Tết năm nay, lần đầu tiên nhiều địa phương trong tỉnh cùng tổ chức hội đánh bài chòi cổ. Hoạt động này vừa mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của quê hương Bình Định, vừa góp thêm sắc màu tươi vui, rộn ràng của bức tranh ngày xuân.
|
Các cán bộ, nghệ nhân bài chòi huyện Tuy Phước tham gia thi đánh bài chòi cổ dân gian trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển tỉnh năm 2012.
|
Thêm rộn ràng sắc xuân
Tại các lễ hội lớn như Lễ hội Kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông- Dương Liễu, đều có sự góp mặt của hội đánh bài chòi cổ.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Tết 2011, Lễ hội Chợ Gò rộn ràng với hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, được người dân hưởng ứng nồng nhiệt. Năm nay, UBND huyện đã cấp 63 triệu đồng để tổ chức dựng 9 chòi tre, cùng các đạo cụ khác tiếp tục tổ chức hội đánh bài chòi cổ tại lễ hội này”.
Theo kế hoạch, Tết năm nay, người dân Quy Nhơn có thêm nhiều cơ hội để tham gia vào hội đánh bài chòi cổ. Ngoài hội đánh bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phố tổ chức ở trung tâm thành phố, ở xã đảo Nhơn Châu và xã bán đảo Nhơn Hải cũng sẽ rộn ràng hội cho người dân vui xuân.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn, cho biết: “Tết năm ngoái, dự tính ban đầu hội bài chòi cổ chỉ tổ chức từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, nhưng cuối cùng kéo dài đến tận mùng 10 để phục vụ khách chơi xuân. Vì thế, năm nay, hội đánh bài chòi cổ dự kiến sẽ liên tục diễn ra từ mùng 2 đến mùng 10”.
|
Tết này, nghệ nhân Minh Đức (người bên phải) và biên đạo Hoàng Việt sẽ biểu diễn các trích đoạn bài chòi cổ trong hội đánh bài chòi cổ ở TP Quy Nhơn.
|
Tích cực chuẩn bị
Nằm trong các hoạt động của Lễ hội Kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, hội đánh bài chòi cổ do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) sẽ diễn ra vào mùng 4 và mùng 5 Tết. Lực lượng tham gia hội là sự kết hợp giữa các nghệ nhân với một số cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật, phục vụ tốt đông đảo người dân và du khách về vui hội Đống Đa.
“Tôi rất vui khi dịp Tết này có nhiều địa phương quan tâm tổ chức hội đánh bài chòi cổ. Dù đã lớn tuổi, nhưng tôi luôn sẵn lòng tham gia các ngày hội để góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý báu của ông cha”.
Nghệ nhân MINH ĐỨC |
Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn cũng đang tích cực chuẩn bị cho hội đánh bài chòi sẽ diễn ra trong thời gian dài. Biên đạo Hoàng Việt, cán bộ của Trung tâm, cho biết: “Ngoài hai cán bộ của Trung tâm, chúng tôi còn mời thêm một số cộng tác viên là nghệ nhân ở các huyện và những người hát bài chòi hay ở Quy Nhơn. Tôi và nghệ nhân Minh Đức cũng luyện tập các trích đoạn bài chòi cổ như “Cao Quân Bảo phá chiêu bài”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Từ quan cao trâm”… để biểu diễn lấp đầy thời gian nghỉ giải lao giữa các lần đánh”.
Việc chuẩn bị ở các địa phương lần đầu tổ chức hội đánh bài chòi cổ cũng đang được tiến hành với nhiều nỗ lực. Anh Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, cho biết: “Nhiều nghệ nhân nhiệt tình tham gia hội đánh bài chòi cổ ngày xuân, trong đó nòng cốt là vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu. Các chòi đã được làm xong, hiện chúng tôi đang tích cực tập luyện để trước ngày 25 tháng Chạp có buổi biểu diễn báo cáo”.
Còn ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Phù Mỹ, chia sẻ: “Huyện cấp kinh phí để tổ chức Lễ hội Kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có hội đánh bài chòi cổ. Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi kinh phí dựng các chòi rất tốn kém. Nhưng, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Vinh, ở xã Mỹ Hòa, không chỉ làm Hiệu chính trong hội đánh bài chòi cổ, mà còn nhận lời lo việc dựng chòi nên có thể đảm bảo các yêu cầu tổ chức ngày hội trong dịp Tết này”.
|