Sau một hành trình dài 10 năm, đạo diễn Lê Phong Lan đã hoàn thành 12 tập phim tài liệu “Mậu Thân 1968” với rất nhiều công phu, tâm huyết. Phim sẽ lên sóng VTV1 từ 20 giờ 5 phút ngày 25.1.
Đạo diễn Lê Phong Lan - người đã miệt mài với đề tài về sự kiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 suốt một thập kỷ nay cho biết: “Khi tôi làm phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông đã bảo tôi: “Cháu phải làm phim về Mậu Thân 1968 vì đó là sự hy sinh vô cùng lớn lao để giành thắng lợi năm 1975, không hiểu tại sao mọi người có nói đó là vấn đề nhạy cảm của lịch sử, nhưng thực ra không có một chút gì nhạy cảm hết”.
|
Đạo diễn Phong Lan và nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow- một nhân chứng trong phim “Mậu Thân 1968”. |
Nữ đạo diễn tâm sự, chị thấy trên mạng có quá nhiều thông tin sai lệch về sự kiện lịch sử này, tới nỗi các thế hệ sinh sau 1975 không còn biết đâu là thông tin sai, đâu là thông tin đúng vì vậy lại càng quyết tâm để làm phim. Trong suốt 10 năm, chị đã đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, đã gặp và phỏng vấn khoảng 200 nhân chứng cả phía ta, phía Mỹ và phía chính quyền Việt Nam cộng hòa để đi tìm sự thật.
Phong Lan nói: “Vì sao mọi người phía ta tránh nhắc đến Mậu Thân, đó là vì sự tổn thất của quân đội nhân dân Việt Nam ở sự kiện này quá nhiều. Tâm sự với tôi khi trả lời phỏng vấn, nhiều chỉ huy các sư đoàn dạn dày chiến trận còn khóc nức lên vì thương lính. Đó là lý do duy nhất”.
Trong khi sự kiện này một thời gian dài bị tránh nhắc tới, hai cuộc hội thảo kỷ niệm 30 năm và 40 năm cuộc tổng tấn công Mậu Thân chỉ có các bài phát biểu, chưa ai đi sâu, tìm hiểu và lý giải kỹ lưỡng về mọi góc cạnh của sự kiện này thì đạo diễn Phong Lan quyết tâm làm việc đó. Chị nói, nhiều người đã dựa vào cuốn sách “Vành khăn xô cho Huế” của tác giả Nhã Ca để dựng nên những chuyện vô cùng sai lệch về Mậu Thân 1968, làm oan uổng cho rất nhiều người.
Trong cuốn sách đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị vu oan là dẫn đầu một cánh quân đi thảm sát các nhân viên công quyền và người dân Huế, thực tế, trong thời điểm ấy, ông Tường vẫn ở trên chiến khu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng chịu một nỗi oan tương tự, ông chỉ dẫn đầu một toán học sinh, sinh viên nhưng Nhã Ca cũng viết ông dẫn quân đi thảm sát. Tất cả các nhân chứng mà đạo diễn Phong Lan gặp, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định không có một vụ thảm sát nào. Các nhà báo quốc tế yêu cầu được tiếp cận với những hố chôn người tập thể như cáo buộc của chính quyền Việt Nam cộng hòa nhưng họ cũng bị từ chối. Một nhân chứng đạo diễn Phong Lan đã gặp và phỏng vấn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát.
Trong 12 tập phim sẽ được phát sóng trên VTV1 vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp tới, khán giả sẽ được gặp gỡ những chứng nhân của lịch qua từng tập phim là những câu chuyện riêng biệt. Bộ phim bắt đầu từ việc đi tìm câu trả lời tại sao Mỹ- một cường quốc với tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật lớn gấp 800 lần VN lại can dự vào công việc nội bộ của một quốc gia nhỏ bé lạc hậu ở cách xa nửa vòng trái đất. Tiếp đến là hành trình lật lại hồ sơ tư liệu về một kế hoạch tuyệt mật đã không được thực hiện từ thời chiến lược chiến tranh đặc biệt, đồng thời lý giải vì sao thời cơ chiến lược lại rơi đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968.
