Người kể chuyện làng đã về với đất…
17:20', 20/2/ 2013 (GMT+7)

Ngày 18.2, Huỳnh Kim Bửu đã “về với đất” ở thôn Tân Dương, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn. Như lá rụng về cội, hành trình cuối cùng này bạn bè đều biết trước,  bởi đó là nơi một đời ông trăn trở, sẻ chia bao điều cùng bạn đọc. Ở tuổi 75, cuộc “ra đi” với bao người là chuyện bình thường, nhưng với ông là cả một sự tiếc nuối.

 

Ông Huỳnh Kim Bửu nhận Giải thưởng của Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu năm 2011, với tập tản văn - bút ký “Trong như tiếng hạc bay qua”.

Tôi biết Huỳnh Kim Bửu từ rất lâu, song thân thiết với ông chỉ từ 5-7 năm nay, khi ông miệt mài với văn chương; trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo Bình Định, rồi hội viên CLB Văn học Xuân Diệu. Với Huỳnh Kim Bửu, tôi đặc biệt ấn tượng bởi ông là một người Bình Định đúng chất - một người “thàng”! Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu, một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồn một. Người thàng, thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt thàng đi… Huỳnh Kim Bửu quả là một người thàng và bất cứ ai gặp ông một lần đều có thể tin yêu, cởi mở. Chỉ với cái nụ cười, ánh mắt đã thấy ông là người không mưu mẹo, không thể hại ai.

Tôi còn quý Huỳnh Kim Bửu ở một điều khác nữa. Đó là kho kiến văn gần như vô tận của ông. Ông đọc nhiều, lại thuộc Truyện Kiều. Một thời gian dài, khi Báo Bình Định còn ấn phẩm nguyệt san, mục tản văn, bút ký không số nào vắng bài của ông. Bút ký, tản văn của ông có nét riêng. Thường một phóng viên khi làm bút ký phải đi và chọn lấy những vấn đề mang tính thời sự. Ông không theo hướng ấy, và nếu làm như thế ông cũng không thể theo kịp lớp trẻ. Bút ký của ông theo một hướng khác, không cần cái sự đi. “Vấn đề bút ký” của ông là vấn đề của muôn thuở và ông viết ra bằng sự trải nghiệm một đời người. Bởi thế đọc tản văn, bút ký của ông dù là những chuyện cũ nhưng lại thấy lạ, thấy cuốn hút, một sự hấp dẫn toát ra từ hồn cốt làng quê, từ khí phách cha ông…

Huỳnh Kim Bửu đã xuất bản 2 tập tản văn - bút ký (“Nơi con sông Côn chảy qua” - 2009, “Trong như tiếng hạc bay qua” - 2011) và 2 tập thơ (“Mùa thu biết thở ra hương” - 2010, “Ngõ phong lan” - 2013). Dù vậy, tôi chưa bao giờ gọi ông là nhà báo, cũng chẳng gọi là nhà văn, nhà thơ. Thực ra ông rất xứng đáng với mọi danh xưng dành cho người sáng tác. Song tôi lại thích gọi ông theo cách gọi của nhà văn Lê Hoài Lương. Huỳnh Kim Bửu là người kể chuyện làng, là nhà phong hóa học. Bởi những bút ký, tản văn ông viết không có nhiều những màu mè của văn chương; chỉ thấy sự thủ thỉ chơn chất, lành hiền những câu chuyện quê một thời quá vãng qua lăng kính của một người đa cảm, thàng hậu. Những trò chơi con trẻ, những tập tục quanh nếp nhà tranh, những sản vật quê hương đến những danh thắng, những mảng văn hóa, lịch sử lớn của miền đất võ, đất hát bội... qua ngòi bút của ông trở nên sống động nhưng không kém nỗi u hoài.

Tôi coi những thứ đó là đóng góp quý báu cho đời. Bởi không có những câu chuyện mà ông dụng công ghi lại, lớp con cháu mai hậu sẽ chỉ biết nhìn cái cối xay lúa, cái cối giã gạo ở bảo tàng một cách vô cảm; chẳng thể nghe thấy cái hương vị của bánh xèo quê ngày mưa phùn, gió bấc... Còn thế hệ quá ngũ tuần như chúng tôi, không đọc những trang văn của ông không dễ đã có cơ hội nhẩn nha, chiêm nghiệm lại những ngày tháng tưởng như rất gần lại hóa xa xôi của một thời thơ ấu…

Sinh thời, có lẽ Huỳnh Kim Bửu không lấy việc viết lách làm nghề cho đời, nên chi ông chỉ thực sự viết khi đã về hưu, và miệt mài hơn khi biết “năm tháng chỉ còn trên mấy đốt tay”. Vì thế mà 4 tập sách chỉ mới ra đời vỏn vẹn trong 4 năm qua. Đầu năm Nhâm Thìn, tôi bông đùa với ông: “Dạo này thấy anh viết nhiều, bộ muốn vào Hội Nhà văn hay sao?”. Ông cười hiền: “Nếu lâu không viết người đọc cứ điện hỏi, không biết nói sao”. Người thàng như ông không biết “nổ” đâu. Quả nhiên, là ông đã có bạn đọc riêng, bạn đọc “ghiền” những câu chuyện làng.

Xét duyệt Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV, Ban Tư vấn có chút đắn đo khi đề nghị để Hội đồng xét tặng giải cao nhất cho ông. Nhưng rồi, nhà thơ Thanh Thảo, một thành viên của Hội đồng, đã gợi ý: “Còn nghi ngờ gì nữa. “Nơi con sông Côn chảy qua” của Huỳnh Kim Bửu xứng đáng đạt giải A!”.

Vậy mà đầu năm Quý Tỵ này, ông đã về với đất, chưa kịp lên bục danh dự để nhận sự tôn vinh!

  • QUANG KHANH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày xuân rộn rã hội bài chòi  (18/02/2013)
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định  (18/02/2013)
Trẩy hội Đống Đa  (17/02/2013)
Có một đường hoa “hợp tác xã”  (17/02/2013)
Những đứa con của xóm chài  (17/02/2013)
Phim của Romania đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin  (17/02/2013)
Dâng hương kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi  (14/02/2013)
Đêm vui Hội Tháp Đôi  (13/02/2013)
Náo nức dự hội Chợ Gò  (13/02/2013)
Giao thừa và bóng thời gian  (09/02/2013)
Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Berlin  (08/02/2013)
Xem phim Tết ở Rạp 31.3  (06/02/2013)
Nào cùng vui hội ngày xuân  (06/02/2013)
Khắp nơi đón Tết  (06/02/2013)
Đạo diễn Hải Ninh qua đời  (06/02/2013)