Cái mới của người anh hùng trong tuồng Đào Tấn
10:59', 16/1/ 2013 (GMT+7)

Nhà viết tuồng Đào Tấn. (ảnh: Internet)

Người anh hùng trong tuồng Đào Tấn không là những con người đặc biệt với những hành động cao cả siêu phàm như trong tuồng cổ.

Họ chỉ là những người bình thường, nhỏ bé, nhiều khi là những người lao khổ, bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Họ anh hùng vì vẫn giữ được sự lương thiện khi hoàn cảnh dễ biến họ thành kẻ bất lương, vẫn trọn tình vẹn nghĩa trong hiểm nguy hoạn nạn, vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, hiên ngang tồn tại, vươn tới, bất chấp kẻ thù tìm mọi cách quét họ ra khỏi mặt đất.

Nghệ thuật tuồng về cơ bản đã được xem như nghệ thuật của chủ nghĩa anh hùng. Trước Cách mạng tháng Tám nhà nghiên cứu Đoàn Nồng đã gọi nó là “bi hùng kịch Việt Nam”. Trong công trình nghiên cứu tuồng đầu tiên dưới chế độ XHCN, cuốn “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” (1963), nhà nghiên cứu Mịch Quang cũng gọi tuồng là “bi kịch anh hùng ca”. Chủ nghĩa anh hùng đã như một đặc trưng nổi bật và người anh hùng bao giờ cũng là nhân vật trung tâm của sân khấu tuồng. Tuồng Đào Tấn cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Đóng góp của Đào Tấn là đã mang đến những nội dung mới cho chủ nghĩa anh hùng và những phẩm chất mới của người anh hùng trong những vở tuồng của mình.

Ta có thể thấy những đóng góp mới, những giá trị mới của những hình tượng anh hùng trong tuồng Đào Tấn ở những điểm chính sau:

Yêu nước, chuộng nghĩa là động lực hành động

Trước thời Đào Tấn, nghệ thuật tuồng đã xây dựng được những hình tượng anh hùng lẫm liệt, đầy sức chinh phục như Tạ Ngọc Lân, Phương Cơ, Linh Tá, Kim Lân, Đổng Mẫu, Đào Tam Xuân, Liễu Nguyệt Tiêm…Tuy vậy với mô típ khởi đầu “vua băng, nịnh tiếm” phổ biến, lý tưởng “phò chính trừ tà” của những anh hùng được cụ thể hóa trong mục tiêu khôi phục lại một vương triều, một ngôi vua đã bị bọn gian nịnh chiếm đoạt. Trong các vở tuồng này, gần như người ta không hề được biết cái vương triều vừa sụp đổ, cái ngôi vua vừa bị chiếm đoạt mang tên Nguyên, Tề, Tống, Lương chung chung đó thực ra tốt xấu hay dở thế nào. Chỉ biết tiêu chí để phân biệt kẻ gian với người ngay là câu hỏi duy nhất: thờ vua hay phản vua, cho dù vị vua đó là một chánh hậu chân yếu tay mềm hay một ấu chúa đang trong bụng mẹ. Trung quân là động lực hành động của những anh hùng trong tuồng các thời kỳ này.

Đào Tấn không theo truyền thống đó. Trong các vở tuồng sáng tác của ông chưa có vị vua nào bị lật đổ khỏi ngai vàng, do đó cũng chẳng hề có việc phải phục ngôi cho ai cả. Với “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn Võ đình”, Đào Tấn lại cho thấy một thảm trạng: vua vẫn yên vị đấy nhưng dần biến thành hôn quân vô đạo, non nước đã bị yêu quái thao túng, gian nịnh lộng hành, dân lành lâm nạn, bậc trung lương, người ngay thực không còn đất dung thân. Không quá khó để nhận ra đó là thảm trạng ở thời Đào Tấn: triều Nguyễn còn đấy, các vua Nguyễn vẫn ngự trên ngai vàng, nhưng thực sự nước đã mất, nhà đã tan, dân ta đã lầm than điêu đứng. Người anh hùng trong tuồng Đào Tấn đã xuất hiện và hành động trong hoàn cảnh đau thương tủi nhục đó. Trung quân không còn là động lực hành động của các anh hùng, bởi có muốn trung thì cùng chẳng thế trung nổi vì vua đã bị ma xui quỷ khiến, hoặc đã là một hôn quân vô đạo. Thay vì trung vua, các anh hùng trong tuồng Đào Tấn đã không ngần ngại sỉ nhục vua (Thái sư Văn Trọng), phế bỏ vua (Hoàng Phi Hổ) hoặc lập căn cứ ngang nhiên chống lại triều đình (Tiết Cương, Ngũ Hùng, Tần Hán).

