"Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" hoặc "Trai An Thái, gái An Vinh", là những câu ca nói về các làng võ xưa ở Bình Định. Ba làng võ An Vinh, An Thái và Thuận Truyền là ba làng võ nổi danh biểu trưng cho miền đất võ Bình Định: An Vinh giỏi quyền, Thuận Truyền giỏi roi thuộc môn phái võ ta, còn An Thái giỏi côn thuộc phái võ Tàu.
|
Lão võ sư Lâm Ngọc Phú đang biểu diễn một bài roi |
Làng An Vinh trước năm 1945 rất trù phú, dân cư đông đúc, nằm trải dài theo bờ bắc sông Côn. An Vinh thuở ấy thuộc xã Bình An, huyện Bình Khê nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Dân sở tại sống bằng nghề làm ruộng là chính, một số làm nghề buôn bán nhỏ, chài lưới, làm đậu miếng và dệt lụa…
Trước và sau năm 1945, An Vinh xuất hiện những võ sư có tên tuổi như Hương mục Ngạc, Cai Bảy (Cai Kềnh), Hương kiểm Cáo, Kiểm Mỹ, Hộ Hải, Hai Điển, Chín Đỗ... Đó là những viên chức làng xã dưới thời phong kiến. Những võ sư rất tinh thông võ nghệ, có sức mạnh hơn người, một mình có thể địch hàng chục, hàng trăm người như Cai Bảy, Hương kiểm Cáo hoặc sử dụng thành thạo đến mười tám món binh khí như Chín Đỗ. Những năm từ 1960 trở đi, một võ sư tên tuổi là Nguyễn Kim Bảng, là người kế thừa phái võ An Vinh đã nổi danh ở Gia Lai, Kon Tum và đã mở nhiều võ đường thu hút hàng trăm võ sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau.
Nơi đây vẫn truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện về một cô gái liễu yếu đào tơ hạ hàng chục địch thủ mà không mấy nhọc sức. Người con gái đó không ai khác hơn là cô Tám Cảng, con gái cưng của ông Hương mục Ngạc. Cô Tám đã từng thử sức nhiều võ sĩ đương thời thuộc nhiều môn phái khác nhau nhưng chưa hề thất bại. Cô Tám đã đi vào huyền thoại trong làng võ của đất Tây Sơn, như là một võ sư tên tuổi vào ra các đấu trường như chỗ không người. Sau này, phái "yếu" chưa có ai nối nghiệp được cô Tám cả. Có lẽ từ đó xuất hiện câu ca: "Trai An Thái, gái An Vinh" chăng?
Phía bắc làng An Vinh là làng Thuận Truyền, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), chỉ cách An Vinh chừng 5-6 km, nổi tiếng về roi. Roi Thuận Truyền đi liền với quyền An Vinh. Làng Thuận Truyền phần lớn là đất núi đồi, nhân dân lam lũ với nghề nông, nghề vườn bốn mùa khoai sắn. Đất đai thì cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Sư tổ của làng roi ở đây phải kể đến Hồ Ngạnh. Đường roi của ông thiên biến vạn hóa, hiểm hóc khôn lường. Một khi địch thủ đã lâm vào thế trận roi vây bủa của ông, chỉ nghe tiếng vù vù cũng đủ khiếp nhược tinh thần.
Bên kia sông Côn là làng An Thái nằm trải dài đến vài cây số. An Thái xưa nay vẫn thuộc xã Nhơn Phúc của huyện An Nhơn, là một thị tứ nho nhỏ thơ mộng, quyến rũ và cổ kính. Phố xá thì nhỏ hẹp, cũ kỹ, nhà cửa phủ rêu phong phảng phất một Hội An thu nhỏ. An Thái bấy giờ như một trung tâm huấn luyện võ thuật truyền thống thuộc phái võ Tàu. Thầy giáo Hiến từng đến đây mở trường dạy học và đã được anh em Tây Sơn đến xin thọ giáo. Nhân dân An Thái vốn có truyền thống thượng võ và rất yêu thích võ thuật. Nhà giàu có thì thuê thầy võ đến truyền dạy cho con cháu, nhà nghèo cũng phải tìm cách gửi gắm cho võ sư nào đó vò vẽ năm ba đường côn, bài quyền. Thành thử, đã làm "trai An Thái" thì phải biết võ nghệ. Võ sư Tàu Sáu là người nổi tiếng nhất ở làng võ An Thái. Nhưng sau này, An Thái đã phân ra nhiều chi phái nhỏ hơn, có phái lại lai cả võ ta lẫn võ Tàu. Hiện nay, ở An Thái có đến bốn lò võ lớn là lò võ Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang (tức phái Tàu Sáu), và Hồ Hoành. Trong đó võ Bình Sơn là đông hơn cả.
|
Cháu ngoại của lão võ sư Lâm Ngọc Phú đang biểu diễn một bài quyền |
Nói đến võ Bình Định là phải kể đến các làng võ An Vinh, Thuận Truyền, An Thái, một thời đã là cái nôi của môn võ thuật Bình Định từng làm rạng danh đất Tây Sơn lịch sử. Theo lão võ sư Lâm Ngọc Phú, chưởng môn võ đường Bình Sơn, kể rằng: "Ngày xưa, vùng đất này thường hay tổ chức Hội đổ giàn, cướp heo quay. Đó là dịp để những người học võ, những lò võ, những làng võ thi thố tài năng với nhau, lễ vật cướp được không lớn nhưng đó là danh dự uy tín của người học võ…".
Ngày xưa, người học võ là học cả đời, có người theo học võ từ khi tóc còn để chỏm cho đến khi lấy vợ, sinh con mà vẫn còn học. Ví như lão võ sư Phan Thọ, hiện đang ở Bình Nghi, Tây Sơn, ông theo học võ từ thuở thiếu niên, khi lập gia đình, vợ ông đã bán 2 con bò để lấy tiền cho ông tiếp tục "tầm sư học võ".
Ngày nay, các lò võ ở An Vinh, An Thái, Bình Nghi vẫn còn mở lớp dạy võ cho thanh thiếu niên trong vùng và các vùng lân cận; có võ đường là "vệ tinh" cung cấp VĐV cho Sở TDTT. Thế nhưng theo võ sư Lâm Ngọc Phú, thì: "Bây giờ thanh thiếu niên học võ theo kiểu "cấp tốc", học cho có miếng để tự vệ, phòng thân chứ không khổ luyện như lớp cha anh ngày trước…".
. Lưu Nguyễn
|