Trần Thế Nhân đã thành công với những kịch bản văn học và kịch bản sân khấu quần chúng. Mới đây, anh ra mắt tập kịch bản văn học “Lời ru chia đôi” với thông điệp về những mặt sáng, tối của số phận con người trong cuộc sống.
Trần Thế Nhân sinh năm 1955 ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, là cháu ruột nhạc sĩ nổi tiếng Trần Hữu Pháp. Năm 1978, về công tác tại Phòng VH-TT huyện Hoài Ân, Trần Thế Nhân tham gia biên tập, làm diễn viên rồi mày mò viết kịch xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở…
|
Trần Thế Nhân đang xem lại tập kịch bản văn học “Lời ru chia đôi” vừa xuất bản. |
Dù đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Trung tâm VH-TT-TT huyện, Trần Thế Nhân vẫn tích cực sáng tác và dàn dựng kịch sân khấu quần chúng. Anh luôn trăn trở với những mảng đề tài xã hội đương đại. Tác phẩm của anh đã đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác kịch bản, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, như: kịch bản văn học “Suối trắng” đạt giải Nhất kịch bản văn học (đã chuyển thể kịch dân ca) năm 1982; kịch bản văn học “Niềm tin” đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) năm 1985; thanh xướng kịch “Làng Hok Điều năm ấy” (cộng tác với các tác giả khác) đoạt giải Đặc biệt năm 1997.
Gần đây, Trần Thế Nhân chuyên trị kịch bản thông tin để phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Anh ra mắt tập kịch bản văn học “Lời ru chia đôi” (NXB Đà Nẵng), bao gồm ba kịch bản: Lời ru chia đôi, Niềm tin, Đâu phải chuyện bất ngờ. Nội dung của các kịch bản này đều thể hiện đậm chất nhân văn, các tính cách, những mâu thuẫn tạo xung đột kịch bất ngờ, lời thoại sâu sắc và gần gũi, mộc mạc nhưng giàu chất triết lý về cuộc đời.
Ba chủ đề phản ánh trong tập kịch bản “Lời ru chia đôi” tuy có khác nhau, nhưng cái chung nhất vẫn là đấu tranh đến cùng với những tiêu cực trong xã hội, đề cao những phẩm giá tốt đẹp, đánh thức những ai nhận thức còn hẹp hòi trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên. Và, ở phương diện phản ánh nào, sự đấu tranh cho công bằng, lý tưởng cao đẹp đều rất khó khăn, nhưng cuối cùng sẽ chiến thắng.
Trần Thế Nhân tâm sự: “Xã hội hiện nay có nhiều đề tài để khai thác thành kịch bản, nhưng chọn đề tài phản ánh được cuộc sống hiện thực một cách khách quan, sâu sắc là điều tôi tâm đắc”.
|