Để sách đến với bạn đọc
21:55', 2/3/ 2013 (GMT+7)

Chính những người làm công tác phục vụ bạn đọc (thủ thư) là cầu nối để đưa sách từ kho thư viện đến tay bạn đọc. Sau những khâu nghiệp vụ như biên mục, phân loại, “công đoạn cuối cùng” này góp phần quan trọng và trực tiếp thúc đẩy mối quan hệ giữa sách và bạn đọc, làm cho vòng đời mỗi một cuốn sách ý nghĩa hơn.

Tại Phòng Đọc Tổng hợp, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh (gọi tắt là Thư viện tỉnh), những người thủ thư nằm lòng các con số cơ bản: tổng kho 64.000 bản, kho phụ  16.000 bản, mã sách từ VND 01-40.000 nằm ở kho sách tầng 2, kho tầng 4 từ VND 40.001 trở đi, kho tầng 3 chứa toàn bộ sách VVD.

 

               Cán bộ Phòng Đọc Tổng hợp, Thư viện tỉnh lấy sách phục vụ bạn đọc.

“Cửa ngõ” đi ra của sách

“Trong công việc hằng ngày, chúng tôi đặt trọn mối quan tâm vào hai điều: một là khi phiếu yêu cầu được đưa ra, định vị sách nằm ở đâu để lấy ra phục vụ; điều nữa là lượng bạn đọc đến thư viện”, chị Nguyễn Thị Kim Chi, Phụ trách Phòng Đọc Tổng hợp, Thư viện tỉnh, mở đầu câu chuyện. Thật thú vị, khi tôi bất chợt gọi tên cuốn tiểu thuyết Anna Karenina, người thủ thư lâu năm ấy đã đọc ngay mã sách VND 48.863. Rồi  khi đọc VND 42.257, chị “đối đáp” ngay là cuốn Du lịch trong thế giới hóa học.

Hiện tại, Thư viện tỉnh có 11 người làm công tác phục vụ bạn đọc, phụ trách các phòng: Đọc Tổng hợp, Báo - Tạp chí, Nghiên cứu - Địa chí, Đọc Thiếu nhi, Mượn Tự chọn, Ngoại văn, Thông tin - Tư liệu. Từ những “cửa ngõ” này, nguồn sách ở thư viện được “lưu thông” đến tay bạn đọc. Trong đó, Phòng Đọc Tổng hợp luôn đón lượng bạn đọc đông đảo nhất, với 3 cán bộ mở cửa phục vụ cả thứ Bảy, Chủ nhật. Hằng ngày, họ đều ghi vào sổ Nhật ký thư viện về tổng số độc giả, tài liệu lưu hành trong ngày, đối tượng bạn đọc… làm cơ sở theo dõi tình hình hoạt động.

“3 năm học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhiều bạn bè và anh em tôi đã chọn Thư viện tỉnh làm nơi học tập lý tưởng nhất. Những cán bộ thủ thư ở đây đã để lại trong tôi ấn tượng về sự nghiêm khắc, nhưng cũng rất tận tụy, nhiệt tình. Giờ có dịp đi đến các thư viện khác trong và ngoài nước, tôi vẫn nhớ về những năm tháng gắn bó với Thư viện tỉnh, nhớ như in từng khuôn mặt thủ thư thân quen”.

NGÔ QUANG THÔNG - cựu học sinh chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - hiện đang theo học Đại học Texas tại Austin (Mỹ)

Từ khi được nâng cấp từ tủ sách lên thư viện xã (cuối năm 2011), công việc của chị Phùng Thị Lan, Phụ trách Thư viện Hội nông dân xã Bình Thành (Tây Sơn) cũng bận rộn hơn. “Kho sách nay đã tăng lên 1.400 bản, chưa kể 300 bản mỗi quý từ nguồn luân chuyển của Thư viện tỉnh. Bạn đọc tuy không đông nhưng đều có nhu cầu đọc hoặc mượn về nhà, buộc mình phải linh động phục vụ”, chị Lan cho biết.

