Từ 1.1.2013, Nghị định 79/2012/NÐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có hiệu lực. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh việc triển khai văn bản pháp quy cao nhất về hoạt động tổ chức và tham gia biểu diễn nghệ thuật này tại tỉnh ta.
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Nghị định 79 gồm 5 chương, 31 điều, được soạn thảo trên tinh thần kế thừa những điểm tích cực của các văn bản trước, đồng thời có sự bổ sung, điều chỉnh thêm một số quy định chặt chẽ, rõ ràng trong giải quyết các vấn đề nảy sinh gần đây”.
|
Chế độ bồi dưỡng cho diễn viên ở các đoàn nghệ thuật sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Đào Duy Từ” do Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn. Ảnh: Hiệp mỹ |
● Những vấn đề liên quan đến nghệ thuật biểu diễn được cụ thể hóa trong Nghị định 79 như thế nào, thưa ông?
- Nghị định 79 là văn bản cao nhất có tính pháp lý để quy định chặt chẽ hơn các hoạt động thuộc về nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: sân khấu; trình diễn thời trang; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc… Nghị định đặc biệt nhấn mạnh đến những điều cấm và quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Thủ tục hành chính cũng được tinh gọn theo hướng giấy phép biểu diễn của một chương trình do Sở VH-TT&DL, hay Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cấp đều có giá trị trên toàn quốc. Điều này mở thêm điều kiện cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khi các chương trình đã được cấp phép được quyền biểu diễn ở các tỉnh, thành phố mà không cần phải rườm rà xin giấy tiếp nhận biểu diễn như trước đây.
● Nghị định 79 ban hành nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Áp dụng cụ thể vào tình hình thực tế của tỉnh ta, Nghị định 79 sẽ giúp tháo gỡ khó khăn nào, thưa ông?
- Hằng năm, tỉnh ta đón khá nhiều đoàn ca múa nhạc ngoại tỉnh đến xin biểu diễn. Nhưng, chúng ta đang gặp khó ở khâu cấp phép, kiểm duyệt chương trình, lý do là Sở VH-TT&DL chưa có bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động các đoàn ở địa phương. Trước đây, từng có chuyện đoàn ca múa nhạc ngoại tỉnh chỉ đăng ký biểu diễn một nơi trong một đêm, nhưng họ đã tranh thủ dựng thêm sân khấu ở một nơi khác, rồi cử ca sĩ chạy sô. Hay, chuyện quảng cáo rầm rộ tên tuổi các ngôi sao ca nhạc, nhưng đêm diễn không xuất hiện.
Chưa kể hạn chế thuộc về chúng ta, khi một số cán bộ văn hóa địa phương chưa nắm rõ luật, chủ quan vào giấy phép được Sở cấp, lơ là trong kiểm soát nội dung buổi diễn. Chế độ bồi dưỡng cho diễn viên, nghệ sĩ định biên ở các đoàn nghệ thuật quá lạc hậu.
Nghị định 79 ra đời đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn và hạn chế nói trên. Đặc biệt là thủ tục hành chính, thời hạn thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cho các hoạt động tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn đã được rút ngắn xuống còn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Từ giờ, Phòng Nghiệp vụ của Sở sẽ duyệt chương trình trong quá trình kiểm tra cấp phép. Các đoàn đến địa phương chỉ cần gửi thông báo thay vì xin giấy tiếp nhận biểu diễn. Còn việc tăng thù lao cho diễn viên, nghệ sĩ cũng đã được đề cập trong các hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79, nhưng cụ thể bao nhiêu thì còn phải cân nhắc.
● Ngày 1.1.2013, Nghị định 79 bắt đầu có hiệu lực; vậy Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch gì để nghị định sớm đi vào cuộc sống?
- Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư nhằm hướng dẫn thực hiện các điều quy định trong Nghị định 79. Chỉ cần có Thông tư này thì Sở VH-TT&DL sẽ quán triệt toàn ngành, đảm bảo thực thi đúng và sát các quy định.
Nghị định 79 thể hiện rõ quyết tâm chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL. Thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ kiện toàn đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, kiên quyết dẹp lối làm ăn chụp giật, “treo đầu dê, bán thịt chó”, để người dân trong tỉnh được thưởng thức những chương trình nghệ thuật biểu diễn đúng nghĩa.
● Xin cảm ơn ông!
|