“Hương quan hà xứ thị?”(quê hương đâu đó tá?), không phải ngẫu nhiên mà câu hỏi đau đáu của Triệu Khánh Sanh trong “Diễn Võ đình” đã được Đào Tấn cố ý nhắc lại ở một số vở tuồng khác như “Tân Dã đồn”, “Cổ thành”. Còn trong “Hộ sanh đàn” thì Tiết Cương cũng nhiều lần khắc khoải “nước non non nước hỡi xa xuôi” hay “cố quốc hối đầu lao mộng mị”. Cái cảm giác đứng ngay trên đất nước mà không biết đất nước đang ở đâu, thấy đất nước như đang ở trong một giấc mơ xa vời mà Đào Tấn chú tâm day trở ấy là chủ ý làm rõ thêm một sự thực mà không ít người khi ấy còn mơ hồ: dưới cái danh bảo hộ, khai hóa, bọn Phú Lăng Sa đã thôn tính gọn đất nước ta.

Trong thơ, Đào Tấn ý thức rất rõ sự mất nước, từng thể hiện rất sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng căm thù bọn xâm lược Pháp và ý chí cứu nước cháy bỏng:

- Cự Bắc bình Tây kim cổ chấn/Từ phương danh động ngã Tiên Long (Chống Bắc bình Tây, xưa nay chấn động /Bốn phương vang danh nòi giống Tiên Rồng).

- Bạt kiếm khêu đăng đối tửu ca/tâm trung duy ái ngã sơn hà/anh hùng mỗi độc ngô Nam sử/thùy bất thâm thù Phú Lăng Sa (Vung kiếm khêu đèn uống rượu hát/trong lòng chỉ yêu sông núi của ta/anh hùng mỗi lần đọc sử nước Nam/ai không thâm thù bọn giặc Pháp).

- Thủ vãn sơn hà tâm vị tử/thân kỳ Cơ Vĩ khí do sanh (Tay giằng lại núi sông lòng không chết/thân cưỡi sao Cơ sao Vĩ tinh thần tỏa sáng mãi).

“Hùng tâm” ấy trong thơ, ở trong tuồng Đào Tấn đã cho hóa thân vào những hình tượng một Tiết Cương bất khuất “Chưa xong ân oán dễ than vận thời”, một Triệu Khánh Sanh căm hận “cánh chim hồng gặp gió liệng mây xanh/xương ưng khuyển quyết nghiền tro quăng biển bạc”, một Văn Trọng kiên định “Chẳng nghĩ Thành Thanh công đức/ làm những điều bạo ngược phiền hà/giận một phen chẳng thỏa lòng già/ gươm ba thước giữ nghiêm phép nước”, một Lan Anh gan góc “Bước anh hùng đã lỡ/gan nhi nữ càng dày / nếu chẳng liều sinh tử giữa chông gai/ ai còn kể ân tình trong nước lửa”…

Như vậy, động lực hành động của những anh hùng trong tuồng Đào Tấn là tình yêu đất nước, tinh thần chuộng nghĩa, khát vọng tiêu diệt bọn tà gian, tái lập tự do công bằng.

