Ngày xuân rộn rã hội bài chòi
21:54', 18/2/ 2013 (GMT+7)

Không khí xuân năm nay như rộn rã hơn bởi những hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được tổ chức khắp các địa phương trong tỉnh…

Khắp nơi vui hội bài chòi

Hay tin hội bài chòi tổ chức tại Lễ hội Chợ Gò (huyện Tuy Phước), trước giờ khai hội, nhiều người dân đã đến “xí chòi” để thưởng thức những điệu hô bài chòi, trích đoạn bài chòi cổ hay, sinh động. Anh Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Với lực lượng hiệu là các nghệ nhân bài chòi giỏi ở địa phương và cán bộ của Trung tâm, chúng tôi đã tổ chức được chương trình liên tục trong hai ngày mùng 1 và 2 Tết để phục vụ khách về đây du xuân. Hội đánh bài chòi kết thúc, nhiều người rất tiếc nuối…”.

 
Hội đánh bài chòi cổ ở Lễ hội Chợ Gò (huyện Tuy Phước) thu hút rất đông người tham gia.

Năm nay, hội đánh bài chòi cổ dân gian tổ chức liên tục trong nhiều ngày liền ở TP Quy Nhơn đã góp thêm một sân chơi cho nhiều người dân và du khách. Nhiều người mua thẻ để chơi phải ngồi đợi cả nửa tiếng mới đến lượt. Biên đạo Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Trung bình mỗi đêm các hiệu phải đánh 8 hội để đáp ứng nhu cầu của người chơi. Giờ nghỉ giữa các hội, tôi và nghệ nhân Minh Đức còn tham gia biểu diễn các trích đoạn bài chòi cổ như Cao Quân Bảo phá chiêu bài, Lưu Bình - Dương Lễ”.

Hội đánh bài chòi cổ dân gian cũng là một nét chấm phá làm rộn ràng không khí tết ở xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn. Từ mùng 3 đến mùng 7 Tết, người dân xã đảo từ già đến trẻ đều nô nức vui hội bài chòi giữa mênh mông sóng nước… Còn tại Lễ hội Kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, nhiều người dân ở huyện Phù Mỹ rất háo hức khi lần đầu tiên được ngồi chòi nghe bài chòi cổ.

Trong khi đó, hội đánh bài chòi cổ dân gian tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) vào mùng 4 và mùng 5 Tết có sự góp mặt của nhiều hiệu giỏi ở các địa phương. Dù trời mưa khá lớn, nhưng đông đảo người dân vẫn hào hứng tham gia. “Hội đánh bài chòi cổ dân gian là hoạt động mới đưa vào chương trình Lễ hội Đống Đa, để tạo sự sinh động, vui tươi cho khách đi chơi hội”, ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, nhìn nhận.

Gắn kết để hồi sinh

“Để đáp ứng nhu cầu vui chơi của nhân dân, chúng tôi sẽ duy trì hội đánh bài chòi cổ dân gian đến 12 tháng Giêng. Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đưa hội đánh bài chòi cổ dân gian vào các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào Rằm tháng Giêng”.

Ông LÊ NGỌC ANH, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn

Hội đánh bài chòi cổ dân gian được tổ chức thành công trong dịp Tết càng khẳng định hướng đi đúng trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của Bình Định. Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ, tâm sự: “Lần đầu tiên tổ chức hội đánh bài chòi chúng tôi cũng lo lắm. Nhưng, sự ủng hộ nhiệt tình của bà con về vui hội đã giúp chúng tôi mạnh dạn hơn trong việc xây dựng kế hoạch đưa hội đánh bài chòi cổ dân gian về các xã”.

Hội đánh bài chòi cổ dân gian thành công còn nhờ sự nỗ lực gắn kết giữa các nghệ nhân. Ngoài việc tham gia giữ vai trò trụ cột ở các hội đánh bài chòi cổ dân gian của địa phương, các hiệu Nguyễn Phú, Hoàng Việt… cùng tham gia hỗ trợ các nghệ nhân trong việc đảm nhận vai trò hiệu chính trong hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Lễ hội Đống Đa. Hay như nghệ sĩ Lâm Tới, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, cũng vẫn rất nhiệt tình tham gia để đóng góp cho thành công chung của các hội đánh bài chòi trong dịp Tết này.

Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến sự ủng hộ của người dân đã tạo nên sự “hồi sinh” mạnh mẽ của hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định. Tại hội đánh bài chòi cổ ở xã Nhơn Châu, ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đảm nhận vai trò anh hiệu. Ông hào hứng cho biết: “Sau lần tổ chức đầu tiên vào dịp Quốc khánh 2.9 năm ngoái, bà con trong xã đã đề xuất tổ chức hội bài chòi vui Tết. Mỗi hộ gia đình đóng góp 30.000 đồng để dựng chòi và trang bị các vật dụng. Kinh phí dựng chòi khoảng 10 triệu đồng nên ngoài chuyện xã “liệu cơm gắp mắm”, bà con còn góp công dựng chòi rất hào hứng”.

  • HOÀI THU - NGUYỄN MUỘI 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định  (18/02/2013)
Trẩy hội Đống Đa  (17/02/2013)
Có một đường hoa “hợp tác xã”  (17/02/2013)
Những đứa con của xóm chài  (17/02/2013)
Phim của Romania đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin  (17/02/2013)
Dâng hương kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi  (14/02/2013)
Đêm vui Hội Tháp Đôi  (13/02/2013)
Náo nức dự hội Chợ Gò  (13/02/2013)
Giao thừa và bóng thời gian  (09/02/2013)
Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Berlin  (08/02/2013)
Xem phim Tết ở Rạp 31.3  (06/02/2013)
Nào cùng vui hội ngày xuân  (06/02/2013)
Khắp nơi đón Tết  (06/02/2013)
Đạo diễn Hải Ninh qua đời  (06/02/2013)
Táo quân 2013 của VTV chính thức được cấp phép  (05/02/2013)