Nghệ nhân Đinh Giêng:
Réo rắt tiếng đàn giữa đại ngàn
19:56', 30/1/ 2013 (GMT+7)

Vượt qua hơn 30 km đường đèo, về với thượng nguồn sông Côn, tôi được lắng mình trong những thanh âm của đại ngàn từ ngón đàn của nghệ nhân Đinh Giêng (làng Đăk Tra), một gương mặt ấn tượng tại Lễ hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) năm 2012.

Làng Đăk Tra mùa này chìm trong sương mù và bị bủa vây bởi cái lạnh mướt. Thế nhưng, khi những âm thanh dìu dặt, lúc xa lúc gần, khi dồn dập, khi sâu lắng vang lên trong mái nhà sàn của người nghệ nhân ấy, không khí như được đốt lên, ấm áp và thân tình. Đôi bàn tay lao động có phần thô ráp, sạm đen kia chợt uyển chuyển, mềm mại trên từng sợi dây đàn, từng “phím” gỗ. Thi thoảng, đang khảy đàn, ông chợt ngừng lại, dõi mắt ra xa như thể tìm kiếm, hồi tưởng về điều gì. Để rồi ngay sau đó, tiếng đàn Đinh Giêng lại càng réo rắt, trầm bổng tựa tiếng của trăm năm, của đại ngàn xưa vọng về.

 

Nghệ nhân Đinh Giêng biểu diễn đàn pơlơkhơng tại Lễ hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim năm 2012.

Đinh Giêng học sử dụng các nhạc cụ truyền thống từ các nghệ nhân trong làng từ khi còn niên thiếu. Ông chăm chỉ, miệt mài luyện tập bởi theo lời cha dặn “cái hay, độc đáo của mình thì phải biết, phải giỏi và phải giữ”. Và tự lúc nào, ông Giêng trở thành người duy nhất của làng Đăk Tra am hiểu sâu sắc về cồng chiêng, đàn pơ răng, pơ ró, pơlơkhơng, t’rưng. “Trong các lễ hội của làng, các hội thi làng tham gia, ông Giêng là người hướng dẫn cho bà con tập luyện, là người đệm đàn cho các tiết mục hát, múa và cũng là người độc tấu các loại nhạc cụ truyền thống xuất sắc nhất của làng”, ông Đinh Văn Vinh, cán bộ Mặt trận làng Đăk Tra, cho biết vậy.

Tại Lễ hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim năm 2012 vừa qua, ông Đinh Giêng một lần nữa khẳng định vị trí “cây đa cây đề” khi mang về giải Nhất độc tấu đàn pơlơkhơng “Đuổi chim sẻ ăn lúa”, giải Nhất diễn tấu cồng chiêng, góp phần làm nên giải Nhất toàn đoàn cho làng Đăk Tra. Trên sân khấu, người nghệ nhân có mái tóc bồng bềnh và đôi mắt biết cười ấy rất “phiêu” trong phong cách biểu diễn, đưa người nghe, người xem chìm vào những giai điệu đã gắn liền với nhịp sinh hoạt, lao động của ông cha một thời.

Ở cái tuổi 57, nghệ nhân Đinh Giêng dành hẳn một khoảng thời gian để tập luyện cồng chiêng cho thanh thiếu niên trong làng mỗi tháng sau những giờ tất bật cùng nương rẫy. Lúc rảnh rỗi, ông lại tỉ mẩn “chăm sóc” nhạc cụ. Cứ mỗi lần nâng niu từng nhạc cụ trong tay như thế, ông lại không nguôi trăn trở về việc người trẻ ngày một “nhạt” dần, xa dần với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người thưởng lãm làm “giám khảo”  (30/01/2013)
"Huyền thoại bong bóng" sẽ biểu diễn mừng Xuân  (30/01/2013)
Khai mạc Hội báo Xuân Quý Tỵ 2013  (29/01/2013)
Nụ cười của cô gái chết trẻ năm 13 tuổi bí hiểm hơn cả Mona Lisa  (29/01/2013)
Phạm Thiên Thư nhớ Phạm Duy   (29/01/2013)
Trung tâm tiệc cưới lấn át khu văn hóa  (28/01/2013)
Chung tình yêu với dân ca  (28/01/2013)
Một điểm đến giàu ý nghĩa  (28/01/2013)
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời chiều 27.1  (28/01/2013)
Đề nghị sử thi Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới  (27/01/2013)
Tỏ lòng chiều cuối năm  (26/01/2013)
Vui Xuân với hội bài chòi  (26/01/2013)
Người đẹp Việt vào chung kết hoa hậu Czech  (26/01/2013)
Tết này, đưa nhạc Flamenco ra phố  (24/01/2013)
Tiên trách kỷ  (24/01/2013)