Chiến công lớn nhất: chiến thắng nỗi cô đơn, bền lòng vững chí

Nếu những anh hùng trong tuồng trước thời Đào Tấn hầu hết đều đã có những hành động cao cả, phi thường, nhiều khi đến mức huyền thoại như Linh Tá ba lần bị Ôn Đình chém rơi đầu vẫn ôm đầu chạy theo bạn hóa thành ngọn đuốc đưa bạn vượt đèo giữa đêm đen (Sơn Hậu), như Tạ Ngọc Lân ghìm đứa con hư cùng chết trong biển lửa, như Đổng Mẫu bị treo lên cổng thành sắp bị thiêu trong lửa đỏ vẫn một mực khuyên con “Thẳng hai tay đỡ lấy âu vàng/vung ba thước vằm loài đức bạc/trung hiếu khó vẹn toàn/khá lấy tôi ngay làm con thảo/tử sinh đừng tính toán/nên hay ngày chết tức ngày sinh”…Và những hành động ấy đã góp phần quyết định đưa phe trung nghĩa toàn thắng lũ gian nịnh, ca khúc khải hoàn. Người anh hùng trong tuồng Đào Tấn không có những hành động lẫm liệt như thế và họ cũng chưa bao giờ chiến thắng trọn vẹn được kẻ thù để có thể khải hoàn ca. Hoàng Phi Hổ trong “Trầm hương các” đã thiêu rụi được lũ tiểu yêu, nhưng đó mới chỉ là những tốt đen, còn “chúa yêu” Đát Kỷ Hồ Ly thì vẫn vững vàng trên ngôi hoàng hậu. Văn Trọng đã đăng triều sỉ nhục Trụ vương, buộc Trụ vương rúm ró thảm hại trước mình, nhưng rốt cuộc thì Trụ vương vẫn chẳng hề hấn gì khi điều được Văn Trọng đi xa. Còn Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương thì là những người liên tục bị bao vây, truy sát và thành công của họ chỉ là vượt thoát trùng vây, bảo toàn mạng sống. Ngoài “Diễn Võ đình”, các vở tuồng khác của Đào Tấn đều kết thúc có hậu nhưng cái hậu ấy chưa bao giờ là một kết thúc hoành tráng như tuồng xưa: tiêu diệt hết gian nịnh, khôi phục lại một vương triều, giành lại được một ngai vàng…

Cũng khác với những anh hùng tuồng xưa, thường có cả một lực lượng đông đảo bên cạnh hoặc phía sau hậu thuẫn, các anh hùng trong tuồng Đào Tấn thường lâm vào hoàn cảnh đơn độc, cô độc. Cô đơn vô hạn là hình ảnh Triệu Khánh Sanh, một mình một ngựa, không cửa không nhà, đường xa vô định “cô hồng thiên viễn, cận”. Trương Phi thì chìm ngập trong nỗi cô đơn dằng dặc ở Cổ thành“nhất nhạn hoành phi vân tế lộ/cô đăng trường chiếu nguyệt biên thành”. Tiết Cương và Lan Anh cũng vậy thôi, có chồng có vợ đấy, nhưng cứ gặp nhau lại lạc nhau ngay, lại mỗi người một phương, tự lo lấy sự sinh tử của mình. Và nhất là Dương Tú Hà, với sự trống trải, cô đơn quá sức chịu đựng của một người vợ hiền thục, chân thiện buột phải chống lại tên chồng bạc ác, giả dối mà mình đã hết lòng yêu thương “vì trả ơn xưa mà lụy đến chồng”. Trong tuồng “Tam nữ đồ vương” có một nhân vật có hoàn cảnh giống Tú Hà, đó là Triệu Tư Cung, con trung phải chống lại cha nịnh. Nhưng dù rất đau khổ “Song phủ cứu lai chánh hậu/ngửa vái trời soi thấu niềm ngay/xét thân hổ với cao dày/phơi gan giúp chúa chau mày phụ cha”, Tư Cung vẫn có Tạ Ngọc Lân, Phương Cơ, Bích Hà chia sẻ, khích lệ. Còn Tú Hà, trước sau chỉ một thân một mình với sự dằn xé “tâm sự này khó hỏi trời xanh”…

Có người nói: chiến công lớn nhất của con người là chiến thắng nỗi cô đơn của chính mình. Bình thường đã thế, trong tình thế đất nước thời Đào Tấn sống, khi các vua Nguyễn đã tung cờ trắng, đại đa số quan lại đã cam phận nô lệ ngoại bang để vinh thân phì da, các cuộc khởi nghĩa ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi đã nhanh chóng bị dìm trong biển máu, cả đất nước đã nằm gọn trong tay xâm lược Pháp. Thì số phận những người yêu nước, trung nghĩa thực sự rơi vào vực thẳm cô đơn, bế tắc, giữa điệp trùng hiểm nguy gian khó.

