Không khí lễ hội rộn ràng, quyện cùng sắc màu của hoa lá cỏ cây mỗi độ xuân về đã tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh lên đường “săn ảnh” đầu năm. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc, một góc nhìn, một cảm xúc…
“Khai máy” đầu năm
Các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa thể thao diễn ra sôi động trong mấy ngày Tết là nơi các nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt gặp nhiều khoảnh khắc đẹp. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt chia sẻ: “Ngày Tết luôn đem đến những cảm xúc rạo rực, tạo sự hưng phấn cho những người cầm máy. Thường thì mùng 2 Tết tôi mới “khai máy” đầu năm; nhưng năm nay tôi đã bấm máy trước một ngày ở Lễ hội Chợ Gò”.
|
Tác phẩm Đàn tế trời đất của nghệ sĩ nghiếp ảnh Đào Tiến Đạt chụp vào đêm mùng 5 Tết Quý Tỵ. |
Chiều mùng 4 Tết, chúng tôi theo chân nhóm săn ảnh gồm nghệ sĩ Đào Tiến Đạt, nghệ sĩ Đăng Huy, cùng một số người chơi ảnh nghệ thuật ở Quy Nhơn, An Nhơn, TP Hồ Chí Minh về làng Kon Giang (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Bana. Ghé thăm già làng Đinh Bình, gặp lúc ông đang ngồi ăn bánh tét, uống rượu cùng mọi người. Trước lời đề nghị của nhóm nhiếp ảnh, già làng vui vẻ thay chiếc áo thổ cẩm, xách thêm chiếc rựa ra ngồi ở gốc cây cổ thụ ngoài vườn để làm “người mẫu”.
Ở Kon Giang, các tay máy còn lưu được nhiều hình ảnh đẹp về một cụ già ngậm tẩu thuốc phun khói, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống của đồng bào Bana. “Bà con biết các nghệ sĩ muốn giới thiệu những cái hay, cái đẹp trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào mình nên vui lắm. Các nghệ sĩ cần làm mẫu thế nào thì bà con cũng làm theo hết”, già làng Đinh Bình bộc bạch.
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định ở các huyện cũng hăng hái đi săn ảnh ngày xuân. Người có điều kiện thì đi xa để tìm những đề tài và cảm xúc mới lạ, còn không thì tranh thủ săn ảnh về các hoạt động văn hóa, thể thao và cảnh sắc ngày xuân trong huyện. Anh Nguyễn Tùng Đệ - một người chơi ảnh ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn - cho biết: “Năm nay, tôi đi chơi Tết ở TP Quy Nhơn và các huyện để tìm những khoảnh khắc đẹp. Săn ảnh ngày Tết không chỉ có được nhiều đề tài và cảm hứng sáng tạo, mà còn giúp tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa truyền thống quê mình qua các lễ hội, đồng thời thư giãn sau một năm miệt mài làm việc”.
Quảng bá vẻ đẹp quê hương
Đàn tế trời đất (huyện Tây Sơn) là một địa chỉ mới của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Về đêm, công trình hiện lên trong ánh sáng lung linh, huyền ảo, những vẻ đẹp rất khác đã thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đó là lý do để nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt và Đăng Huy cùng quay trở lại nơi đây để sáng tác. “Màn đêm buông xuống như làm bật lên những điểm nhấn đẹp của công trình Đàn tế trời đất. Đó là những khoảnh khắc đẹp mà người săn ảnh rất cần”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt cho biết.
Trong khi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai lại chọn một thời điểm khác để có góc nhìn khác về vẻ đẹp của Đàn tế trời đất. Năm nay đã 77 tuổi, không thể ruổi rong bằng xe máy như ngày trước, ông chọn cách đi xe buýt lên Tây Sơn, rồi đi xe thồ đến. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai tâm sự: “Tôi chọn thời điểm Đàn tế trời đất ít người để có thời gian tìm ý tưởng, góc chụp đẹp”.
Một trong những người săn ảnh nhiều nhất trong mấy ngày Tết là Hoàng Vân, khi anh có mặt ở hầu hết các lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao vui xuân. Hoàng Vân cho biết: “Ngoài việc săn ảnh, tôi còn đi nhiều nơi, tham gia nhiều sự kiện để quay video làm clip “Bình Định mùa xuân và lễ hội” tham dự cuộc thi “Tết trong mắt tôi”, do báo Tuổi trẻ online tổ chức. Tôi còn đưa những hình ảnh, clip này lên trang web mediabinhdinh.com để góp phần quảng bá về những nét đẹp của quê hương”.
Ngày Tết có không khí đông vui, cảnh sắc tươi đẹp mang tính đặc trưng không dễ bắt gặp trong bất kỳ thời điểm nào của năm. Cộng vào đó là những góc nhìn sáng tạo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp, độc đáo về mùa xuân. Nhiều tác phẩm chụp ngày Tết của các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, hay được sử dụng để quảng bá cho du lịch Bình Định…
|