Tại Hội thảo khoa học “Lê Ðại Cang - Tấm gương kẻ sĩ” vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn, chiếc đòn khiêng võng - một hiện vật gắn liền với cuộc đời làm quan nhiều thăng trầm của Lê Ðại Cang - đã nhận được rất nhiều sự quan tâm.
|
Chiếc đòn khiêng võng của Lê Đại Cang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ được trưng bày để phục vụ công chúng. |
Nhà văn Đỗ Kim Cuông kể khi về thăm Từ đường họ Lê ở Tuy Phước, trong gian chính điện, cũng như nhiều người tôi lấy làm lạ khi thấy có chiếc đòn khiêng võng. Hỏi ra mới biết đó là chiếc đòn khiêng võng của ông quan văn Lê Đại Cang, người đã từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn. Chiếc đòn khiêng võng được đặt trang trọng trong Từ đường họ Lê đánh dấu những ngày tháng gian nan nhất trong đời ông, khi hai lần bị cách chức xuống làm anh lính dõng. Trong cả hai lần ấy, giữa gian lao hiểm nghèo, Lê Đại Cang chứng tỏ nghị lực lớn lao của một kẻ sĩ…
“Điều mà hậu thế luôn nhắc đến với sự kính trọng sâu sắc ở Lê Đại Cang là dù khi đắc thời quyền cao chức trọng, hay lúc bị thất thế cách chức trở thành lính khiêng võng, ông luôn thể hiện chí khí hiên ngang của một kẻ sĩ, luôn tận tụy hết mình thực hiện chức phận của một “tôi trung”, “con hiếu”.
Ông VĂN TRỌNG HÙNG, Giám đốc Sở VH-TT&DL |
Còn nhà thơ Thanh Thảo có sự liên kết, đánh giá thú vị, khi cho rằng ở Việt Nam có hai người coi chiếc đòn khiêng võng và chiếc đòn gánh là bảo vật của gia đình mình là Lê Đại Cang và Chú Hỏa. Trong ngôi biệt thự của Chú Hỏa tại Sài Gòn, ở vị trí trang trọng nhất có thờ một chiếc đòn gánh mà ông dùng để hành nghề ve chai trước khi trở thành người giàu có nhất nhì Sài Gòn. Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: “Với Lê Đại Cang, chiếc đòn khiêng võng là một kỷ niệm đau đớn của cuộc đời. Nhưng ông quý trọng nó vì nó chứng minh bản lĩnh quân tử nơi ông: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”, trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng không đổi tâm tính”.
Hơn 30 năm trước, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thuyết phục dòng họ của Lê Đại Cang cho đem chiếc đòn khiêng võng ở Từ đường họ Lê về bảo quản cẩn thận. Hơn 150 năm, chiếc đòn khiêng võng đã phai màu sơn, nhưng những đường nét chạm khắc hoa văn, linh thú vẫn rất sống động. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã đặt hàng thợ làm giá đỡ bằng gỗ để trưng bày chiếc đòn khiêng võng của Lê Đại Cang cho khách thưởng lãm trong dịp tết này”.
|