Họ “nhìn” và “đi” bằng âm nhạc
17:28', 13/1/ 2013 (GMT+7)

Họ là con của những nông dân nghèo khó. Đôi mắt mù lòa không cho họ nhìn thấy. Đôi chân tật nguyền không cho họ đi lại. Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng họ có chung niềm mơ ước là được hòa mình vào cuộc sống bằng con đường âm nhạc.

 

Cô trò lớp đàn tranh luyện tập.

 

“Vịn” tiếng đàn mà đi

Cơ sở hỗ trợ cho người khuyết tật Nguyễn Nga (TP Quy Nhơn) nhiều hoạt động từ thiện. Thế nhưng hấp dẫn tôi nhất là lớp dạy âm nhạc miễn phí cho người khuyết tật. Tôi đã từng có thời gian học âm nhạc, cũng được thầy giáo chấm điểm là 1 học viên có năng khiếu. Thế nhưng 1 người “lành lặn” như tôi mà để học sử dụng được cây ghitar, 1 loại nhạc cụ phổ thông nhất cũng đã vất vả mướt mồ hôi rồi. Đằng này, họ là những người mù, những người bị bại liệt cả 2 chân. Họ lại học những loại nhạc cụ “độc” như organ, đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, trống... Họ học không phải để giải tỏa nỗi buồn, mà để tạo kế mưu sinh.

Sự háo hức khiến tôi tìm đến cơ sở Nguyễn Nga (91A Đống Đa, Quy Nhơn) sớm hơn so với cuộc hẹn, 14g30 học viên mới vào lớp. Tôi đành ngồi đợi ở tầng trệt, lớp học nhạc ở tầng 3. Trong lúc chờ đợi, tôi ngắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn của các học viên của cơ sở. Chiếc xe ba bánh lắc tay dừng trước cửa, cô gái trẻ “bước” xuống xe bằng... đôi tay. Cô gái nhìn tôi, nhoẻn miệng cười rất tươi rồi “đi” lên cầu thang cũng bằng đôi tay. Nhìn đôi tay mảnh mai chống xuống đất, nâng cả cơ thể nặng trịch lên từng bậc thang 1 cách nặng nhọc, tôi không thể không chạnh lòng. Hỏi ra thì biết, đó là học viên của lớp đàn tranh. Vậy là cô gái ấy sẽ phải “đi” bằng tay lên đến tận tầng 3. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ cơ sở, cho biết: “Học viên này là dân ở TP Quy Nhơn nên đến giờ học phải “lắc xe” đến lớp, những học viên ở xa, nội trú tại cơ sở nên đỡ vất vả đi lại hơn”.

Lúc tôi bước vào lớp đàn tranh, học viên Cao Thị Ngọc Phượng, 29 tuổi ở phường Trần Phú (cô gái gặp lúc nãy) cùng 1 học viên khác đang so dây đàn để chuẩn bị trả bài cho cô giáo. Tôi xin phép cô giáo rồi bắt chuyện với Phượng. Phượng không phải bị tật bẩm sinh. Khi Phượng đã biết đi đứng, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác thì căn bệnh sốt bại liệt tai ác ập đến. Sau 1 thời gian, căn bệnh đi qua nhưng đôi chân của Phượng đã bị căn bệnh cướp mất, teo hẳn. Lớn lên, Phượng không thể đi lại như bè bạn. Buồn thân phận, Phượng hay hát vu vơ. Ai nghe cũng khen Phượng hát hay. Năm 13 tuổi, Phượng nảy sinh ý nghĩ sẽ theo con đường âm nhạc nếu có cơ hội. Lớn lên, Phượng sinh hoạt văn  nghệ trong Chi hội người khuyết tật “Sức sống” tại địa phương. Cách đây 5 tháng, nghe cơ sở Nguyễn Nga có lớp dạy nhạc miễn phí, Phượng mừng rỡ tìm đến gia nhập. “Khi nghe đài phát thanh tỉnh thông báo tin này, em mừng hết lớn. Em nghĩ đây là cơ hội để em học cái nghề mình yêu thích, và mơ ước sau này lấy cây đàn làm kế mưu sinh để giảm gánh nặng cho gia đình”, Phượng tâm sự. Phượng thích hát dân ca, những giai điệu trầm lắng, phảng phất u buồn như đã ngấm vào máu thịt của Phượng. Thế nên khi nhập học, Phượng đã chọn nhạc cụ đàn tranh.

