VỢ CHỒNG NHÀ THƠ YẾN LAN- TẮT BẾP CÓ LỬA ĐÈN, TÌNH QUÊ KHÔNG HỞ LẠNH
10:10', 9/1/ 2013 (GMT+7)

Trong Hồi ký “Yến Lan- Nhớ mãi về anh” (NXB Văn học 2011), bà Nguyễn Thị Lan, phu nhân của nhà thơ Yến Lan đã kể rằng: “3 năm học từ lớp 5 đến lớp 3, kỳ nghỉ hè nào, tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi tên Bạch Yến đều tấm tắc: anh nhà nghèo mà sao giỏi thế! Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”... Nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20.4.1944”.

 

Vợ chồng nhà thơ Yến Lan thăm lại “Bến Mi Lăng” (bến sống Trường Thi) sau  năm 1975. (ảnh của gia đình nhà thơ).

 

Cuộc tình và đám cưới của nhà thơ Yến Lan đã xảy ra cách nay ngót bảy mươi năm. Bảy mươi năm, với bao biến động của lịch sử, cách mạng, kháng chiến, hòa bình, mối tình thắm đượm của ông bà đã đi dọc những trang thơ, từ trước Cách mạng tháng Tám: “Phải là trọn vẹn, là trong sáng- Là một bài thơ khắc chữ “Nàng” đến thời tập kết ra miền Bắc: “Ta uống chúc vợ hiền- Khó khăn còn nặng gánh- Tắt bếp có lửa đèn- Tình quê không hở lạnh”; cho đến sau giải phóng trở về quê cũ: “ Nhà không vườn không gác không sân- Tôi nợ đời rau trái tôi ăn- Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát- Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”, rồi trong tuổi già: “Quả lê ngày ấy em còn bói - Nhựa tím khô dần một dấu răng”.

Từ sau giải phóng, tôi hay ghé lên nhà ông bà, thăm hỏi trò chuyện và ghi chép lại nhiều tư liệu về “Bàn Thành tứ hữu” mà ông là một trong những nhân chứng sống. Bên cạnh ông, bà cũng là một người bạn của nhóm và là người thường kể lại những câu chuyện thật xúc động về nghĩa tình của nhóm, cũng như nghĩa tình của ông bà với nhiều nhà văn nhà thơ khác. Ông bà sống thật giản dị khiêm cung trong ngôi nhà bên phố chợ nhưng là một địa điểm cuốn hút bước chân của bao nhiêu khách làng văn ở bốn phương trời ghé đến thăm hỏi và sẻ chia. Ai yêu thơ Yến Lan, hẳn cũng đều biết bài “Khăng khít”, một bài thơ mộc mạc, giản dị như thấm đẫm một tình yêu bền bỉ, ám ảnh khôn nguôi: “Ta gắn nhau từ đầu- Càng gắn nhau về cuối- Đâu nghĩ là xa nhau- Cho đến giờ hấp hối...”. Nhà thơ Yến Lan đã vĩnh biệt dương trần cách đây 15 năm, ngày 5.10.1998. Cụ bà là người đã ghi chép lại những bài thơ trên giường bệnh của ông, suốt nhiều năm liền. Sau khi ông mất, bà tiếp tục sưu tầm di cảo của ông, viết hồi ký và cả làm thơ, thơ bà luôn đau đáu tình yêu với nhà thơ mà từ đầu xanh  đến hoa râm rồi bạc trắng chưa thôi những ngôi nhân xưng “chàng” “nàng”, “anh” “em” trẻ trung dào dạt! “Viết cho đỡ nhớ ảnh” là cái câu bà thường trả lời thân hữu cũng như các nhà báo, khi hỏi về tập hồi ký và những bài thơ bà làm trong tuổi bát tuần, cửu tuần! Sự say sưa với những kỷ niệm từ thời hoa niên cho đến hơi thở chót và sự trân trọng sự nghiệp văn chương của chồng khiến bà có thể tâm sự hàng giờ. Và dù tuổi cao sức yếu, bà cũng đi nơi này nơi nọ, nếu ai hỏi han về Yến Lan, bà sẵn sàng dốc bầu tâm sự với một niềm thương yêu vô bờ bến người chồng thi sĩ quá cố của mình! Bà nhớ lại những năm tháng cuối đời của ông và đã viết lên báo: “Nhưng Sài Gòn chưa mổ, về nhà bắt đầu từ đó ốm liên miên nên tôi lại đưa ra Hà Nội mổ. Hai tháng sau, về nhà bắt đầu từ đó bị ốm cho đến năm 1994 anh Lan bị đau nặng, ngày mồng 4 tết đưa xuống bệnh viện đa khoa nằm. Khi ốm nặng gần chết, nhờ có Tỉnh ủy bảo bệnh viện làm sao cứu cho qua khỏi ngày lễ, chết đi sống lại 5 lần, sau tôi thấy ảnh mệt quá tôi xin đưa về nhà chữa thuốc Bắc có, thuốc Tây có, nhưng sao bệnh cứ kéo dài, người càng ngày gầy đi chẳng thấy béo lên tí nào, nhưng đầu óc rất minh mẫn, không lẫn tí nào, người tuy ốm gầy, tay run đi ngã luôn, nhưng lúc nào cũng nghĩ ra thơ, thơ tuôn ra như một dòng suối không biết bao giờ ngừng. Hàng ngày bảo tôi lấy giấy ra viết, anh đọc cho tôi viết, viết xong đọc lại cho ảnh nghe, nghe có chỗ nào sai lại sửa, sửa từng câu từng chữ chu đáo quá.

