Mùa xuân là mùa diễn rộn ràng nhất trong năm của các đoàn tuồng. Đối với 13 đoàn tuồng không chuyên- dân lập trong tỉnh, đây là mùa họ cật lực trên sàn diễn để mưu sinh và giữ mối nhân duyên với hát bội thêm bền chặt. Đồng tiền kiếm được từ lao động nghệ thuật thấm đẫm vị mặn, mà câu chuyện thưởng tiền trong hát bội là một ví dụ.
Cách thưởng tiền trong một cuộc hát bội ngày nay đã khác xưa nhiều, giảm tính lịch sự, sự trân trọng dành cho người nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu. Xưa, tiền thưởng được tượng trưng bằng những thẻ tre sơn đỏ, thẻ tương ứng với số tiền cụ thể, đến đoạn hát cao trào, người cầm chầu - đại diện cho tất cả khán giả đang xem hát - tung thẻ tre rào rào lên sân khấu tỏ ý khen ngợi. Tan cuộc hát, ông bầu mang thẻ gặp người cầm chầu nhận tiền thưởng. Dần dà, tiền thưởng tiến đến một bước “tiện” hơn, “vui” hơn là tiền mặt được để lẫn trong thẻ tre, cả hai món thưởng “tươi” và tượng trưng ấy được tung lên sân khấu.
Những năm gần đây, đang tồn tại phổ biến lối thưởng tiền có thể nói là phản cảm. Nhiều nơi không còn dùng thẻ tre sơn đỏ nữa mà dùng tiền mặt “thưởng” thẳng vào người đang hát. Để tiền thưởng “bay trúng đích”, có nơi còn dùng tiền buộc vào một vật nặng như thanh gỗ nhỏ, hòn gạch nhỏ, phổ biến nhất là buộc vào dùi trống, tới những đoạn diễn hay, quăng tới tấp lên sân khấu khiến nghệ sĩ biểu diễn vừa né vừa chộp. Thành ra, khán giả được xem hát, lại được xem xiếc!
Nghệ sĩ không nhanh tay, giỏi xử lý dễ làm gián đoạn biểu diễn trong chốc lát, ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, gây mỹ cảm không tốt cho cả người thưởng và người nhận. “Ngày nay, hầu hết dùng micro gắn chứ thời còn dùng micro dây treo, diễn viên nghiêng người vừa né vừa nhận là lệch, mất tiếng ngay. Đoàn tuồng nào, ông bầu, nghệ sĩ nào khi biểu diễn cũng mong nhận được sự khen ngợi từ người xem nhưng cách thưởng bỗ bã như hiện nay thật ái ngại và chua chát”, một nghệ sĩ tuồng không chuyên lâu năm đã tâm sự như thế.
Không thể phủ nhận, thưởng tiền trực tiếp, tức thì sau mỗi một lớp hát hay, diễn giỏi, múa đẹp có tác dụng rất lớn khích lệ tinh thần biểu diễn cho người nghệ sĩ, tạo hứng khởi cho cả người xem. Nhưng, cách vung tiền thưởng lên sân khấu, thưởng không chỉ vì diễn hay mà còn vì thị tiền… đang làm mất đi vẻ đẹp trong văn hóa phê bình trực tiếp của hát tuồng.
Văn hóa thưởng tiền trong biểu diễn tuồng thay đổi có nhiều nguyên nhân. Không ít cuộc hát được diễn ra nhờ tài trợ của một số người có điều kiện, họ muốn thể hiện vai trò “chủ công” bằng việc cầm chầu, khen thưởng. Khi trình độ thưởng thức nghệ thuật truyền thống này còn ở mức giới hạn hoặc có chút “hơi men”, họ đánh trống chầu đúng sai vô tội vạ, lấn át cả giọng hát diễn viên và thưởng tiền theo kiểu “làm xiếc”. Ngày nay, khi người cầm chầu giỏi ngày một hiếm đi, không ngoại trừ việc cầm chầu được trao không đúng người khiến văn hóa thưởng trong hát bội hay nghệ thuật nói chung bị lệch lạc…
|