Để có thể tiếp tục sự nghiệp cứu nước, khôi phục lại giang sơn, những anh hùng trong tuồng Đào Tấn trước hết phải biết vượt qua những giây phút tuyệt vọng, sờn lòng, nản chí rất con người. Rồi nữa, họ lại phải dò đường, tìm những con đường mới vì những con đường cũ đều đã bị bít lối. “Ta đi đường này không được thì ta đi đường khác”, câu nói của Lan Anh với Tiết Cương trong lớp tuồng họ cùng Hồ Nô và các lâu la bị lạc trên núi cao, giữa “rừng lạ hang sâu”, phải tự phát gai bạt núi mở lấy đường đi, chính là tư tưởng rất lớn của Đào Tấn trao gửi vào những anh hùng cứu nước của ông: miễn là quyết tâm ra đi, miễn là bền lòng vững chí, con đường cần tìm ắt sẽ tìm ra.

Chiến công lớn nhất của những anh hùng trong tuồng Đào Tấn chính là việc chiến thắng nỗi cô đơn, là luôn bền lòng vững chí, bất khuất, trung nghĩa, tự nguyện vui sướng chấp nhận mọi hy sinh trong mọi hoàn cảnh để vượt qua những khó khăn thách thức lớn nhất. Đó là những anh hùng chưa thể chiến thắng nhưng vẫn kiên gan chiến đấu “hai vai thắt chặt tang hồ/biển oan chưa lấp mật thù càng ngon” (lời hát Tiết Cương), “chưa thành công” nhưng “đã thành nhân”…

Những anh hùng chân đất

Một trong những cái mới nổi bật trong tuồng Đào Tấn là sự xuất hiện, chiếm lĩnh và làm bừng sáng sân khấu của những người anh hùng lao khổ, gần như ở dưới đáy cùng của xã hội, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tập trung trong vở tuồng cuối cùng của ông, vở “Hộ sanh đàn”: Tiết Cương, Lan Anh, Hồ Nô, Ngũ Hùng, Tần Hán.

Với Tiết Nghĩa, con người giàu sang bạc ác mà Tiết Cương từng liều thân cứu mạng, thì Tiết Cương chỉ một kẻ lục lâm đáng khinh khi, hắn kể “Ngày trước ta có bị cái tội chơi chơi chi đó, đức lệnh Võ Hậu truyền xử trảm cả hai vợ chồng tao, vừa mới đem ra pháp trường quỳ quyết tử tế, ai ngờ có một thằng đầu tóc vàng như lông bò nghé, miệng nhọn như mỏ gà cồ, tên nó là thằng Tiết Cương, nó ở đâu xách búa chạy tới, say đã vùi đi, nó nghe tiếng tao giàu có nó có ý tới cứu đặng kiếm tiền chơi”. Trong giọng lưỡi của kẻ gian dối vô ơn, sẵn lòng đổi trắng thay đen này cũng chứa đựng một sự thật: chàng tráng sĩ dòng dõi đại công hầu Tiết Cương nay đã thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội. Lan Anh cũng vậy, qua những lời thương cảm của Hồ Nô về người chủ của mình, dù là dòng dõi lá ngọc cành vàng, nhà từng lắm bạc nhiều tiền, đông đúc kẻ hầu người hạ, nhưng nay bôn hành vào sinh ra tử cùng Tiết Cương trên con đường gập ghềnh, chông gai cứu nước, thì Lan Anh cũng đã ở cái cảnh “một thân một mình, lâm bê lấm bết” (lời Hồ Nô). Như vậy, bậc anh hùng và trang liệt nữ của Đào Tấn tuy đều có nguồn gốc cao sang nhưng đều đã thực sự thành những người tay không chân đất.

