Văn Miếu Bình Định được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006, nhưng dấu tích còn lại rõ ràng của nó cũng chỉ gồm một tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư và một tượng sư tử trong tư thế ngồi không còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, do chưa được duy tu, bảo tồn đúng mức, di tích này có nguy cơ trở thành phế tích.
|
Khuôn viên xung quanh khu vực Văn Miếu xưa giờ là hàng rào tự nhiên với đủ các loại cây cối, cỏ dại.
|
Một công trình giàu ý nghĩa
Văn Thánh Miếu tỉnh Bình Định (dân gian thường gọi là Văn Thánh hoặc Văn Miếu) được xây dựng vào năm 1802 (năm Gia Long thứ nhất) tại thôn Vĩnh Lại, xã Nhơn Thành (nay là khu vực Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Đến năm 1829 (năm Minh Mạng thứ mười), Văn Miếu được trùng tu lần đầu tiên; và trùng tu lần thứ hai vào năm Bảo Đại thứ mười (năm 1933). Trước năm 1945, Văn Miếu đặt dưới sự cai quản của một tổ chức Hội do Tổng đốc Bình Định chỉ định và được giao làng, xã quản lý.
Văn Miếu gồm ba tòa, mỗi tòa ba gian hai chái; khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường đá ong. Tòa chánh thờ Đức Khổng Tử cùng các Chư Hiền; phía Tây thờ đức Khải Thánh; tòa phía Đông thờ các Tiên Nho. Miếu xoay mặt hướng Nam, trước có bình phong, ba biểu và cổng tam quan.
Ngoài ý nghĩa thờ phụng các bậc thánh hiền, Văn Miếu Bình Định còn là nơi vinh danh kẻ sĩ âu việc tuyên dương các nhà khoa bảng địa phương. Văn miếu Bình Định có bảng sơn son thếp vàng đề danh những người trong tỉnh đỗ đạt qua khoa cử được gắn trên vách trong gian Tiền đường. Cách lưu danh này vừa ghi nhận thành tựu của nền giáo dục đương thời, khuyến khích việc học; vừa nêu gương tốt của những người học hành đỗ đạt, khơi dậy niềm ngưỡng mộ và kích thích chí tiến thủ bằng con đường học vấn trong các thế hệ sau.
|
Tấm bình phong còn sót lại tại Văn Miếu Bình Định.
|
Nguy cơ thành phế tích
Trải qua hơn 2 thế kỷ thăng trầm, nay Văn Miếu Bình Định không được như xưa nữa. Đầu tháng 1.2013, tôi tìm về khu vực Vĩnh Phú để tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của một di tích.
Sau một hồi dò tìm, cuối cùng chúng tôi cũng đến đúng khu đất xưa kia Văn Miếu Bình Định tọa lạc. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu đất rộng thênh thang, tứ phía quây quanh bởi hàng rào tự nhiên với đủ loại cây cối, cỏ dại mọc um tùm.
Dấu tích của Văn Miếu còn sót lại bên trong khu đất chỉ là một tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư có chiều dài 2,85m, cao 2,98m; một tượng sư tử trong tư thế ngồi không còn nguyên vẹn. Những công trình còn lại như bờ tường, cổng tam quan, khu chính điện đã sập đổ, biến mất hoàn toàn.
Ông Mai Bá Huệ (70 tuổi, ở khu vực Vĩnh Phú), hồi tưởng lại: “Theo trí nhớ của tui lúc còn nhỏ, cũng như qua các câu chuyện do những người lớn tuổi kể sau này, Văn Miếu được xây dựng trên một khu đất rộng lớn, có kiến trúc nguy nga, hoành tráng, bên trong khuôn viên trồng rất nhiều xoài tượng. Trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào các dịp lễ tế, khu vực này rất nhộn nhịp, đông đảo người dân ở nhiều nơi kéo về chiêm ngưỡng, cúng bái. Chiến tranh kéo dài, Văn Miếu bị phá hủy, đổ nát, rồi dần dần trở nên hoang tàn…”.
Theo ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh: “Sau khi Văn Miếu Bình Định được xếp loại di tích cấp tỉnh, chúng tôi tiến hành xây dựng bia di tích đặt tại khu vực trước kia Văn Miếu tọa lạc để ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến di tích. Nguyên tắc của việc trùng tu, phục dựng lại di tích là phải dựa trên cơ sở khoa học chính xác. Trong khi đó, hiện Văn Miếu Bình Định gần như đã đổ nát hoàn toàn; lại không còn hình ảnh hay bản vẽ nào nên việc trùng tu, phục dựng sẽ rất khó khăn. Trước mắt, chúng tôi sẽ giữ gìn, bảo tồn những kiến trúc gốc còn sót lại của Văn Miếu. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách tối ưu nhất để gìn giữ, phát huy ý nghĩa lịch sử của Di tích Văn Miếu Bình Định”.
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa của Văn Miếu Bình Định, thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần sớm đưa ra biện pháp trùng tu, phục dựng và giữ gìn, bảo tồn di tích này. Việc làm này không chỉ mang mục đích bảo tồn di tích mà còn phát huy ý thức khuyến học đến từng dòng họ, từng gia đình nhằm nuôi dưỡng ý chí hiếu học của các thế hệ sau.
Tháng 12.2005, UBND tỉnh cùng các cơ quan có liên quan tổ chức họp bàn vấn đề khoanh vùng quy định khu vực bảo vệ di tích Văn Miếu Bình Định. Theo đó, khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích có diện tích 5.680m2. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I có diện tích 9.600m2.
Tháng 1.2006, UBND tỉnh chính thức xếp hạng Văn Miếu Bình Định là di tích lịch sử cấp tỉnh. |
|