Nhạc công “chạy sô” mùa cưới
21:12', 19/1/ 2013 (GMT+7)

Ðang là cao điểm mùa cưới, nên lực lượng nhạc công cũng tất bật chạy sô nhiều nơi. Ðến đám cưới, nhạc công thường ngồi lẩn khuất một bên sân khấu, nhưng khi họ chơi nhạc thì cả hội trường tiệc cưới bừng lên không khí rộn ràng, tươi vui mừng hạnh phúc.

 

Nhạc công thường ngồi ở khuất cánh gà sân khấu, nhưng khi họ chơi nhạc thì cả hội trường tổ chức tiệc cưới bừng lên không khí rộn ràng, tươi vui.

Mướt mồ hôi “chạy sô”

Những năm gần đây, ở TP Quy Nhơn, xu hướng tổ chức đám cưới vào “ngày đẹp” càng nhiều. Nhiều khách sạn, nhà hàng với dịch vụ tiệc cưới mới ra đời đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một số đám cưới được tổ chức ở nhà cũng thuê dàn nhạc đến góp vui. Có bầu sô trong một ngày nhận đến 4 đám cưới vào buổi trưa và 10 đám cưới vào buổi tối ở các khách sạn. Vì thế, có đám cưới ở một khách sạn, mới đầu có hai nhạc công, sau chỉ còn người chơi organ. Khách dự tiệc vào nhà vệ sinh, mới thấy người nhạc công chơi đàn ghi ta (có lẽ quá mệt do chạy nhiều sô) nằm ngủ ngon lành trên dãy bàn ghế kê cạnh đó.

Lực lượng nhạc công chơi đàn organ ở Quy Nhơn khá nhiều, nhưng cũng thiếu trước hụt sau trong những ngày có nhiều đám cưới. Ngoài lực lượng nhạc công nòng cốt có thâm niên, các bầu sô còn phải mời thêm những nhạc công trẻ mới tốt nghiệp, hoặc đang còn học tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Đồng thời “chữa cháy” bằng cả nhạc công ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn.

Nhạc công Đỗ Anh Bình cho biết: “Dàn nhạc chúng tôi chơi đám cưới ngoài tôi thổi kèn saxophone, còn hai nhạc công nữa chơi đàn ghi ta và organ. Những “ngày đẹp” có quá nhiều đám cưới, tôi nhờ người thân ở huyện Tây Sơn xuống chơi giúp một số đám. Các nhạc công chơi chung trong dàn nhạc quen rồi, nhưng có những lúc phải chia ra để hỗ trợ cho các nhạc công trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật”.

Nhiều khách dự tiệc cưới ở Quy Nhơn Plaza, Khách sạn Thanh Bình ngạc nhiên khi thấy có nhạc công nữ chơi đàn organ khá bài bản. Đó chính là nhạc công Đỗ Thị Hồng Thuận - cháu ruột nhạc công Đỗ Anh Bình. Hồng Thuận chia sẻ: “Gia đình tôi có dàn nhạc chuyên chơi đám cưới ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Các đám cưới ở quê thường đãi tiệc vào ban ngày, nên có chơi nhiều suất thì buổi tối cũng có thể thu xếp xuống Quy Nhơn giúp chú Bình”.   

 
Nhạc công phải chơi nhạc theo kiểu “làm dâu trăm họ” để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hát đám cưới.

“Làm dâu trăm họ”

Nhạc công Ngọc Anh cho biết: “Các ca sĩ hát mở màn đám cưới thường có yêu cầu cao đối với nhạc công. Thấy nhạc công lạ, có tay nghề không cao, là ca sĩ dùng đĩa nhạc nền mang theo để hát chứ không để nhạc công đệm nhạc. Đánh nhạc đám cưới tuy nhiều kiểu nhưng không khó”.

Với người có thâm niên và chơi đàn organ vào loại hay nhất ở TP Quy Nhơn như nhạc công Ngọc Anh thì việc chơi nhạc đám cưới là dễ. Nhưng, những nhạc công khác thì gặp nhiều chuyện khó khi phải chơi nhạc theo kiểu “làm dâu trăm họ”. Nhạc công Đỗ Anh Bình tâm sự: “Người hát đám cưới góp vui hay có, dở có thì cũng chẳng ai trách. Nhưng, nhạc công chơi nhạc không đáp ứng yêu cầu thì bị khách và chủ la phiền đủ thứ”.

Lắm khi, nhạc công phải đương đầu với những “tác phẩm lạ” vì khách hát đủ thứ nhạc, từ những bài thập niên 60 đến nhạc trẻ, ngẫu hứng còn hát chèo, cải lương, ngâm thơ… Điều này đòi hỏi người nhạc công chơi nhạc đám cưới phải có sự đầu tư, tìm hiểu đủ thể loại nhạc để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách”.  

Nhiều nhạc công đám cưới chia sẻ có khách dự tiệc độ cảm âm không tốt, lên sân khấu hát theo kiểu “trên trời dưới vực”. Chuyện nhạc công “đuối” với khách chuyển giọng liên tục trong một bài hát cũng rất bình thường. Nhiều người thường biết hát nhờ karaoke, nên khi lên hát đám cưới cũng yêu cầu nhạc công phải đánh đoạn nhạc dạo đầu y như karaoke.

Nhờ các loại đàn organ hiện đại có kết nối được nhạc lưu trữ từ USB, rồi chỉnh lại được độ cao, thấp, nhanh, chậm của bài nhạc đó, các nhạc công đám cưới đã linh động tải nhiều ca khúc phổ biến trên mạng vào USB, khi khách hát bài nào thì dò tìm bài đó, rồi phối, đệm thêm. Vậy nên mới có chuyện khi khách đăng kí hát bài nào không có sẵn thì nhạc công yêu cầu đổi bài khác; gặp khách khó tính nhăn nhó, họ cũng đành ngồi im chịu trận.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đặng Thái Sơn - một người Việt lớn  (19/01/2013)
Kỷ lục Việt Nam: Biển đảo là sự kiện quan trọng nhất  (19/01/2013)
Xây dựng khu bảo tồn đường Hồ Chí Minh trên biển  (18/01/2013)
Hoài Ân: Nỗ lực gìn giữ và phát huy văn nghệ dân gian  (17/01/2013)
"Thành phố đi vắng" nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012  (17/01/2013)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (16/01/2013)
Rộn ràng chuẩn bị chương trình Tết  (16/01/2013)
Cái mới của người anh hùng trong tuồng Đào Tấn  (16/01/2013)
Kim Hồng nhận danh hiệu "Đệ nhất Hoa hậu quý bà thế giới"  (15/01/2013)
Chuyện từ “chiếc đòn khiêng võng”  (15/01/2013)
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật có thêm nhiều thuận lợi  (14/01/2013)
Hương Tràm đoạt ngôi quán quân Giọng hát Việt 2012  (14/01/2013)
Tặng quà cho 3 xã và 613 gia đình văn hóa  (13/01/2013)
Họ “nhìn” và “đi” bằng âm nhạc  (13/01/2013)
Quê hương qua từng bức ảnh  (12/01/2013)