Khi xương rồng nở hoa
22:3', 5/1/ 2013 (GMT+7)

* Truyện ngắn của LIN

Giật mình khe khẽ giữa đêm. Bên ngoài khung cửa kính, những tia sáng yếu ớt hắt từ bóng đèn điện cuối con phố cố len lỏi để phá tan màn đêm huyền hoặc của đêm. Tiếng rao hàng của cô hàng rong rớt lại trong một xó xỉnh nào gần đấy, vẳng lại trong đêm dài không xé nổi không khí tĩnh lặng này. 

Tôi bước chân xuống giường sang phòng bên cạnh, tiếng thở đều của thằng bé làm lòng tôi thấy ấm áp hơn nhiều. Cố nhón chân thật khẽ kéo tấm chăn đắp lên người con, mỉm cười vội vã.

Có lẽ đã có bao nhiêu nụ cười của những người mẹ rớt lại trong đêm. Những người mẹ đều như thế, trộm nhìn những đứa con thân yêu lớn lên từng ngày.

 

*          *

*

 

Ngày xưa chắc mẹ cũng thế. Mẹ sinh ra tôi, đứa con gái, chứ không như sự trông đợi của cả nhà. Ba buồn, nội đánh tiếng thở dài thườn thượt, còn mẹ thì khóc - khóc vì niềm hạnh phúc của đứa con đầu lòng và duy nhất. 

Tôi lớn lên trong sự yêu thương của mẹ, sự giận hờn của ba và nỗi buồn của bà nội.

Theo lời nội, ba tìm một người phụ nữ khác để có con trai nối dõi tông đường. Mẹ đi hỏi cưới cho ba. Ngày người phụ nữ ấy về là ngày mẹ đưa tôi lên chuyến tàu rong ruổi đến miền đất khách này. Bỏ lại những rặng phi lao, những hàng dừa xanh mướt, tiếng sóng biển rì rào, những bờ cát trắng và... ba.

Mẹ ra đi với tất cả tài sản của mình là con!

Chỉ có những cây xương rồng trong hốc đá trông theo hai mẹ con. Loại cây gai góc nhưng tràn đầy tình yêu, tràn đầy sức sống và vẫn sống mãnh liệt trong điều kiện khó khăn nhất.

 

*          *

*

 

- Khi nào mình về hả mẹ?

- Khi xương rồng trổ hoa con ạ!

Mẹ ra đi…

- Tôi vẫn tự hỏi tại sao mẹ có thể làm được như thế?

- Khi nào con lớn, làm vợ, làm mẹ. Khi con yêu thương chồng, con hơn bản thân mình con sẽ hiểu...

- Con sẽ không lấy chồng mẹ ạ!

 

*      *

*

 

Thành phố chật và hẹp, bầu không khí dường như không đủ để thở. Một gác xếp tuềnh toàng và là nơi chứa những lon chai nhựa, thùng giấy, một bếp ga mini… đó là tất cả tài sản của hai mẹ con.

Mẹ rong ruổi trên đường từ tối đến sáng, nhặt ve chai đến bán vé số, bán báo, bán hàng rong… gì mẹ cũng làm chỉ để cho con được ăn học như bạn bè. Để rồi, mẹ bỏ qua hạnh phúc của riêng mình. Bỏ qua sự quan tâm của chú Tư đầu xóm - người xích lô hàng ngày vẫn chở mẹ đi lấy hàng, lấy vé số mà không lấy tiền, thi thoảng còn dấm dúi vào tay mẹ nắm xôi lá chuối với lý do “cho con bé ở nhà!”. Mẹ cầm nắm xôi, mà rưng rưng nước mắt.

Mẹ không đi bước nữa. Và chú Tư cũng thế, vẫn ngày ngày cặm cụi bên mẹ và con. Cho đến khi chú mất đi vì bệnh lao phổi… Mẹ khóc, để tang chú như một người trong gia đình, như một người vợ.

Đến khi chính quyền lấy lại mảnh đất nơi gác xếp của chú, mẹ mang di ảnh của chú về nhà hương khói cho ấm lòng người đã mất. Thế là mẹ và chú đã về ở chung nhà.

