Những năm gần đây, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc thưa vắng trong các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở; bởi nghệ nhân ngày càng ít đi, trong khi người trẻ lại không mấy mặn mà. Trước thực trạng này, ngành văn hóa huyện Hoài Ân đã có nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy văn nghệ dân gian.
|
Tiết mục “Tặng hoa” của Đội Văn nghệ quần chúng Người cao tuổi thị trấn Tăng Bạt Hổ.
|
Đinh Mí Khơn, một nghệ nhân tâm huyết có công truyền dạy hát dân ca, đánh đàn Pơ lơn khơn cho thế hệ trẻ trong làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, trăn trở: “Nội lực của văn hóa dân gian là ở sự lưu truyền và gìn giữ của nhiều thế hệ kế tiếp. Nhưng, lớp trẻ ngày nay không ít mặn mà với văn hóa dân gian. Ngay đến đàn Pơ lơn khơn, tìm được một vài em ham thích để chỉ dạy còn khó”.
Tình trạng mai một các làn diệu dân ca, nhạc cụ dân tộc trong đời sống tinh thần của người dân được biểu hiện rõ nét. Anh Hồ Việt Quốc, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện, chia sẻ: “Năm 2012, tỉnh tổ chức liên hoan đàn và hát dân ca, Hoài Ân không tham gia được vì không đủ người để xây dựng chương trình”.
Trước thực trạng này, để bảo tồn loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương, ngành Văn hóa huyện đã có nhiều nỗ lực đề ra những giải pháp, tổ chức các hoạt động khuyến khích địa phương, đơn vị lồng ghép loại hình hát dân ca, múa dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các hoạt động lễ hội, văn nghệ quần chúng. Qua đó, đã ghi nhận được những kết quả bước đầu.
Sôi nổi nhất phải kể đến ngành GD&ĐT huyện, sau thời gian phát động đã tổ chức thành công Liên hoan hát dân ca, với sự tham gia của nhiều giáo viên và học sinh. Hội LHPN huyện thành lập Câu lạc bộ phụ nữ hát dân ca ở cấp thôn. Phía địa phương, xã Ân Tường Đông tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, trong đó hát dân ca chiếm 60% số tiết mục biểu diễn.
|
Liên hoan hát dân ca của Trường Tiểu học Tăng Bạt Hổ tổ chức năm 2012.
|
Trong khi đó, cấp huyện cố gắng duy trì tổ chức Liên hoan đàn, hát dân ca, tổ chức sưu tầm khai thác các bài dân ca cổ, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong vùng biết hát, múa dân ca dân vũ... Ngoài ra, trong các hội thi, hội diễn cấp huyện luôn có yêu cầu tiết mục hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; đồng thời có giải thưởng dành riêng cho cá nhân, tập thể xây dựng chương trình hát dân ca hay. 3 năm gần đây, khi tổ chức liên hoan làng văn hóa, đơn vị văn hóa, chương trình văn nghệ luôn có các làn điệu dân ca, múa hát dân gian của từng địa phương. Trong các lần tổ chức Ngày hội VH-TT các xã đồng bào vùng cao, nội dung hát dân ca Bana, dân ca H’re, múa xoang, biểu diễn nhạc cụ dân tộc chiếm 90% chương trình văn nghệ của từng đơn vị.
Những nỗ lực ấy đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều giọng ca hát dân ca mượt mà làm xao xuyến người nghe; nhiều cá nhân viết lời mới, xây dựng kịch hát dân ca cũng được ghi nhận và phát triển từ đây. Việc làm của ngành Văn hóa huyện trong những năm qua đã góp phần thổi luồng sinh khí mới nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống vốn có của địa phương.
Có tiềm năng, tiềm lực, nhưng để phát huy hơn nữa thì cần lắm sự chung tay vào cuộc của nhiều cấp, ngành trong tổ chức sưu tầm, lưu giữ và khai thác tốt các hoạt động múa hát dân gian ở từng địa phương, cũng như việc hỗ trợ các nghệ nhân có tâm huyết trong truyền dạy cho thế hệ trẻ. Có vậy các điệu lý câu hò mới được thăng hoa, vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại không bị mai một.
|