Trẩy hội Đống Đa
23:8', 17/2/ 2013 (GMT+7)

Hòa mình vào không khí đông vui của hàng vạn người về dự Lễ hội Kỷ niệm 224 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2013), mới thấy Lễ hội không chỉ để vui chơi ngày xuân, mà còn phát huy hiệu quả cao trong việc bồi đắp lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Dù trời mưa nhưng đông đảo người dân và du khách vẫn về Bảo tàng Quang Trung trẩy hội Đống Đa.

 

Sáng mùng 5 Tết, dòng người đổ về Bảo tàng Quang Trung càng lúc càng đông để vui hội Đống Đa. Dù hôm ấy trời đổ mưa, vẫn có nhiều người đưa con cháu đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, trong đó có cả những đứa trẻ còn nằm trên xe nôi.

Vui hội lịch sử hào hùng

Chị Nguyễn Thị Bình, du khách ở TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Được nhiều bạn bè ở Bình Định giới thiệu đầy tự hào về quê hương và lễ hội Đống Đa, Tết năm nay vợ chồng tôi dẫn con gái 3 tuổi về dự cho biết. Lo con bị đau vì trời mưa lạnh, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến thăm Bảo tàng Quang Trung để bày tỏ lòng kính ngưỡng vị anh hùng dân tộc”.

Vào thắp hương Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và Văn thần Võ tướng, tôi gặp 3 chị em còn đang ở độ tuổi thiếu niên thắp hương, quỳ lạy rất kính cẩn. Trần Thị Huyền Minh, 16 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, bày tỏ: “Những năm trước, bố mẹ thường hay dẫn chị em chúng tôi vào thắp nhang tại Điện thờ vào sáng mùng 5 Tết. Năm nay, người lớn trong gia đình đều bận công việc, nên tôi được giao dẫn hai em đi thắp hương. Mỗi lần đến Bảo tàng Quang Trung, tôi thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương mình”.

Học sinh, sinh viên cũng chiếm phần lớn trong lượng khách tham quan các khu trưng bày hiện vật của Bảo tàng Quang Trung. Từng nhóm bạn trẻ trao đổi sôi nổi khi xem các hiện vật trong Bảo tàng gắn với các sự kiện lịch sử trong sách giáo khoa mà mình đã được học. Không khí lễ hội đã tạo sự cuốn hút, để giới trẻ tìm về với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Riêng tôi, mỗi lần đến Bảo tàng Quang Trung đều cảm thấy xúc động trong những lúc thắp hương trong Điện thờ, ngồi dưới bóng mát cây me cổ thụ, hay khi đọc các bản trích dẫn được trưng bày, như: “… Nhân, Nghĩa, Trung, Chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay Trẫm cùng dân đổi mới (…). Sẽ cùng dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân” (Chiếu lên ngôi của Hoàng Đế Quang Trung).

Ngày xuân lên đỉnh Ấn Sơn

Điểm mới trong chương trình Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay là sau lễ dâng hương dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung, còn có hoạt động dâng hương tại Đàn tế Trời đất tại núi Ấn Sơn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 19 đến Đàn tế Trời đất đã kịp hoàn thành trước Tết Quý Tỵ, càng tạo thuận lợi cho những đoàn xe nối đuôi nhau đến lấp đầy những bãi giữ xe dưới chân núi. Từ đây, mọi người bắt đầu thử “sức bền” khi bắt đầu theo những bậc thang leo lên đỉnh núi cao Ấn Sơn, nơi có khu Đàn tế Trời đất.

Ngồi nghỉ mệt giữa đường, cụ Nguyễn Thị Quả, 75 tuổi, cho biết: “Tôi sống ở Đà Nẵng cùng con cháu, nhưng Tết năm nào cũng về thăm quê Tây Sơn, rồi dự hội Đống Đa. Đến thăm Đàn tế trời đất, nhưng leo đến đây thì chân nhức mỏi quá không đi nổi, mấy đứa cháu đòi cõng lên núi nhưng tôi không chịu vì sợ cực chúng. Dù sao đến được núi Ấn Sơn gắn liền với những giai thoại về ông Nhạc ngày xưa đã nghe bà và mẹ kể, ngắm dòng người qua lại là tôi thấy vui lắm rồi!”.

Trong chiều mùng 4 và ngày mùng 5 Tết, đã có hàng nghìn người thành tâm leo lên đỉnh Ấn Sơn để thắp nén hương dâng lên trời đất, rồi đi dạo một vòng ngắm phong cảnh hữu tình trong những cơn gió mát lộng. Ông Nguyễn Văn Quý, du khách đến từ Hà Nội, tâm sự: “Tôi rất thích đến viếng những công trình mang tính tâm linh. Địa thế ở khu Đàn tế Trời đất rất đẹp, đứng từ đây nhìn ra xung quanh đều có thể thấy những dãy núi non hùng vĩ hay cánh đồng xanh ngát. Đầu xuân, tôi thấy tâm hồn thật yên bình khi bắt gặp hình ảnh những đàn cò trắng bay lượn dưới cánh đồng phía dưới chân núi…”.

* * *

Trong số hàng vạn người về vui hội Đống Đa hằng năm, người dân trong tỉnh chiếm phần lớn, lượng du khách ngoại tỉnh tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với “tầm” của Lễ hội.

Lễ hội Đống Đa rất có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng, bồi đắp ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Việc tổ chức Lễ hội Đống Đa hằng năm (chứ không cần phải đến năm tròn, năm chẵn) với quy mô lớn hơn, nhiều hoạt động có sức cuốn hút cao hơn sẽ góp phần “kích cầu” phát triển du lịch Bình Định, nhất là vào dịp Tết. Vì vậy, Lễ hội Đống Đa được “nâng tầm” là mong ước của người dân Bình Định.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một đường hoa “hợp tác xã”  (17/02/2013)
Những đứa con của xóm chài  (17/02/2013)
Phim của Romania đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin  (17/02/2013)
Dâng hương kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi  (14/02/2013)
Đêm vui Hội Tháp Đôi  (13/02/2013)
Náo nức dự hội Chợ Gò  (13/02/2013)
Giao thừa và bóng thời gian  (09/02/2013)
Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Berlin  (08/02/2013)
Xem phim Tết ở Rạp 31.3  (06/02/2013)
Nào cùng vui hội ngày xuân  (06/02/2013)
Khắp nơi đón Tết  (06/02/2013)
Đạo diễn Hải Ninh qua đời  (06/02/2013)
Táo quân 2013 của VTV chính thức được cấp phép  (05/02/2013)
Giới trẻ sẽ là chủ thể của Ngày thơ Việt Nam 2013  (05/02/2013)
Mở thêm một phòng chiếu phim Tết  (04/02/2013)