Nhớ một tiếng gọi
20:53', 5/3/ 2013 (GMT+7)

Tết này, nhà tôi đông đủ con cháu hơn mọi năm. Đông hơn, cũng là vui hơn. Nhà trên rộn ràng quét dọn, trang hoàng bàn thờ tổ tiên. Nhà dưới xôn xao dao thớt. Ông bà cả năm trời mới gặp cháu, ríu rít hỏi thăm đủ chuyện.

Đêm. Cả nhà ngon giấc, má vẫn cặm cụi dọn dẹp. Vốn khó ngủ, tôi cũng phụ má một tay. Vừa lau lại sàn nhà dưới, má vừa thầm thì nói chuyện. Má bảo, Tết nhà đông người thì ấm cúng, má cũng thấy vui.  Vậy mà, vẫn có cảm giác niềm vui không trọn vẹn. Tôi hỏi vặn, má mới kể, mỗi lần nghe cháu nội gọi má nó là “mẹ”, lâu lâu lại chêm vào “mama” là má lại thấy khó chịu. Người mình, chỉ gọi “má” thôi. Mà con dâu có phải là người xứ sở nào xa lơ xa lắc nào đâu, nhà nội nhà ngoại cách nhau có mấy ruộng bắp thôi mà…

Mấy lời của má làm tôi cứ miên man suy nghĩ. Cách gọi cha, mẹ của người Việt mình phong phú vô kể. Tiếng Anh, chỉ đơn giản là “father”, “papa” và “daddy” để gọi cha; “mother”, “mom”, “mommy” hay “mama” để chỉ mẹ, không mang tính địa phương. Còn tiếng Việt, để gọi cha có “cha”, “bố”, “tía”, “thầy”, “cậu”… Cách gọi mẹ còn phong phú hơn nhiều, nào là “mẹ”, “má”, “mạ”, “u”, “bầm”, “mợ”… Ngôn ngữ thể hiện văn hóa. Cách gọi mẹ ở mỗi vùng miền là khác nhau, phần nào cũng biểu hiện nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Bạn tôi, một nghệ sĩ “cực đoan”, đã từng chia sẻ rằng, mỗi lần về quê Quảng Bình, nghe mấy đứa choai choai xa quê làm ăn vài tháng gọi “mẹ, mẹ” là muốn chửi thẳng vào mặt. Nhiều người cho rằng, gọi “mẹ” cho “đẹp”, cho “hiện đại”. Ra thế, hóa ra là theo họ thì tiếng gọi “mạ” từ bao đời nay không đẹp bằng “mẹ”. Với nhiều người như bạn tôi, tiếng gọi “mạ” thân thương là thế, vậy mà người ta không biết trân trọng, giữ gìn. Chẳng thể nào tránh được cảm giác tiếc nuối, mất mát, khi tưởng tượng đến một ngày tiếng gọi “mạ” sẽ không còn trên mảnh đất quê hương nữa.

Nghĩ đến đây, bất chợt, bên tai lại văng vẳng giọng ngâm của nghệ sĩ Minh Hoàng, với những câu thơ thấm đẫm hoài niệm của nhà thơ Xuân Diệu: “Tiếng đàng trong, tiếng đàng ngoài quấn quít/ Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà/ Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết/ Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chui cha!”. 

Người miền Nam hay nói: “Không có gì bằng cơm với cá, không có gì bằng má với con”. Vâng, với con, chỉ có “má”… 

  • AN NHIÊN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cơ cấu giải thưởng giải báo chí Quốc gia 2012  (05/03/2013)
Nguồn lực xã hội hóa cho văn hóa  (04/03/2013)
Chuyện “con nhà tông” nối nghiệp  (04/03/2013)
Viết thêm kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu  (04/03/2013)
Thị trường truyền hình trả tiền nhiều tiềm năng  (04/03/2013)
Khoảng cuối một đời người  (02/03/2013)
Nắng, những chồi non và chim sẻ  (02/03/2013)
Để sách đến với bạn đọc  (02/03/2013)
Lời nhắc nhở cho nhiều nghệ sĩ  (01/03/2013)
Méo mặt vì được… thưởng tiền !  (28/02/2013)
Thanh Tuyền, Tuấn Vũ chính thức bị cấm biểu diễn ở Việt Nam  (28/02/2013)
Hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghi lễ Chầu văn là di sản  (28/02/2013)
Tiếng hát người thầy thuốc  (27/02/2013)
“Tiếp lửa” cho tuồng không chuyên   (27/02/2013)
Tổ chức Lễ tưởng niệm 47 năm vụ thảm sát Bình An  (27/02/2013)