Nhằm tôn vinh truyền thống thượng võ của quê hương, thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm nhiều hiện vật về võ cổ truyền Bình Ðịnh để chuẩn bị trưng bày. Một số hiện vật sưu tầm có giá trị cao về niên đại, chất liệu, mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Căn cứ vào các đề tài nghiên cứu khoa học như Chân dung võ sư, võ nhân tiêu biểu của Bình Định, Nghiên cứu bảo tồn thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định… Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cử cán bộ tìm kiếm, sưu tầm hiện vật ở nhiều võ đường trong tỉnh. “Các hiện vật võ cổ truyền thường gắn với truyền thống của một gia đình, dòng họ, nên chúng tôi phải tích cực tuyên truyền, vận động mới nhận được. Trong năm qua, chúng tôi đã sưu tầm được gần 30 hiện vật gốc; trong đó, nhiều hiện vật có giá trị về niên đại, chất liệu và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc”, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đinh Bá Hòa cho biết.
|
Tập bài thiệu viết tay bằng tiếng Việt của võ sư Nguyễn Xuân Mai. |
Một trong những hiện vật nổi bật là tập bài thiệu cổ viết bằng chữ Hán - Nôm của ông Nguyễn Văn Đấy ở võ đường Thanh Long (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Tập bài thiệu cổ này là “gia bảo” đã được gìn giữ nhiều đời, có độ dày gần 200 trang, chất liệu giấy dó có niên đại trên dưới 100 năm. Nội dung tập bài thiệu cổ hướng dẫn về các bài võ như Long đao pháp độ, Song đao pháp thảo… Ngoài ra, còn có hình vẽ các thế võ, hướng dẫn cách cầm roi, các huyệt xung yếu trên cơ thể. Đây là hiện vật rất độc đáo, quý hiếm, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu võ cổ truyền Bình Định.
Một hiện vật có giá trị khác là tập bài thiệu viết tay bằng tiếng Việt của võ sư Nguyễn Xuân Mai ở võ đường Kim Xuân Mai (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ). Tập bài thiệu gồm nhiều tập vở ghép lại, tổng cộng có 1.000 trang, là một dạng “giáo trình” huấn luyện cơ bản võ cổ truyền Bình Định. Theo võ sư Nguyễn Xuân Mai, nội dung tập bài thiệu hướng đến “cách dạy có lớp có lang, đẳng thứ, song song với một hệ thống lý thuyết võ đạo theo quan niệm võ học chính thống”.
Nội dung bài thiệu này được chia thành từng phần cụ thể, như huấn luyện cơ bản võ Bình Định, các bài thảo Tây Sơn quyền, Ngọc Trản quyền, Hổ quyền, Long quyền, Xà quyền, Kim kê quyền, Hổ long xà quyền… Ngoài ra, tập bài thiệu còn hướng dẫn cho môn sinh về tâm pháp, nhấn mạnh tính toàn diện của võ sĩ Bình Định là “Văn không võ, văn nhược. Võ không văn, võ bạo”. “Đây là “giáo trình” giảng dạy võ cổ truyền đặc biệt. Tuy có niên đại không cao, nhưng nó thể hiện được tính cần cù, tỉ mỉ của người võ sư Bình Định”, bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhận xét.
Theo ông Ðinh Bá Hòa, các hiện vật đã sưu tầm sẽ được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bố trí không gian phù hợp, trang trọng để trưng bày phục vụ khách tham quan trong thời gian tới. Qua đó, góp phần quảng bá, tôn vinh truyền thống hào hùng và sự độc đáo của võ cổ truyền Bình Ðịnh. |
Ngoài các văn bản, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn sưu tầm được nhiều hiện vật gốc là các loại binh khí của các võ sư, võ nhân ở các võ đường nổi tiếng. Đáng chú ý là cây roi của cố võ sư Hồ Nhu (ở làng võ Thuận Truyền, huyện Tây Sơn), người có những đường roi bí truyền vang danh trong giới võ học. Cây roi của võ sư Hồ Nhu được cháu nội ông là võ sư Hồ Sừng gìn giữ, đặt trang trọng bên bàn thờ tổ của võ đường, nay quyết định chuyển giao lại cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Cây roi này dài 1,6m, làm bằng gỗ kiền kiền bền chắc, được võ sư Hồ Nhu sử dụng để luyện tập, hướng dẫn các thế võ cho môn sinh của mình. HLV võ cổ truyền Hồ Sỹ, con trai võ sư Hồ Sừng, chia sẻ: “Nhiều thế hệ môn sinh của võ đường khi làm lễ nhập môn đã cầm cây roi này bái trước bàn thờ tổ. Vì vậy, cây roi có ý nghĩa tinh thần sâu sắc đối với gia đình, võ đường chúng tôi”.
Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng sưu tầm được cặp roi của cố võ sư Lý Hân (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) do cháu nội ông là võ sư Lý Xuân Hỷ trao lại. Cặp roi này cũng làm bằng chất liệu cây kiền kiền, được võ sư Lý Hân dùng để truyền dạy cho nhiều học trò nổi tiếng trong làng võ Bình Định.
|