Chợ đồng tháng Chạp
21:1', 2/2/ 2013 (GMT+7)

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã viết một bài thơ rất hay để miêu tả cảnh phiên chợ cuối năm ở làng Vị Hạ, miền chiêm trũng quê ông: “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng/ Năm nay chợ họp có đông không?/ Dở trời, mưa bụi còn hơi rét/ Nếm rượu, tường đền, được mấy ông?/ Hàng quán người về nghe xáo xác/ Nợ nần năm hết hỏi lung tung/ Dăm ba ngày nữa tin xuân tới/ Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng” (*). Nhưng đó là bài thơ tả cảnh những phiên chợ quê ngày giáp Tết cách nay đã hơn một trăm năm. Còn quê tôi cách nay độ hơn mười năm những phiên chợ đồng ngày giáp Tết vẫn được họp, kẻ bán người mua nườm nượp, tràn ngập sắc xuân.

Thời ấy, hằng năm cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, chợ đồng quê tôi bắt đầu nhóm. Vì đó là thời điểm vụ màu vừa thu hoạch xong, xã chọn những thửa ruộng màu sát trung tâm văn hóa, gần đường cái quan cho phép bà con tiểu thương, những gánh hàng xén được họp chợ tạm thời trên những thửa đất trống. Đây là cách làm nhằm phục vụ lượng người mua sắm tăng đột xuất dịp cuối năm, giảm tải cho chợ chính.

Do là chợ tạm nên không có mái che, mọi thứ hầu như kẻ bán, người mua đều phải tự túc sắm lấy. Thế nhưng, với người dân quê tôi lúc đó, mỗi năm cứ đến dịp chợ đồng nhóm họp là lại nô nức như đi trẩy hội. Năm nào nhà tôi cũng có gánh hàng xén ở chợ đồng, khi thì mẹ bán trái cây, đồ vàng mã, khi thì bán áo, quần, đồ chơi cho trẻ con.

Chúng tôi ra chợ phụ giúp mẹ trông hàng. Mẹ cho chúng tôi tiền để mua sỉ bóng bay về thổi bán lại cho những đứa trẻ đi chơi chợ Tết. Chúng tôi phải tranh thủ buổi tối để thổi bóng, có lúc thổi căng quá, bóng nổ văng vào mặt đau điếng. Nhưng chúng tôi vẫn vui và háo hức lắm. Tiền bán những chiếc bóng bay mẹ tôi không lấy mà cho chúng tôi để mua món đồ mình thích.

Ở chợ đồng, người ta bày bán đủ mọi thứ: quất, đào từ xứ Bắc chuyển vào; hoa từ Đà Lạt chuyển ra; quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ con… Có những khu chỉ dành riêng để bày bán câu đối, trướng, tranh ảnh trang trí bàn thờ gia tiên… Ông nội tôi mỗi lần đi chợ đồng, thích nhất là được xin các cụ cao niên trong xã viết cho mấy chữ nho về treo trong phòng đọc, để mỗi khi trà, rượu với bạn hữu lại đem ra luận. Cha tôi sau một hồi thỏa thuê với ván cờ người được tổ chức ngay ngoài rìa chợ cũng vội chen vào dòng người chặt như nêm để mua cho bằng được mấy ký thịt thăn, thịt bắp…

Chỉ mới hơn mười năm, quê tôi đã đổi khác rất nhiều. Giờ đây, những phiên chợ Chạp không còn phải họp tạm ở thửa ruộng nơi cánh đồng sát đường nữa. Xã đã đầu tư xây hẳn cả trung tâm thương mại, đủ sức chứa hàng trăm ki-ốt bán hàng. Người ta đi chợ Tết cũng không còn náo nức như xưa. Những mặt hàng truyền thống cũng vắng bóng dần đi, thay vào đó là hàng nhập khẩu. Trẻ con cũng không còn đăm chiêu bên những chiếc bóng bay, những hàng tò he như chúng tôi ngày nào, mà đòi bố mẹ phải mua những đồ chơi điện tử đắt tiền có hình dáng như chiếc máy tính, điện thoại…

Bước ra khỏi phiên chợ Tết, những hạt mưa xuân lắc rắc trên vai áo tôi. Chợ đồng đã lùi xa vào quá vãng. Bất giác tôi lại lẩm nhẩm trong miệng bài thơ “Chợ Đồng” của Nguyễn Khuyến.

  • ĐẶNG THIÊN SƠN

(*) Bài thơ “Chợ Đồng” của Nguyễn Khuyến, rút từ “Tinh tuyển Văn học Việt Nam”, tập 6, NXB Khoa học - Xã hội, 2004.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bất ngờ Vietnam Idol 2012: Ya Suy đăng quang!  (02/02/2013)
“Trảm”... Táo quân vì vi phạm thuần phong mỹ tục  (01/02/2013)
Cục Nghệ thuật biểu diễn: Không cấp phép các nghệ sĩ chống đối Việt Nam  (01/02/2013)
Nghệ sĩ trẻ đa năng  (31/01/2013)
“Ở hai đầu nỗi nhớ” được mua với giá 300 triệu đồng  (31/01/2013)
Réo rắt tiếng đàn giữa đại ngàn  (30/01/2013)
Người thưởng lãm làm “giám khảo”  (30/01/2013)
"Huyền thoại bong bóng" sẽ biểu diễn mừng Xuân  (30/01/2013)
Khai mạc Hội báo Xuân Quý Tỵ 2013  (29/01/2013)
Nụ cười của cô gái chết trẻ năm 13 tuổi bí hiểm hơn cả Mona Lisa  (29/01/2013)
Phạm Thiên Thư nhớ Phạm Duy   (29/01/2013)
Trung tâm tiệc cưới lấn át khu văn hóa  (28/01/2013)
Chung tình yêu với dân ca  (28/01/2013)
Một điểm đến giàu ý nghĩa  (28/01/2013)
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời chiều 27.1  (28/01/2013)