Quá trình cộng cư lâu đời trên đất Vân Canh đã hình thành nên sự gắn bó mật thiết giữa cộng đồng các dân tộc. Sự gắn bó ấy tạo nên bức tranh văn hóa hài hòa, độc đáo, bởi cái riêng trong văn hóa của từng dân tộc vẫn được giữ gìn và phát huy.
Đa dạng sắc tộc
Ngày xưa, mỗi dân tộc Chăm H’roi và Bana có một khu vực cư trú riêng trải dài trên địa bàn huyện Vân Canh. Về sau, người Bana xuống núi sống cận cư, cộng cư cùng người Chăm H’roi, nương tựa với nhau làm ăn. Giao lưu văn hóa Chăm - Bana diễn ra lâu dài trên nhiều phương diện của đời sống, trong đó có sự kết hợp trong hôn nhân. Những gia đình chồng Chăm vợ Bana và ngược lại ngày càng phổ biến ở các làng dân tộc tại Vân Canh. Từ đó, số người nói được tiếng nói của cả hai dân tộc ngày càng nhiều.
|
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại làng Hà Lũy có các dân tộc khác nhau cùng tham gia. |
Làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, có thành phần dân tộc đa dạng nhất ở Vân Canh nói riêng và cả tỉnh nói chung. Trong 120 hộ gia đình của làng có 16 hộ đồng bào người Chăm, 7 hộ người Thái, 3 hộ người Kinh, còn lại phần lớn là các hộ người Bana. Theo thống kê, có đến gần 1/3 số hộ gia đình trong làng Hà Lũy là các cặp vợ chồng Bana - Chăm, 6 cặp vợ chồng Bana - Thái, 2 cặp vợ chồng người Kinh - Bana. Vì vậy, dân làng Hà Lũy cũng biết nhiều ngôn ngữ nhất so với các làng đồng bào dân tộc khác.
Chị Đinh Thị Hương, người Bana có chồng dân tộc Thái ở làng Hà Lũy, chia sẻ: “Khi yêu nhau, chúng tôi thường giao tiếp bằng tiếng phổ thông của người Kinh, nhưng lấy nhau rồi thì biết nhiều hơn về ngôn ngữ, phong tục của nhau để sống cho hòa hợp. Con gái nhỏ 4 tuổi của tôi nói được tiếng Bana, Chăm, Kinh, còn con trai lớn 14 tuổi thì thông thạo thêm tiếng Thái của cha. Nhiều lúc vợ chồng muốn nói chuyện gì bí mật trước mặt con trai cũng không được, vì nói tiếng gì nó cũng biết hết!”.
Giữ gìn bản sắc
Làng Kà Xim, xã Canh Thuận, là làng dân tộc có số hộ gia đình đông nhất huyện Vân Canh với 206 hộ thuộc 3 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 120 hộ người Chăm H’roi, 80 hộ người Bana, 6 hộ người Kinh. Ông Sâu Zuôn Nam, Bí thư chi bộ làng Kà Xim, cho biết: “Dân làng thuộc nhiều dân tộc, nhưng có tinh thần đoàn kết rất cao. Cũng nhờ biết được tiếng nói nên hiểu được văn hóa của nhau, ngày càng gần gũi nhau hơn. Đó cũng là một trong những lý do để từ năm 2004 đến nay, làng chúng tôi luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp huyện”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Ðịnh, nhận xét: “Sự đan xen dần trong cư trú, sự nhích lại gần nhau trong đời sống hằng ngày không dẫn đến tình trạng đồng hóa. Ngược lại, mỗi dân tộc ở Vân Canh vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình. Ðây là trạng thái tiếp xúc, giao lưu trên tinh thần bình đẳng, tương trợ lẫn nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc anh em”. |
Còn làng Hà Lũy không chỉ được công nhận danh hiệu Làng văn hóa từ năm 2005, mà còn là làng văn hóa tiêu biểu xuất sắc trong toàn tỉnh giai đoạn 2007-2011, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Người dân Hà Lũy luôn đồng lòng, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống.
Cụ Lương Văn Tủ, 76 tuổi, ở làng Hà Lũy, tâm sự: “Từ năm 1990, các hộ gia đình dân tộc Thái từ Thanh Hóa bắt đầu chuyển vào làng Hà Lũy sinh sống, nhận được sự quan tâm đùm bọc của các dân tộc anh em. Biết được điều đó, năm 2000, gia đình tôi và vài người trong dòng họ cũng xin chuyển vào đây lập nghiệp. Khi mới đến, đời sống còn khó khăn, dân làng đã thương yêu, tạo điều kiện có việc làm, ủng hộ gạo, mì… giúp chúng tôi trong suốt năm đầu tiên”.
Tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc ở Vân Canh càng thêm tươi đẹp khi sự gắn bó, hòa hợp không phá vỡ bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. “Trong ngày hội Đại đoàn kết dân tộc hằng năm, làng đều tạo điều kiện để các hộ gia đình dân tộc Thái có cơ hội thể hiện bản sắc truyền thống như múa sạp, múa xòe. Khi diễn tấu cồng chiêng trong ngày hội, bộ chiêng của người Bana thường có 12 chiếc, còn bộ chiêng của người Chăm H’roi chỉ có 5 chiếc, nên điệu chiêng của dân tộc nào thì đánh đúng bộ chiêng ấy chứ không lẫn lộn…”, anh Mai Văn Bình, Trưởng làng Hà Lũy, cho biết.
|