Trong nghề của mình, thủ thư có không ít lần va chạm với bạn đọc vì lý do bạn đọc làm hư hỏng, hoặc “quên” trả sách. Theo chị Chi, một số ít bạn đọc có lòng yêu sách rất cực đoan theo kiểu sách hay giữ làm của riêng. Mới đây, Thư viện tỉnh nhận được… thư xin lỗi của một bạn đọc, sau thời gian kiên quyết không thừa nhận đã mượn không hoàn lại 2 cuốn sách của thư viện. Bức thư có đoạn viết: “Là con, T.T.H đây, khi các cô nhận được giấy này thì con đã hối hận lắm rồi. Con muốn được thú tội về hành vi sai trái của mình nhưng con không đủ can đảm gặp lại các cô nữa, mong các cô tha thứ!”.

Bền bỉ một tình yêu

“Chúng tôi luôn nhắc nhở đội ngũ phục vụ bạn đọc phải biết kho sách chúng ta có những gì. Nếu bạn đọc yêu cầu một cuốn sách đã có người mượn, người thủ thư có chuyên môn tốt và tinh thần làm việc tận tụy sẽ không chỉ trả lời là không có, mà phải giới thiệu bạn đọc những cuốn sách có nội dung tương tự. Nếu bạn đọc thật sự cần tài liệu ấy, thủ thư xin số điện thọai, khi nào sách hoàn trả về sẽ thông tin để họ đến mượn”.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh LÊ THỊ HUỆ

Thư viện huyện Hoài Nhơn mở cửa phục vụ bạn đọc 5 ngày/ tuần. Không chỉ phụ trách thư viện huyện, chị Đỗ Thị Kim Sương còn hỗ trợ tổ chức, phát triển mạng lưới thư viện ở cơ sở. “Trong năm 2012, chúng tôi đã phát triển thêm 6 tủ sách, nâng tổng số tủ sách cơ sở toàn huyện lên con số 18, điều kiện tiếp cận với sách của bà con trong huyện được mở rộng hơn”, chị Sương chia vui.

Từ khi đưa công nghệ thông tin vào lĩnh vực thư viện, chân dung một thủ thư đã khác trước nhiều; bên cạnh đức tính tận tụy, nhiệt tình là sự năng động để thích ứng với môi trường thư viện hiện đại. Như suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Uyên Trâm, Phụ trách Phòng Đọc Thiếu nhi, Thư viện tỉnh: “Nếu là một người thích đọc, quý sách, yêu công việc, hài lòng với mức lương khiêm tốn của mình, bên trong công việc tưởng chừng như lặp đi lặp lại ấy, sẽ thấy thủ thư là một nghề thú vị. Giữa người thủ thư và bạn đọc có chung một tình yêu với sách, với tri thức, điều đó tạo nguồn vui cho chúng tôi gắn bó với nghề hơn”.

Tuy vậy, với mỗi một thủ thư ở cơ sở, câu chuyện gắn bó với công tác thư viện của họ thấm đẫm nỗi nhọc nhằn. Chế độ cho cán bộ thư viện cơ sở vẫn dai dẳng bất cập. Ví như chị Lan, phụ trách thư viện từ năm 2006 đến nay nhưng không có một khoản thù lao nào. “Những khi đi đòi sách tại các thôn xa như Phú Lạc, An Dõng, tôi đành chọn đi xe đạp để khỏi tốn tiền xăng. Nhiều lúc thấy buồn vì tâm huyết của mình không được chính quyền địa phương chia sẻ, nhưng nghỉ thì không đành…”.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lời nhắc nhở cho nhiều nghệ sĩ  (01/03/2013)
Méo mặt vì được… thưởng tiền !  (28/02/2013)
Thanh Tuyền, Tuấn Vũ chính thức bị cấm biểu diễn ở Việt Nam  (28/02/2013)
Hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghi lễ Chầu văn là di sản  (28/02/2013)
Tiếng hát người thầy thuốc  (27/02/2013)
“Tiếp lửa” cho tuồng không chuyên   (27/02/2013)
Tổ chức Lễ tưởng niệm 47 năm vụ thảm sát Bình An  (27/02/2013)
Đón nhận Cờ thi đua xuất sắc 5 năm liền  (27/02/2013)
Cảnh cháy nổ trong phim Việt: Nguy hiểm cao, hiệu quả ít  (27/02/2013)
Quản lý mùa lễ hội năm 2013: Lực bất tòng tâm  (27/02/2013)
Tổ chức Lễ hội Vía Bà  (27/02/2013)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam  (26/02/2013)
Ấm áp ngày họp mặt  (25/02/2013)
Nhìn lại và hướng tới  (25/02/2013)
Ben Affleck nghẹn ngào nhận Oscar cho ‘Phim hay nhất’  (25/02/2013)