Ông bà ta thường nói “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, những người hoạt động phong trào trong tỉnh cũng đã tiếp nối truyền thống gia đình để tận tâm cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà. Tuy nhiên, từ chuyện nối nghiệp của “con nhà tông” trong lĩnh vực nghệ thuật, vẫn còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
|
Đoàn tuồng Trần Quang Diệu đang biểu diễn tại thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.
|
1.
Nhiều gương mặt nghệ sĩ trụ cột ở Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn hiện nay là thế hệ con cháu của các lớp nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh xưa. “Con nhà tông” trong lực lượng diễn viên, nhạc công tuồng không chuyên, các nghệ nhân bài chòi còn nhiều hơn. Truyền thống gia đình là nền tảng giúp họ bám trụ trên con đường nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự kiên trì, tận tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại. Bà Lê Thị Oanh (nghệ danh Kiều Oanh), Trưởng đoàn tuồng An Nhơn 2, tâm sự: “Tôi và chồng là Nguyễn Văn Hương (nghệ danh Bảo Thu) đều là “con nhà tông” nên tâm huyết bám trụ với nghề, dù tuồng không chuyên còn rất nhiều khó khăn. Thừa hưởng dòng máu nghệ thuật của bố mẹ, bốn người con của chúng tôi cũng tham gia hoạt động trong đoàn…”.
Trong phong trào văn nghệ quần chúng, cũng có nhiều gia đình có nhiều thế hệ cùng tham gia đóng góp tích cực. Tiêu biểu là gia đình nhạc công Ðỗ Hồng Sơn (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn), đã “cha truyền con nối”, gắn bó với âm nhạc truyền thống qua 4 thế hệ. Dù làm nghề phục vụ dàn nhạc đám tiệc để sinh nhai, ông Đỗ Hồng Sơn vẫn dành thời gian nghiên cứu âm nhạc truyền thống, truyền dạy lại cho con để cùng tham gia đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng huyện Tây Sơn. “Tôi luôn quan tâm đến việc truyền dạy các con, cháu cùng gìn giữ âm nhạc truyền thống”, nhạc công Đỗ Hồng Sơn bày tỏ.
Em ruột của nhạc công Đỗ Hồng Sơn là nhạc công Đỗ Anh Bình (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) cũng đã khẳng định tài năng qua tiếng kèn saxophone. Các con trai, gái của ông Bình được học các loại nhạc cụ truyền thống, đã cùng tham gia biểu diễn trong Liên hoan Đàn và hát Dân ca tỉnh Bình Định năm 2012. Ngoài ra, còn nhiều thành viên trong gia đình “họ Đỗ” có năng khiếu chơi nhạc cụ dân tộc, đã tham gia đóng góp cho các hoạt động văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh.
Ở TP Quy Nhơn, giọng ca Nguyên Trường hiện được giới chuyên môn đánh giá cao, với nhiều thành tích đạt được trong một số cuộc thi, là con trai của nhạc sĩ Thế Tuyên. Nhạc sĩ Châu Đức Khánh đã ra đi, nhưng hai người con của ông là Châu Phương Thị Trà My và Châu Phương Đông Pha vẫn tiếp nối hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng trong lĩnh vực múa. Châu Phương Thị Trà My (nghệ danh Châu My), hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tâm sự: “Nhờ thừa hưởng kiến thức âm nhạc và “gen” nghệ thuật của cha, chúng tôi có nhiều thuận lợi khi theo đuổi con đường nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp đại học biên đạo múa tại TP Hồ Chí Minh, tôi quyết định trở về quê hương tham gia đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng…”.
2.
Có những người thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật và ngọn lửa đam mê của cha mẹ, nhưng vì nhiều lí do đã chọn đi con đường nghệ thuật khác, nhưng họ vẫn nặng lòng với truyền thống gia đình. Là con trai của cặp nghệ sĩ hát bội Bình Định tài danh NSƯT Hoàng Chinh – Hồng Thu, nhưng Hoàng Việt lại thành danh với nghệ thuật múa. Tuy nhiên, anh vẫn luôn ý thức bảo tồn nghệ thuật tuồng thông qua những việc làm cụ thể như dàn dựng múa tuồng, viết kịch bản tuồng, chỉnh biên một số kịch bản tuồng sưu tầm trong dân gian. Nhiều năm qua, Hoàng Việt cũng âm thầm đầu tư công sức, kinh phí để phục hồi các bộ trang phục tuồng cổ Bình Định. Biên đạo Hoàng Việt tâm sự: “Tôi luôn ấp ủ những dự định đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng nên đã nhiều lần khai thác những vũ đạo, trích đoạn, bố cục, kịch tính của nghệ thuật tuồng để dàn dựng thành công các tác phẩm múa…”.
Bên cạnh nhiều “con nhà tông” luôn thiết tha và có ý thức gìn giữ, phát huy vốn quý của gia đình, dòng họ thì vẫn còn không ít con, cháu của họ không muốn theo đuổi nghiệp truyền thống. Nhìn sang công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, hầu hết đều do các nghệ nhân lớn tuổi đảm trách, thế hệ con cháu kế thừa rất hiếm. Điều này đặt ra vấn đề, trong công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, cần quan tâm, chú ý hơn đến việc nuôi dưỡng các thế hệ măng non của các gia đình nghệ thuật. Bởi họ là những người ít nhiều được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật và có ý thức hơn trong việc gìn giữ truyền thống gia đình.
|