Cô học viên Châu Thị Nữ (39 tuổi) ở xã Tây Giang (Tây Sơn) cùng cảnh ngộ như Phượng. Mới 5 tháng tuổi Nữ bị sốt bại liệt, sức khỏe của đôi chân theo căn bệnh mà ra đi. Lớn lên Nữ cũng phải đi lại bằng đôi tay. Bị tật nguyền không thể lao động giúp đỡ gia đình, ngày ngày Nữ tự mày mò học bấm cây ghitar, hát những bài hát buồn để gởi gắm nỗi hẩm hiu phận mình qua âm nhạc. Cũng như Phượng, sau 5 tháng theo học, Nữ đã thể hiện hoàn chỉnh 9 bài dân ca 3 miền.

 

Thầy Nhân đang lên lớp với các học viên khiếm thị.

 

Sự nỗ lực của 2 học viên lớp đàn tranh đã khiến cô giáo Dương thị Thanh Nguyên tỏ lòng khâm phục. Là giáo viên dạy nhạc của Trường THCS Quang Trung, cô Nguyên thường xuyên tiếp xúc với những niềm đam mê của học sinh, thế nhưng cô chưa thấy ai có niềm đam mê cháy bỏng như ở 2 cô gái học viên khuyết tật này. Cô giáo Nguyên cho biết: “Các em học ở đây không qua lớp nhạc lý, dạy thực hành trên đàn ngay nên khó cả cho người dạy lẫn người học. Học đàn chủ yếu dựa vào nhịp chân, thế nhưng chân của các em không thể nhịp được, nên các em phải “nhịp” trong đầu thì mới tiếp thu được bài. Đặc thù của đàn tranh là rung dây, nhạc công cần phải có những ngón tay mềm dịu. Trong khi các em đi đứng đều bằng tay nên đôi tay các em mất đi sự mềm mại, phải nỗ lực lắm mới luyện nên ngón đàn. Vừa có năng khiếu tốt, vừa đam mê nên các em học rất nhanh, hiện đã chơi hoàn chỉnh các bài dân ca: cò lả, trống cơm, lý cây đa, hoa thơm bướm lượn, tát nước đêm trăng, lý cửu khúc, lý con sáo, lý thương nhau...”.

Âm nhạc là đôi mắt

Phòng bên kia là lớp đàn nhị và đàn nguyệt do thầy giáo Đinh Văn Nhân phụ trách. Thầy Nhân đang đảm nhiệm công việc Chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Ca kịch tỉnh Bình Định, công việc bề bề. Thế nhưng để chia sẻ niềm đam mê âm nhạc với các em khiếm thị, thầy Nhân dành 1 tuần 3 buổi đến cơ sở Nguyễn Nga đứng lớp. “Đối với học viên khiếm thị không thể xem văn bản nên không thể học qua nhạc lý, tôi phải truyền đạt ngón đàn cho các em trực tiếp qua những ngón tay, và các em học bài qua tai nghe. Những người sáng mắt, nhìn ngón tay thầy trên đàn sẽ học được nhanh hơn, đằng này các em chỉ nghe, nên học rất vất vả”, thầy Đinh Văn Nhân nói.

Cũng theo thầy Nhân, khi các em khiếm thị học, do không nhìn thấy dây đàn, vị trí phím đàn nằm ở đâu, nên phải đối mặt với thách thức lớn. Nếu không thực sự yêu âm nhạc và có định hướng vững vàng thì khó theo đến cùng. Thầy Đinh văn Nhân cho biết thêm: “Ban đầu tôi cầm tay từng em để vào đàn, sau khi các em cảm biết được vị trí đó trên cây đàn, tôi tiếp tục cho cho các em  biết đó là nốt gì, rồi bên cạnh đó là nốt gì. Phải mất 1 tháng các em mới cảm biết được hết các nốt nhạc. Khi ngón tay các em đã “thuộc” hết các vị trí nốt trên cây đàn, việc học được thuận lợi hơn. Thời gian 5 tháng là quá ít với 1 người học đàn, thế nhưng hiện nay các em đã thể hiện nhuần nhuyễn 10 bài dân ca”.

