“Tiếp lửa” cho tuồng không chuyên
23:7', 27/2/ 2013 (GMT+7)

Từ đầu tháng Giêng đến nay, nhiều làng quê trong tỉnh rộn ràng tiếng trống tuồng thúc giục. Mùa xuân đem đến sức sống mạnh mẽ cho tuồng không chuyên, giúp cho các nghệ sĩ “chân đất” được thỏa niềm đam mê, bay bổng trên sân khấu.  

Chúng tôi đã có dịp theo các đoàn tuồng không chuyên lưu diễn trong ngày xuân. Và quả thật, có xem tận nơi, có hòa vào không khí sôi nổi, hào hứng của các chương trình này mới cảm nhận hết sức sống của nghệ thuật tuồng.

Sức sống mạnh mẽ

Đêm mùng 10 Tết, rất nhiều người dân ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn đã đến xem đoàn tuồng An Nhơn 2 biểu diễn. Nhiều đoạn diễn viên hát hay, người dân tới tấp thưởng tiền lên sân khấu để tán thưởng.

 
Đoàn tuồng Ánh Dương biểu diễn ở Lễ hội Vía Bà, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn

Trong khi đó, trưa 26.2, trong chương khai mạc Lễ hội Vía Bà - xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn - giữa cái nắng oi bức, các nghệ sĩ đoàn tuồng Ánh Dương vẫn hăng say hát. Ngồi lau mồ hôi ướt đẫm lưng áo sau buổi diễn, ông Phan Văn Hiến, Trưởng đoàn tuồng Ánh Dương, vui vẻ cho biết: “Lịch hát của đoàn chúng tôi dày kín từ mùng 1 Tết tới giờ. Chúng tôi phải chạy liên tục, nhiều hợp đồng phải đàm phán chuyển sang tháng sau”.

Tối 26.2, tìm đến thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, không khí rộn ràng, tiếng người cười nói râm ran phả vào lòng tôi niềm rạo rực của ngày hội tuồng. Đến giờ đoàn tuồng Trần Quang Diệu biểu diễn vở “Tái sanh kỳ ngộ”, cũng là lúc bãi đất trống của thôn Bỉnh Đức chật kín người. Điều khiến tôi râm ran mừng là trong đêm diễn ấy, ngoài những cụ già tóc bạc phơ còn có nhiều khán giả trẻ, cũng say sưa theo dõi, cũng rôm rả bình luận về diễn xuất của các nghệ sĩ trên sân khấu.

Len giữa dòng người đông kín, tìm đến bên cánh gà sân khấu, chúng tôi gặp ông Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, cũng tất bật trang điểm cùng các diễn viên chuẩn bị lên sân khấu. Ông Phan Ngọc Bạn hồ hởi: “Từ mùng 1 tháng Giêng, chúng tôi diễn liên tục ở Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn. Chúng tôi cũng đã ký được hợp đồng biểu diễn mấy đêm liền ở Lễ hội Đô thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) vào đầu tháng 2 âm lịch, sau đó diễn tiếp ở lăng ông Nam Hải (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn)”.

Một số đoàn tuồng không chuyên còn “đắt sô” diễn ngoại tỉnh. Chiều 25.2, bãi biển Xuân Đài, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, như được nới rộng hẳn ra trong từng hồi trống chầu thúc giục. Hàng trăm lượt người dân và du khách nườm nượp kéo về đây để nghe và xem các nghệ sĩ tuồng “chân đất” của Bình Định biểu diễn trích đoạn tuồng “Ngũ hổ Bình Nam”. Ông Hữu Trí, Trưởng Đoàn tuồng Sao Mai, cho biết: “Năm nay, lịch diễn dày kín, nhưng yêu cầu của người dân xã Xuân Hải, chúng tôi đã về hát phục vụ, cũng là một cách để góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng Bình Định”.

 

“Tiếp lửa”

Mắt vẫn không rời sân khấu xem biểu diễn, cụ Nguyễn Mắn, 82 tuổi, ở thôn 2, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tâm sự: “Thích tuồng Bình Định từ lâu rồi, nên hay tin các nghệ sĩ vào đây biểu diễn bà con rất mừng. Tôi chúc các nghệ sĩ luôn khỏe, hy vọng năm sau còn về hát cho bà con xem”.

Tại các điểm diễn của các đoàn tuồng không chuyên, đều cảm nhận chung sự trân trọng và ủng hộ nồng nhiệt của những người mộ điệu. Ông Nguyễn Đức Thành (67 tuổi), ở chợ Cảnh Hàn, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, cho biết: “Năm nào cũng vậy, đến Lễ hội Vía Bà, các đoàn tuồng không chuyên lại được mời về hát để phục vụ nhân dân. Chúng tôi luôn trân trọng và ủng hộ hết mình các nghệ sĩ không chuyên hát hay, diễn giỏi”.

Thực tế hoạt động sôi nổi của các đoàn tuồng không chuyên trong những ngày xuân, có thể nhận thấy vẫn còn nhiều khán giả mộ tuồng. Họ đã “tiếp lửa” cho các nghệ sĩ tuồng không chuyên theo đuổi giữ gìn nghệ thuật truyền thống quý báu của cha ông. Ông Tào Quan Quyền, người dân ở thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Người dân trong thôn từ già đến trẻ đều rất thích tuồng. Năm nay, các hộ dân trong thôn cùng đóng góp được 19 triệu đồng để mời đoàn tuồng Trần Quang Diệu về biểu diễn. Ai cũng chờ đến tối đi xem và hài lòng vì dàn diễn viên chất lượng, diễn hay”. 

Dù vậy, nhiều người hâm mộ vẫn “chạnh lòng” khi thấy trang thiết bị, đạo cụ biểu diễn của phần lớn các đoàn tuồng không chuyên đều cũ kỹ, diễn viên còn nhiều vất vả. Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân, diễn viên đoàn tuồng Sao Mai, tâm sự: “Tôi đã gắn bó với tuồng không chuyên suốt 30 năm nay. Sau Tết, chúng tôi phải thực hiện các chuyến lưu diễn dài ngày. Cực thật, nhưng vui vì người dân còn hào hứng với tuồng nhiều lắm. Người dân còn ủng hộ thì những nghệ sĩ như chúng tôi như được “tiếp lửa” theo đuổi nghiệp Tổ”.

  • HOÀI THU - HOÀNG VÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức Lễ tưởng niệm 47 năm vụ thảm sát Bình An  (27/02/2013)
Đón nhận Cờ thi đua xuất sắc 5 năm liền  (27/02/2013)
Cảnh cháy nổ trong phim Việt: Nguy hiểm cao, hiệu quả ít  (27/02/2013)
Quản lý mùa lễ hội năm 2013: Lực bất tòng tâm  (27/02/2013)
Tổ chức Lễ hội Vía Bà  (27/02/2013)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam  (26/02/2013)
Ấm áp ngày họp mặt  (25/02/2013)
Nhìn lại và hướng tới  (25/02/2013)
Ben Affleck nghẹn ngào nhận Oscar cho ‘Phim hay nhất’  (25/02/2013)
Ngày thơ Việt Nam: gặp nhau là chính  (24/02/2013)
Chú Thiên Thần và cô nhóc  (23/02/2013)
Dắt nhau đi hết buổi chiều  (23/02/2013)
Thơ và tình yêu Tổ quốc  (23/02/2013)
Ngày thơ Việt Nam 2013: Dạt dào tình yêu tuổi trẻ  (23/02/2013)
Nhiều nội dung hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam  (23/02/2013)