Đến ngày mồng 3 tháng 8, nhận được thư ngoài Hội nhà văn gửi vào, mời nhà văn, nhà thơ phải viết xong bản mục tiêu đó. Giấy này là chuẩn bị làm một tập sách các nhà văn nhà thơ đến năm 2000 phải làm xong, tôi đọc cho ảnh nghe, ảnh suy nghĩ chỉ cho tôi soạn và viết cho đến ngày 13 chưa xong. Tôi bảo thôi anh cứ chỉ cho tôi sẽ tìm, đến ngày 14 sợ tôi làm không xong, thiếu phần nào xuống Quy Nhơn nhờ anh Mừng tìm hộ. Tôi bảo anh có mệt quá thì nằm nghỉ cho nó khỏe, nhưng đến sáng ngày rằm tôi cứ thấy la mệt, lúc 5 giờ anh còn bảo cháu Đàn cõng đi cùng nhà, đi độ nửa tiếng bảo Đàn đem ba về nằm nghỉ, tôi lo nấu cháo, khi múc lên thấy ảnh nằm khác hơn mọi hôm, tôi liền nhờ những người xung quanh đến giúp tôi. Lúc ấy chỉ có một mình tôi ở nhà, sau đó gọi điện xuống cơ quan, anh Mừng và cả cơ quan đều lên lo chung với gia đình tôi, tôi lấy làm cảm động quá, nhưng tôi bối rối, không biết lo cái gì trước, cái gì sau.”

 

Nguyễn Thị Lan, phu nhân của nhà thơ Yến Lan và tác giả.

 

Tôi còn nhớ, nhiều năm sau, một buổi chiều cuối tháng 8.2005, tôi đến nhà gặp cụ bà và hướng dẫn cụ lập bản đăng ký theo quy chế xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước của Chính phủ. Biết cụ tuổi cao sức yếu,  tôi dặn đi dặn lại, cần gì cụ cứ điện thoại để tôi lên nhưng sáng hôm sau, cụ vẫn đi xe buýt trực tiếp xuống ngay cơ quan Hội tìm tôi, gửi lại 9 tờ khai chép tay và 9 tấm ảnh chân dung Yến Lan (mới rọi lại). Tôi không quên thảo một công văn ngắn gọn kèm theo, nêu những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Yến Lan, xong ký tất cả, chuyển qua văn thư đóng dấu và gửi phát chuyển nhanh cho Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cảm nhận của riêng tôi, tôi biết ông chỉ cần qua Hội đồng xét giải Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Quốc gia là đủ, nên tôi không hướng dẫn cụ bà làm hồ sơ cho Hội đồng cơ sở tỉnh Bình Định. Và năm ấy, nhà thơ Yến Lan đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Theo cảm nghĩ của tôi, với tài năng và sức lan tỏa của cụ, đáng lẽ cụ đoạt giải thưởng ngay từ nhiều năm trước. Nhưng những ngày có hân hạnh hầu chuyện cụ ông, tôi biết tính cụ, ôn tồn, hòa nhã và hết sức tự trọng. Cho dù sự thiệt thòi luôn luôn xảy ra thuở sinh thời, điều ấy có hề chi với con người đã đi qua bao thăng trầm nhân thế, lặng lẽ trọng nghĩa nhân và ái ngại trước trò chơi phù thế ồn ào. Phút cụ bà đưa tôi lên thắp nhang trước bàn thờ kính cáo công việc ấy đã hoàn tất, trong linh cảm tôi vẫn thấy nụ cười cụ ông hiền lành trong trẻo như xưa, không một chút đổi khác!

Giờ thì theo quy luật của đời người, cụ bà đã đi gặp cụ ông vào lúc 17 giờ 10 phút ngày 06 tháng 01 năm 2013, khi còn mấy năm nữa là cụ tròn 100 tuổi. Tôi tin rằng, ở cõi xa kia, tình yêu bất diệt của hai cụ vẫn còn mãi với thời gian, hai cụ vẫn uống trà, ngắm trăng, nhấm nháp miếng bánh tráng dãi dầu của mưa nắng Bình Định, đọc những câu thơ nghĩa tình và san sẻ niềm rung động cho nhau như hồi còn tại thế! Như hồi nào, cụ ông xuất thần, cụ bà châm trà và giở sổ ghi chép: “Cố gắng vươn lên nống bước lùi- Ngày thường hữu sự sống càng vui- Văn chương thường vốn ưa lưu biệt- Những muốn mang lên góp sổ trời”.

Nguyễn Thanh Mừng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Lễ hội Chợ Gò  (07/01/2013)
Người “vác tù và” văn nghệ quần chúng  (07/01/2013)
Quảng bá võ cổ truyền từ bảo tàng  (07/01/2013)
Tùng Dương mang chiến thắng thuyết phục cho "Chiếc khăn Piêu"  (07/01/2013)
Đừng lãng quên di tích Văn Miếu  (06/01/2013)
Phép an dân mầu nhiệm  (06/01/2013)
Khi xương rồng nở hoa   (05/01/2013)
Thương hoài xích đu   (05/01/2013)
Bình Định cần có một đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp mang bản sắc riêng   (05/01/2013)
Oscar vinh danh loạt phim James Bond  (05/01/2013)
Người vẽ cuộc đời bằng ánh sáng   (05/01/2013)
Đầu tư gần 5 tỉ đồng triển khai Đề án bảo tồn và phát triển các lò võ cổ truyền  (04/01/2013)
10 sự kiện Văn hóa - Thể thao - Du lịch nổi bật năm 2012  (04/01/2013)
Ông Nguyễn Văn Đấy tặng Bảo tàng tỉnh Bình Định một quyển võ thư  (04/01/2013)
Để giải “cơn khát” điện ảnh cho vùng khó khăn  (03/01/2013)