Còn Hồ Nô, người hầu gái trung thành, gắn bó như bóng với hình cùng Lan Anh, thì đúng người chân đất theo nghĩa đen, lại là người thiểu số. Đây là nhân vật người thiểu số đầu tiên xuất hiện trên sân khấu nước ta và là nhân vật được Đào Tấn dành nhiều, tâm huyết xây dựng. Hồ Nô tự kể về xuất xứ của mình như sau: “Cái thuở ông bà chưa nuôi tôi, tôi đi ăn bụi, ăn nu, ăn cao su, cánh kiến, tôi ở trên rú trên ri, tháng ni qua tháng khác” Nhưng lạ thay, cô gái “ăn bụi ở rú tháng ni qua tháng khác đó” dường như làm được tất cả những gì mà vợ chồng Tiết Cương cần, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc dễ đến việc khó. Ở trại, Hồ Nô bồng bế nuôi nấng Tiết Giao. Ra trận, Hồ Nô là tùy tướng tài năng mưu trí bên cạnh Lan Anh. Khi lạc rừng thì nhờ Hồ Nô vợ chồng họ mới tìm được đường ra và “một đoàn tớ trước thầy sau” níu lấy Hồ Nô để Hồ Nô “đi trước đem đừờng cho”. Lúc Lan Anh đẻ rơi Tiết Quỳ giữa đường lánh giặc, cũng một tay Hồ Nô dìu đỡ. Và cũng lại là Hồ Nô phát hiện ra cái miếu hoang giữa rừng, chính là miếu thờ tổ Tiết Nhân Quý, đưa Lan Anh đến thắp hương cầu khấn, nhờ đức tổ hiển linh giúp vợ chồng sum họp, giúp Tiết Cương đủ sức đánh bại Võ Tam Tư. Không chỉ tận tụy, chất phác, dạt dào tình thương, Hồ Nô còn tỏ ra rất thông minh, thông tỏ sự đời, lẽ đời. Trả lời câu hỏi của Lan Anh: “Vậy chớ trẻ tay chân có đưa nào theo không?”, Hồ Nô tỉnh rụi: “Lúc bà ở nhà nhiều tiền, nhiều bạc, hắn đến hắn nịnh, hắn dạ, xin kiếm, chớ chừ bà chạy giặc chạy giã cực khổ, hắn theo hắn ăn chi?”. Cám cảnh chìm nổi vô chừng của vợ chồng Tiết Cương, Hồ Nô có một câu hát đầy triết lý mà người xem rất thuộc “Mịt mù khói tỏa mây giăng/những người trung hiếu cam phần gian nan”. Mà không chỉ có câu hát này, rất nhiều câu hát khác của Hồ Nô trong “Hộ sanh đàn” đã in đậm trong trí nhớ người xem nhiều thế hệ: “Sụt sùi lụy nhỏ thấm bầu/hạt cơm tấm áo dễ nào quên ơn”, “ngày ngày lặn suối, trèo non/bao giờ cho đặng vuông tròn như xưa”. Và đây là bài hát ru tuyệt hay của Hồ Nô ru cậu bé sơ sinh Tiết Quỳ:

Tai nghe văng vẳng thảo trùng là trùng thảo trùng

Nhớ người quân tử thương hại thương xót rưng rưng hai hàng

Kìa ai ngựa thếp đen vàng

Núy quan bắt chén thương hại thương xót giải phiền làm khuây

Ông ông ơi

Tình lang vắng vẻ, vắng vẻ chốn này

Ngậm ngùi lòng thiếp ngồi đêm ngày thở than

Nước đà chảy xuống nhân gian là nhân gian

Hoa trôi động khẩu xê xang một mình

Đào Tấn đã sáng tác riêng cho nhân vật Hồ Nô một điệu lý với những tiếng đệm đặc trưng như ta ní nọ, kia kia kia, thương hại thương xót. Suốt trong năm lớp có mặt trên sân khấu, khi hát Hồ Nô chỉ hát một điệu lý này mà khán giả vẫn mê mẩn vì nó rất sinh động biến hóa và vì lời hát của nó ngộ nghĩnh, sâu sắc. Đó là những câu lục bát hay nhất trong “Hộ sanh đàn”, cùng với những câu Đào Tấn dành Lan Anh, Tiết Cương (hát nam). Có thể thấy, Đào Tấn dồn nhiều yêu mến gửi gắm vào nhân vật cô gái “Thượng du” độc đáo của mình.