Con lớn, học xong và ra trường với tấm bằng THPT. Con không thi tiếp đại học, vì sợ mẹ khổ. Con xin vào làm công nhân trong xí nghiệp may. Rồi gặp và yêu anh. Người đàn ông hơn con 5 tuổi, có nốt ruồi bên mí mắt trái. Ngày con dẫn anh về, mẹ đã từ chối và không đồng ý chúng con quen nhau cũng chỉ vì ba cũng có nốt ruồi như thế. Mẹ tin rằng rồi anh cũng làm khổ con như ba đã làm khổ cả cuộc đời mẹ. Con khóc. Anh im lặng.

Mẹ lặng lẽ vào giường nằm, đêm đó mẹ không ôm con ngủ.

Ngày ngày, anh vẫn đưa con từ chỗ đi làm về, vẫn sang mang hộ mẹ mấy thùng hàng, sửa cái bóng đèn cháy nơi góc bếp, sửa nồi cơm điện bị hỏng, chăm mấy chậu xương rồng.

Anh đi bên con không nói gì.

Con thì im lặng.

Và mẹ cũng thế!

 

*      *

*

 

Đến một ngày mẹ nói với anh:

- Thôi, con cưới nó đi, hai đứa về chung nhà tựa nhau mà sống. Mẹ cũng già rồi không ở bên nó bao lâu nữa!

Con khóc, anh khóc và mẹ cũng khóc. Ngày ấy xương rồng chưa kịp trổ hoa.

*        *

*

Con sinh được thằng Bi. Mẹ bảo:

- Giờ thì con đã hiểu làm mẹ là như thế nào chưa?

Bà nội điện thoại cho mẹ bảo người phụ nữ ấy đã bỏ ba, sau khi tiêu tán hết tài sản của ông. Ba ốm nằm liệt giường, ba muốn gặp mẹ.

Cả đêm mẹ chong đèn không ngủ. Cả con và anh cũng thức. Chỉ có tiếng ngáy của cu Bi làm đều nhịp đập của đêm. Lại một đêm trắng.

Sáng, con thu xếp quần áo cho mẹ. Anh chở mẹ ra bến xe để về thăm ba, chăm bà. Dù gì cũng tình nghĩa vợ chồng, hơn hết thâm tâm mẹ vẫn còn tình yêu với ba - tình yêu mà mẹ đã vượt sự cản ngăn của ông bà ngoại.

Con khóc, không về cùng mẹ vì vẫn chưa tha thứ được cho ba.

Gió chạy theo tiếng còi tàu vang vọng trong không trung, thổi vào kẽ tàu rít lên ken két.

Nghe đâu đây tiếng gió biển thổi về nồng nàn như những luồng hơi thở khi người ta yêu nhau.

Cúi nhìn con, giọt nước mắt rơi nhẹ trên gò má trắng hồng của nhóc tì.

*       *

*

 

Anh à! Mai cả nhà về thăm ông bà ngoại nha?

Anh cười, quyện trong giọt nước mắt của em. Giấc ngủ con tròn đều trong đêm!

Ngoài hiên, những chậu xương rồng trổ những nụ hoa chúm chím nhỏ xinh…

  • LIN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thương hoài xích đu   (05/01/2013)
Bình Định cần có một đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp mang bản sắc riêng   (05/01/2013)
Oscar vinh danh loạt phim James Bond  (05/01/2013)
Người vẽ cuộc đời bằng ánh sáng   (05/01/2013)
Đầu tư gần 5 tỉ đồng triển khai Đề án bảo tồn và phát triển các lò võ cổ truyền  (04/01/2013)
10 sự kiện Văn hóa - Thể thao - Du lịch nổi bật năm 2012  (04/01/2013)
Ông Nguyễn Văn Đấy tặng Bảo tàng tỉnh Bình Định một quyển võ thư  (04/01/2013)
Để giải “cơn khát” điện ảnh cho vùng khó khăn  (03/01/2013)
Giải Đặc biệt được trao cho tác phẩm “Nụ cười Sinh viên”  (03/01/2013)
Australia phát hiện tác phẩm nghệ thuật đá 28.000 năm tuổi  (03/01/2013)
Chăm lo phát triển đời sống văn hóa  (02/01/2013)
Võ cổ truyền Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  (02/01/2013)
Hát về “thành phố thi ca”  (02/01/2013)
“Skyfall” đạt doanh thu kỷ lục 1 tỷ USD trên toàn thế giới  (02/01/2013)
Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn về nước biểu diễn  (02/01/2013)