Trước đây, chỉ với bộ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, tên tuổi của ông Tú ở làng Nhơn Ân (Tuy Phước) đã vang lừng trong giới tuồng cả nước. Nhiều học giả đương thời đã coi “Ngũ hổ bình Liêu” là một “kỳ thư” sân khấu, có giá trị rất cao về nhân văn và nghệ thuật, một trong những vở tuồng hấp dẫn nhất đối với công chúng, đầu tiên là ở miền Trung và Nam Bộ, sau này là cả nước. Tôi đọc “Ngũ hổ bình Liêu” và hiểu được tại sao vở tuồng này qua cả trăm năm hiện diện trên sân khấu vẫn luôn tươi mới. Chính sức sống của mối tình Trại Ba - Địch Thanh - mối tình vô hiệu hóa mọi hận thù, mọi định kiến về chủng tộc, mọi ngăn cách của không gian, thời gian - đã làm nên sức sống kỳ diệu của vở tuồng này.
Chỉ cần là tác giả của một “Ngũ hổ bình Liêu” bất hủ, Nguyễn Diêu đã xứng đáng được đương thời và hậu thế tôn vinh. Nhưng, Nguyễn Diêu không chỉ có “Ngũ hổ bình Liêu”. Nhờ nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, chúng ta được biết ông chắc chắn còn là tác giả của một vở tuồng tuyệt tác khác, vở “Tiết Giao đoạt ngọc” (còn gọi là “Võ Tam Tư chém cáo” hay “Cổ miếu vãn ca”) lâu nay vẫn tồn nghi là của một tác giả khuyết danh hay của Đào Tấn.
Tôi từng được xem trích đoạn “Nguyệt Cô hóa cáo”, bây giờ được đọc toàn bộ kịch bản vở tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc” và rất thống nhất với nhận định của nhiều học giả và văn nghệ sĩ rằng tác phẩm này của Nguyễn Diêu là một đỉnh cao đáng tự hào của nghệ thuật tuồng. Điểm đặc biệt nổi bật của “Tiết Giao đoạt ngọc” là sức ám ảnh lớn lao từ tấn bi kịch Nguyệt Cô cùng tính hiện đại của những triết lý nhân sinh sâu sắc mà tác phẩm đưa đến cho người xem.
Các nhà nghiên cứu về tuồng cho biết, Nguyễn Diêu còn có một số vở tuồng khác còn chưa sưu tầm lại được. Dù vậy, tác giả của các vở tuồng được coi là các tuyệt tác sống mãi với thời gian và những cách tân nghệ thuật tiên phong đó đã rất xứng đáng được gọi là “một nhân tài nghệ thuật đặc biệt” như người học trò thiên tài Đào Tấn của mình. Nguyễn Diêu càng đặc biệt hơn khi đã là một nghiệp sư đào tạo nên bao nghệ sĩ tuồng tài danh không ngừng tiếp nối mình đưa tuồng tới những đỉnh cao mới.
Một điều thật đáng quý ở nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu là gần như trọn đời ông sống ở quê trong một cuộc sống thanh bần, giữa thế đời điên đảo, “lấy việc dạy học trò làm niềm vui, lẽ sống, lấy bà con hàng xóm làm nguồn an ủi, lấy tao nhân mặc khách quanh vùng làm bầu bạn, và làm văn chương vì tin rằng văn chương là phép lạ có thể phò chính trừ tà, cứu giúp con người trong mọi hoàn cảnh”, như nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Di sản của Nguyễn Diêu để lại cho chúng ta không chỉ là những sáng tạo tuồng tuyệt tác mà còn là một cách sống, cách làm nghệ thuật thật dung dị khiêm nhường. Bằng cuộc đời và sự nghiệp thầm lặng mà quang vinh của mình, nhà soạn tuồng của đất tuồng Bình Định dường như muốn nói với những người hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay rằng: dù sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu gắn bó tha thiết với cuộc đời, trân trọng yêu thương và thấu hiểu con người, có tài năng, tin vào các giá trị tốt đẹp của văn chương nghệ thuật, kiên trì lao động sáng tạo, đều có thể làm nên một sự nghiệp nghệ thuật xứng đáng.
Chúng ta đã từng nói đến tầm vóc Nguyễn Trãi, tầm vóc Nguyễn Du, tầm vóc Đào Tấn và bây giờ cần nói đến tầm vóc Nguyễn Diêu. Đó là tầm vóc của những nhà hoạt động văn chương nghệ thuật lớn không những của dân tộc mà còn của cả nhân loại.
|