèn đá đến UNESCO để công nhận là di sản ký ức nhân loại”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng đàn đá và kèn đá đã bảo đảm nhiều yếu tố để được UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại. Đấy là yếu tố về lịch sử với niên đại khoảng 2.500 năm, là yếu tố nguyên vẹn khi cả 2 nhạc cụ đều đầy đủ, là tính đặc sắc về âm nhạc, là tính lan tỏa trong dân gian khi nó từng là những loại nhạc cụ của cộng đồng.
“Tôi rất ủng hộ đây là di sản ký ức nhân loại. Chúng tôi sẽ quan tâm đến di sản này tại Hội nghị UNESCO ở Paris sắp tới. Nếu chúng ta cố gắng, tôi nghĩ UNESCO sẽ công nhận” - ông Sơn nhận định. Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, khẳng định tỉnh này sẽ nỗ lực hết sức để đề cử đàn đá và kèn đá là di sản ký ức nhân loại.
“Tôi đã nhiều lần nghe biểu diễn đàn đá, kèn đá. Nhưng mỗi lần nghe là một lần thấy hay, thấy mới. Tôi ủng hộ việc đề cử di sản đàn đá, kèn đá ra UNESCO”. (Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) |
. Theo NLĐO |