Đạo diễn Phong Lan cho biết: “Tôi chỉ muốn tìm hiểu và đưa đến cho mọi người một cái nhìn minh bạch, rõ ràng dưới ánh mặt trời những thông tin liên quan đến sự kiện Mậu Thân 1968, vì lịch sử là tương lai của bản thân tôi. Nếu tôi hiểu cha mẹ tôi, gia tộc tôi, những người liên quan đến tôi thì tôi sẽ có bệ phóng vững chắc để đi vào tương lai. Tìm hiểu để thấy ông cha tôi vĩ đại vô cùng, họ đã nguyện hiến dâng cả gia sản, cả tính mạng bản thân, cả gia đình, tất cả để giữ cho bằng được độc lập tự do của dân tộc. Có người hỏi tôi làm phim tài liệu lịch sử có công bằng không, tôi xin trả lời, tôi phải công bằng vì đó là nghề nghiệp, là thanh danh của tôi, tôi đặt tinh thần độc lập thống nhất và hòa hợp dân tộc của tôi lên hàng đầu”.
Khó có thể nói những vất vả mà chị đã trải qua trong suốt một thập kỷ qua để làm nên “Mậu Thân 1968”, chị có hai đồng sự đắc lực nhất là em trai- một phóng viên của VTV tại Đà Nẵng và chồng- một tiến sĩ khoa học từ Nga về. Em trai chị đã tháp tùng chị đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để quay phim, còn chồng chị, anh giúp chị kiểm chứng, đối chất thông tin được cung cấp từ nhiều phía để tìm ra 1 sự thật duy nhất. Người phụ nữ say mê lịch sử này cho biết: “Những khó khăn và tốn kém để làm nên “Mậu Thân 1968” này khó ai có thể bù đắp nổi cho tôi, nếu có ai đó trả cho tôi 1 tỷ/tập phim, tôi sẽ phải làm tới 50 tập để nói ra hết những gì tôi đã có trong tay”.
Sau 45 năm, một độ lùi thỏa đáng để nhìn nhận lại sự kiện lịch sử oai hùng nhưng cũng không ít đau thương này, Phong Lan cho biết chị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác tư liệu hình ảnh, trong khi phía đối phương thì có rất nhiều, phía quân đội ta hầu như không có gì hết, trận Lam Sơn 179 không có một phóng viên nào của phía ta vào quay phim hay chụp ảnh, để giúp cho người xem hôm nay có một cái nhìn về tương quan lực lượng giữa hai bên, chị đã phải huy động hết mọi nguồn để tránh cảnh phải làm phim từ hai bàn tay trắng.
Ông Nguyễn Hà Nam- Trưởng Ban thư ký biên tập của VTV cho biết: “Hướng ưu tiên tới đây của VTV là sẽ đầu tư cho những bộ phim tài liệu truyền hình dài tập, với dạng phim này, chúng tôi không đặt nặng doanh thu trong khi đầu tư là rất tốn kém. Nguồn kinh phí sẽ lấy từ doanh thu quảng cáo trong các chương trình giải trí để đưa sang, vì vậy rất mong khán giả thông cảm cho việc có những chương trình ăn khách thì sao phải xem quảng cáo nhiều thế. Tôi xin phép được bí mật về con số đầu tư cho mỗi tập phim “Mậu Thân 1968”, mặc dù rất cao, cao hơn một tập phim truyện nhưng cũng chưa đủ bù đắp chi phí cho nhà sản xuất. Cá nhân tôi thấy, đây là bộ phim tài liệu mà khi đã xem, tôi bị cuốn hút tới mức không thể dứt ra được”.
Phim “Mậu Thân 1968” sẽ được phát liên tục trên VTV1 vào các ngày từ 25.1 đến 1.2, sau đó, từ ngày mùng 5 Tết, phim sẽ được phát tiếp các tập còn lại.
. Theo Dân Việt |