 

Học viên khiếm thị miệt mài luyện ngón đàn.

 

Học viên Đào Cao Mạnh (23 tuổi) ở xã Canh Vinh thuộc huyện miền núi Vân Canh, trút lòng: “Mới 7 tuổi cháu bị lên trái, bị phản ứng thuốc thế nào không biết mà từ đó cháu bị mù hẳn. Không còn đôi mắt, cháu chỉ còn biết “nhìn” bằng tai. Cháu thường “nhìn” cuộc sống qua thông tin trên đài rađiô, thích nhất là các chương trình âm nhạc. Những bài dân ca buồn buồn “thấm” dần vào cháu thành niềm đam mê. Giờ được học, được chơi nhạc cháu rất vui. Sau này chơi nhạc kiếm được tiền sẽ càng vui hơn”. Học viên đàn bầu Diệp Văn Thạch ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, huyện miền núi hoài Ân, tiếp thêm câu chuyện: “Cháu bị mù từ nhỏ, rất mê âm nhạc nhưng nhà nghèo quá không dám xin ba mẹ đi học. Giờ được học miễn phí loại nhạc cụ mình thích là đàn bầu, cháu vui như được sáng mắt. Học đàn bầu khó lắm, chỉ có 1 dây, phím đàn nằm cả bên dưới, mắt không thể nhìn thấy nên để đánh đúng nốt cháu phải luyện tập ngày đêm. Cháu ở nội trú, được cơ sở cho chỗ ở, hỗ trợ ăn uống, mỗi tuần học thầy 3 buổi, thời gian còn lại cháu chuyên tâm thực tập trên đàn. Mỗi khi thầy cô cho học viên các lớp hòa tấu 4 loại nhạc cụ gồm đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu và đàn nguyệt, tụi cháu vui như ngày hội ”.

“Dạy cho các cháu biết đàn đã khó, thế nhưng tạo điều kiện cho các cháu kiếm sống bằng chính ngón đàn của mình mới là mục tiêu của cơ sở. Từ nhiều năm qua, cơ sở Nguyễn Nga đã trở thành điểm đến của khách du lịch và các nhà hảo tâm. Với các lớp nhạc này, hướng sắp đến cơ sở sẽ thành lập nhóm nhạc dân tộc, ngoài phục vụ cho khách phương xa, nhóm nhạc sẽ còn đáp ứng cho những buổi lễ hội tại địa phương nếu có nhu cầu. Đến lúc này niềm đam mê âm nhạc và những nỗ lực học tập của các cháu sẽ được đền đáp. Ví như em Minh Hậu, 1 trong những học viên khiếm thị đầu tiên của cơ sở, hiện là tay đàn organ trong 1 nhóm nhạc “đình đám” ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Cơ sở chúng tôi rất mong qua bài viết này, nhiều người khuyết tật khác đăng ký vào học những lớp âm nhạc của cơ sở”, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ cơ sở Nguyễn Nga, nói.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quê hương qua từng bức ảnh  (12/01/2013)
"2013: Năm Việt Nam tại thành phố Choisy-le-Roi"  (11/01/2013)
“Tắt bếp có lửa đèn, tình quê không hở lạnh”  (10/01/2013)
Công bố danh sách rút gọn giải Văn chương châu Á  (10/01/2013)
Lê Duy Tân - nồng nàn giọng ca xứ biển  (09/01/2013)
Thí sinh Huỳnh Lê Bảo Nhi đoạt giải Nhất  (09/01/2013)
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời  (09/01/2013)
VỢ CHỒNG NHÀ THƠ YẾN LAN- TẮT BẾP CÓ LỬA ĐÈN, TÌNH QUÊ KHÔNG HỞ LẠNH  (09/01/2013)
Tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Lễ hội Chợ Gò  (07/01/2013)
Người “vác tù và” văn nghệ quần chúng  (07/01/2013)
Quảng bá võ cổ truyền từ bảo tàng  (07/01/2013)
Tùng Dương mang chiến thắng thuyết phục cho "Chiếc khăn Piêu"  (07/01/2013)
Đừng lãng quên di tích Văn Miếu  (06/01/2013)
Phép an dân mầu nhiệm  (06/01/2013)
Khi xương rồng nở hoa   (05/01/2013)