Cuối năm 2012, Trung tâm Phát hành Phim và chiếu bóng Bình Định (Sở VH-TT&DL) đã khảo sát tình hình thực tế, đánh giá thực trạng công tác chiếu bóng lưu động. Qua đó, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động đưa điện ảnh về miền núi và vùng nông thôn, phục vụ cho công tác phát hành-phổ biến phim giai đoạn 2012-2015.
|
Chiếu phim lưu động ở Nhà Văn hóa thôn Túy Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.
|
Ròng rã gần cả tháng trời ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, đoàn công tác của Trung tâm Phát hành Phim và chiếu bóng Bình Định đã tổ chức các điểm chiếu phim ở các thôn, làng để quan sát, đánh giá chất lượng các buổi chiếu và tìm hiểu nhu cầu thưởng thức của người dân.
Đưa điện ảnh về vùng sâu, vùng xa
Tại thôn 8 xã An Trung, huyện An Lão, già làng H’re Đinh Ó dán chặt mắt vào màn hình chiếu phim truyện “Muối O Hồ”. Ánh mắt mờ đục của già thỉnh thoảng sáng lên khi màn ảnh chiếu cảnh những anh bộ đội cụ Hồ vác từng bao muối “mặn tình mặn nghĩa” lên tặng đồng bào. Già Đinh Ó tâm sự: “Người già xem phim nhớ cụ Hồ, nhớ bộ đội; lũ nhỏ xem để ơn Đảng, ơn Bác Hồ, tri ân bao sự hy sinh, mất mát để có được ngày hôm nay. Dân làng cũng thích xem phim để biết cách trồng cây lúa, cây mì, chăm con trâu, con bò…”.
Bằng những người thực, việc thực trên phim mà người dân miền núi phấn khởi xây dựng cuộc sống mới, có nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa cũng thông qua việc học và làm theo các phim chuyên đề về cách làm trang trại, trồng trọt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lâu nay, vấn đề nguồn phim luôn là bài toán nan giải với ngành điện ảnh tỉnh nhà, bởi Trung tâm chỉ làm công tác phát hành và phổ biến phim. Nguồn phim phụ thuộc vào Cục Điện ảnh Việt Nam và các Fafilm Việt Nam. Các đội chiếu bóng lưu động cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu xem phim của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Ông Lê Tiến Dũng, Đội trưởng Đội chiếu bóng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Giao thông phát triển đã giúp đội tuyên truyền lưu động dễ dàng đến được với người dân các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa bàn khó khăn như làng O2, xã Vĩnh Kim, chúng tôi phải mang vác thiết bị leo dốc, xuyên rừng, lội suối. Địa bàn càng sâu, càng xa thì bà con càng “khát” điện ảnh nên chúng tôi càng phải cố gắng!”.
Mỗi đội chiếu bóng lưu động chỉ có 2 người phụ trách toàn huyện, địa bàn hoạt động rất rộng, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe gắn máy trong khi máy móc, thiết bị cồng kềnh. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chiếu bóng lưu động còn thấp, không đủ trang trải tiền xăng xe đi lại, ăn ở tại các làng xa xôi.
“Đâu cần, chiếu bóng có”
Những hạn chế, tồn tại thấy được qua chuyến khảo sát đều là chuyện cũ. Đợt khảo sát lần này là nhằm tìm giải pháp vực dậy công tác chiếu bóng lưu động phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Tại Hội nghị đánh giá thực trạng và tìm giải pháp phát triển công tác phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012-2015, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giữa năm 2012, tại TP Hà Nội, đã xác định hoạt động chiếu bóng lưu động là cách để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Loại hình này cần phải được duy trì và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả.
Từ thực tế đợt khảo sát vừa qua, đoàn công tác nhận thấy, một số vùng nông thôn hẻo lánh, vùng bãi ngang, nhu cầu xem phim của người dân là rất lớn. Vì vậy, để công tác chiếu bóng lưu động đạt hiệu quả, cần thiết thực hiện theo phương châm “đâu cần, chiếu bóng có”, hướng tới nhu cầu thưởng thức của người dân. Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác chiếu bóng phục vụ cơ sở có chất lượng cao hơn, cần phát huy vai trò của cộng đồng, của già làng, trưởng bản và các tổ chức đoàn thể. Các địa phương cần bố trí sân bãi cho chiếu bóng lưu động để bà con tập trung xem phim. Các đội chiếu bóng cần được trang bị thiết bị kỹ thuật gọn nhẹ, đa năng, sử dụng chiếu được nhiều thể loại phim.
Công tác chiếu bóng lưu động lâu nay gắn liền với công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư thiết bị lồng tiếng dân tộc thiểu số trong phim, tốt nhất là tuyển người địa phương để “thổi hồn” của dân tộc mình vào phim sao cho phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng miền. Các cấp quản lý cần tăng cường định hướng, điều tiết cung cấp sản phẩm điện ảnh phù hợp với nhu cầu người xem và nâng cấp đầu tư thiết bị phục vụ; quan tâm hơn nữa chế độ, chính sách cho những người làm công tác chiếu bóng lưu động.
|