NSND Đặng Hùng:
Bình Định cần có một đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp mang bản sắc riêng
22:20', 5/1/ 2013 (GMT+7)

Lần dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ðoàn tuồng Liên khu V-Nhà hát Tuồng Ðào Tấn mới đây, NSND Ðặng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TP Hồ Chí Minh - một người con đất Võ - mới có dịp trở về quê hương. Ông đã chia sẻ nhiều trăn trở về nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và sự phát triển của nghệ thuật múa ở Bình Ðịnh nói riêng.

Ở tuổi 79, nghỉ hưu đã 17 năm, NSND Đặng Hùng vẫn gắn bó với hoạt động nghệ thuật, sáng tác và dàn dựng múa cho nhiều chương trình lễ hội lớn của các tỉnh, thành. Ông còn tham gia giảng dạy các lớp biên đạo, hội đồng lý luận và nghệ thuật múa ở TP Hồ Chí Minh và Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Hiện, ông đang bận rộn với việc sáng tác, đạo diễn chương trình Xuân Quý Tỵ 2013, cùng nhiều chương trình nghệ thuật khác trong năm, do các đơn vị đặt hàng. NSND Đặng Hùng chia sẻ: “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật thường xuyên giúp tôi có nhiều niềm vui, cảm hứng sáng tạo để sống khỏe và cống hiến”.

 

NSND Đặng Hùng cho rằng, Bình Định cần phải khai thác nhiều hơn đề tài múa Chăm mang bản sắc riêng của địa phương.

Nếu được mời tham gia góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật múa và các sự kiện lễ hội trên chính quê hương mình…

- Thì hẳn nhiên, đó là niềm vui không thể tả. Nói tham gia góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật múa ở quê hương thì to tát quá, nhưng trong khả năng và bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng góp chút công sức nhỏ bé của mình, như trước đây đã từng dàn dựng, đạo diễn nhiều chương trình lễ hội cho Bình Định vậy. Trong chuyến trở về Bình Định lần này, tôi đã về thăm quê hương Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) của mình và đã viết bài thơ “Nhớ quê hương” thay lời tâm tình của đứa con xa nhà nay mới trở về.

● Gắn bó và gặt hái rất nhiều thành công với nghệ thuật múa Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về nhiều diễn viên múa, biên đạo trẻ chưa vững về nghệ thuật lại chạy theo số lượng dàn dựng và biểu diễn các tiết mục không đạt về chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng?

- Không chỉ lực lượng hoạt động nghệ thuật múa chuyên nghiệp, lực lượng múa quần chúng cũng cần phải được chăm chút, bồi dưỡng chuyên môn. Nghệ thuật múa cũng đậm chất khoa học, nếu không nắm được chính xác và kịp thời, thì chỉ có thể tạo ra những sản phẩm lòng vòng, kém hiệu quả. Lực lượng biên đạo, diễn viên trẻ có lợi thế là sức trẻ, nhưng phải thêm sự chịu khó và không ngừng sáng tạo.

Nhiều bạn trẻ Bình Định đam mê môn nghệ thuật này đã vào TP Hồ Chí Minh học múa. Ít nhất thì trong năm 2012 đã có 3 biên đạo múa là người Bình Định tốt nghiệp đại học chính quy về nghệ thuật múa. Tôi tin, nếu những người trẻ này được định hướng, dìu dắt thêm, đồng thời có môi trường hoạt động nghệ thuật phù hợp thì sẽ đóng góp cho Bình Định nhiều tác phẩm có chất lượng.

● Bình Định là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với các di sản văn hóa độc đáo. Nhưng, thực tế các tiết mục múa chưa khai thác nhiều để làm nổi bật bản sắc riêng của địa phương, theo ông là do đâu?

Một đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp mang bản sắc riêng không thể thiếu được ở vùng đất có bề dày văn hóa-lịch sử như Bình Định. Đó là một cách để chúng ta có thêm sức “đề kháng” trước những xu hướng ngoại lai đang thâm nhập và có nguy cơ làm nhạt bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

- Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc ở thời kỳ hội nhập trở nên quan trọng, bức thiết. Bản sắc dân tộc có thể được bộc lộ qua các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa. Hiện, nhiều tác phẩm múa đang bị lai căng khi sử dụng các động tác múa lượm lặt từ nhiều nước trên thế giới chứ không phải đặc trưng của múa Việt Nam.

Bình Định có nhiều nét văn hóa độc đáo riêng, hoàn toàn có thể khai thác dàn dựng các tiết mục múa. Trước đây, dựa vào tích truyện “Mạnh Lương trộm ngựa”, tôi đã dàn dựng được 2 tác phẩm múa “Tuần đuốc” và “Con ngựa bất kham” đoạt 2 huy chương Vàng quốc tế. Theo tôi, văn hóa Chăm tại Bình Định là một nét văn hóa độc đáo có thể khai thác, thể hiện qua các tác phẩm múa. Cái khó của Bình Định là chúng ta vẫn chưa có một đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp, hoặc một tổ chức múa để tập trung nhân lực, kinh phí… đầu tư dàn dựng các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. 

● Đề cập đến việc thành lập đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở một tỉnh lẻ như Bình Định, liệu có thực sự cần thiết, thưa ông?

- Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu biểu diễn nghệ thuật múa rất lớn. Một số tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng đã có đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả. Múa cũng cần sự hội nhập nên phải có tổ chức, quy hoạch và chủ động về nội lực. Và hơn hết, tôi mong muốn quê hương mình có một đoàn múa đặc trưng để đáp ứng đòi hỏi thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

● Xin cảm ơn. Chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam!

  • HOÀI THU (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Oscar vinh danh loạt phim James Bond  (05/01/2013)
Người vẽ cuộc đời bằng ánh sáng   (05/01/2013)
Đầu tư gần 5 tỉ đồng triển khai Đề án bảo tồn và phát triển các lò võ cổ truyền  (04/01/2013)
10 sự kiện Văn hóa - Thể thao - Du lịch nổi bật năm 2012  (04/01/2013)
Ông Nguyễn Văn Đấy tặng Bảo tàng tỉnh Bình Định một quyển võ thư  (04/01/2013)
Để giải “cơn khát” điện ảnh cho vùng khó khăn  (03/01/2013)
Giải Đặc biệt được trao cho tác phẩm “Nụ cười Sinh viên”  (03/01/2013)
Australia phát hiện tác phẩm nghệ thuật đá 28.000 năm tuổi  (03/01/2013)
Chăm lo phát triển đời sống văn hóa  (02/01/2013)
Võ cổ truyền Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  (02/01/2013)
Hát về “thành phố thi ca”  (02/01/2013)
“Skyfall” đạt doanh thu kỷ lục 1 tỷ USD trên toàn thế giới  (02/01/2013)
Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn về nước biểu diễn  (02/01/2013)
Liên hoan Giọng hát hay TP Quy Nhơn mở rộng  (01/01/2013)
Đánh thức hồn đá  (01/01/2013)