|
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội cồng chiêng lần thứ nhất năm 2012 xã Vĩnh Kim.(Ảnh: XD) |
Đối với đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh, cồng chiêng gắn bó chặt chẽ với số phận mỗi người từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành qua lễ thổi tai, lớn lên theo tiếng cồng chiêng của hội mùa, hội đâm trâu, mừng lúa mới, đám cưới để xây đắp hạnh phúc. Cồng chiêng bắt mạch, bám rễ vào đời sống của mỗi người, giúp cộng đồng BaNa đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách hay cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc.
Đã bao đời nay, cồng chiêng luôn giữ một vị trí quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Hiện nay, nhiều làng ở Vĩnh Thạnh vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của mình, với những trang phục rực rỡ sắc màu, cùng nhịp cồng chiêng rộn rã. Những bước chân dồn dập nối theo vòng xoang. Tiếng hát, tiếng cồng hòa quyện ngân xa.
Theo phong tục tập quán từ ngàn xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số thường tổ chức các lễ hội vào sau vụ thu hoạch. Đó là lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà mới… Vào đầu vụ gieo trồng, họ cũng làm lễ tìm rẫy mới, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa. Ngoài ra còn những sự kiện bất thường như lễ tang, lễ cưới...
Ngoài việc cầu xin sự trợ giúp của thần linh, lễ hội cũng là nơi thể hiện nghệ thuật âm nhạc dân gian dưới hình thức diễn xướng. Trong các lễ hội, âm nhạc dân gian có chức năng tạo không khí thiêng liêng, trang trọng và là phương tiện giúp người thầy cúng chuyển tải được những lời cầu khấn đến các thần linh, nhờ vào các nhạc cụ đặc biệt là dàn cồng chiêng. Vì thế, cồng chiêng có vị trí quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt nghi lễ và lễ hội truyền thống.
Theo quan niệm của đồng bào, cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần, nên không được sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được xuất hiện trong các lễ hội lớn của buôn làng. Do đó, cồng chiêng gắn bó mật thiết với mỗi đời người, mỗi gia đình, dòng họ và lễ nghi cổ truyền của cộng đồng.
Mỗi nghi lễ trên đều gắn với âm nhạc cồng chiêng do những nghệ nhân hoặc những người thuộc nhiều bài chiêng trong cộng đồng buôn làng thể hiện.
Cồng chiêng được cấu trúc thành từng bộ độc lập. Chiêng là một đặc trưng văn hóa cổ của đồng bào miền núi, có mặt ở hầu hết các sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời người, trong tất cả các nghi lễ lớn và nhỏ của gia đình, của buôn làng. Chiêng tham gia vào mọi sinh hoạt, nghi lễ với các ý nghĩa khác nhau, nhằm ứng xử với thế giới bên ngoài con người ở các góc độ khác nhau. Vì thế, chiêng là nhạc cụ trung tâm của sinh hoạt nghi lễ và lễ hội, là loại nhạc cụ “thiêng” có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Bana nói riêng.
Có hai loại chiêng thường được sử dụng là chiêng có núm, còn gọi là cồng, và chiêng dẹt. Việc sử dụng chiêng có núm hay chiêng dẹt không chỉ đơn giản do hình thức của chiêng, mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa văn hóa, thẩm mỹ khác nhau. Phần lớn, không dùng riêng một loại chiêng dẹt hay chiêng có núm, mà luôn kết hợp chúng nhau, trong đó chiêng có núm - tức là cồng - đánh bè trầm, còn chiêng dẹt thể hiện giai điệu.
Trong các dịp nghi lễ, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu, hoặc giai điệu một bè, mà còn hòa tấu đa âm. Cồng, chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có người còn áp dụng các kỹ thuật khác như chặn tiếng bằng tay trái, hoặc tạo giai điệu riêng trên một chiếc chiêng…
Mỗi bài chiêng có nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sử dụng một cái chiêng. Bài chiêng quy định bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người sử dụng chiêng. Những người đánh chiêng phải nhớ rất rõ các tiết tấu của bài chiêng để khi trình diễn thì phối hợp với nhau một cách hài hòa, tạo nên những âm thanh trầm bổng, hào hùng.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự xuất hiện ngày càng nhiều nền văn hóa hiện đại Tây phương cùng với những thay đổi trong nếp sinh hoạt thường ngày đã làm cho sự quan tâm đến cồng chiêng dần bị phai nhạt. Nhưng có điều đáng mừng là giờ đây, nhiều nghệ nhân đánh cồng chiêng trong làng tuy đã tuổi cao, sức yếu, không còn nhanh nhẹn nữa, nhưng vẫn hăng say, miệt mài truyền đạt cho con, cháu những điệu chiêng, điệu múa. Họ rất vui, vì đây là điều kiện để khơi nguồn, làm sống lại tiếng cồng chiêng trầm hùng của đồng bào - nét văn hóa truyền thống của cha ông lưu truyền lại từ bao đời nay. Hàng tháng vào ngày 16 âm lịch, Câu lạc bộ cồng chiêng của làng lại sinh hoạt một lần, các thành viên tập trung tại nhà rông của làng để luyện tập, điệu xoang lại uyển chuyển xoay tròn trước nhà rông, tiếng cồng lại vang lên cả một góc làng.
Điều đáng mừng là ngày nay ở một số địa phương, cụ thể là các làng đã bước đầu thành lập câu lạc bộ cồng chiêng với mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lớp trẻ học tập kỹ thuật đánh chiêng và chỉnh chiêng, với sự hướng dẫn của những nghệ nhân có trình độ cao, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng.
Và đặc biệt là mới đây, ngày 20.12.2012 UBND xã Vĩnh Kim đã tổ chức Ngày hội cồng chiêng lần thứ nhất năm 2012. Sự kiện xã Vĩnh Kim tổ chức Ngày hội cồng chiêng có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp nhằm tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng. Đây được xem là động thái tích cực để tiến tới những bước đi tiếp theo trong việc hiện thực hóa công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Bana ở Vĩnh Kim nói riêng và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh nói chung.
Ngày hội cồng chiêng là dịp các nghệ nhân lớn tuổi truyền lại sự đam mê cồng chiêng cho lớp trẻ, góp phần gìn giữ các lễ hội của người Bana nói riêng và các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung. Đặc biệt, qua đây giúp cho đồng bào có ý thức giữ gìn, bảo quản các loại cồng chiêng tại gia đình, góp phần làm phong phú văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
|