Đào Tấn rất dụng công cho nhân vật Hồ Nô không chỉ vì tính kỳ mà chủ yếu bởi Hồ Nô là hình tượng có thể biểu hiện rõ phát hiện của ông về phẩm chất anh hùng, cái vĩ đại ở những con người bình thường, nhỏ bé, bần hàn nhất, thậm chí bị coi là “mọi rợ” nhất. Nhà nghiên cứu Mịch Quang cho rằng trong những năm cuối đời, Đào Tấn đã đi từ quan niệm anh hùng phong kiến đến chủ nghĩa anh hùng nhân dân. Hồ Nô là một minh chứng thuyết phục cho nhận định đó. Đặc biệt, để Hồ Nô trở thành một “thần hộ mệnh”, một ngôi sao dẫn đường hồn nhiên và thầm lặng của vợ chồng Tiết Cương – Lan Anh, dường như Đào Tấn đã kín đáo phát ngôn một tư tưởng rất mới của ông: muốn vượt qua khó khăn để sống còn và tranh đấu, hy vọng thành công, các lực lượng yêu nước phải biết dựa vào nhân dân lao động cùng khổ, đó sẽ là những người bảo vệ và đưa đường đáng tin cậy nhất của họ.

Với những điểm mới trên, người anh hùng trong tuồng Đào Tấn không là những con người đặc biệt với những hành động cao cả siêu phàm như trong tuồng cổ. Họ chỉ là những người bình thường nhỏ bé, nhiều khi là những người lao khổ, bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Họ anh hùng vì vẫn giữ được sự lương thiện khi hoàn cảnh dễ biến họ thành kẻ bất lương, vẫn trọn tình vẹn nghĩa trong hiểm nguy hoạn nạn, vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, hiên ngang tồn tại, vươn tới, bất chấp kẻ thù tìm mọi cách quét họ ra khỏi mặt đất. Đó là những con người như mọi con người bình thường khác. Điều họ làm ai cũng có thể làm được nếu như biết yêu nước thương nòi. Khúc tráng ca mà họ kiên trinh hát trên đường chiến đấu ai cũng có thể hát.

. Theo Văn hiến Việt Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kim Hồng nhận danh hiệu "Đệ nhất Hoa hậu quý bà thế giới"  (15/01/2013)
Chuyện từ “chiếc đòn khiêng võng”  (15/01/2013)
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật có thêm nhiều thuận lợi  (14/01/2013)
Hương Tràm đoạt ngôi quán quân Giọng hát Việt 2012  (14/01/2013)
Tặng quà cho 3 xã và 613 gia đình văn hóa  (13/01/2013)
Họ “nhìn” và “đi” bằng âm nhạc  (13/01/2013)
Quê hương qua từng bức ảnh  (12/01/2013)
"2013: Năm Việt Nam tại thành phố Choisy-le-Roi"  (11/01/2013)
“Tắt bếp có lửa đèn, tình quê không hở lạnh”  (10/01/2013)
Công bố danh sách rút gọn giải Văn chương châu Á  (10/01/2013)
Lê Duy Tân - nồng nàn giọng ca xứ biển  (09/01/2013)
Thí sinh Huỳnh Lê Bảo Nhi đoạt giải Nhất  (09/01/2013)
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời  (09/01/2013)
VỢ CHỒNG NHÀ THƠ YẾN LAN- TẮT BẾP CÓ LỬA ĐÈN, TÌNH QUÊ KHÔNG HỞ LẠNH  (09/01/2013)
Tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Lễ hội Chợ Gò  (07/01/2013)