Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền
16:48', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Cuối tháng 9 năm 2004, trong đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tham dự Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tại Chungju (Hàn Quốc), lão võ sư 77 tuổi Ngô Bông (Quảng Ngãi) đã biểu diễn 3 bài quyền cổ của võ cổ truyền Việt Nam, gồm: Hùng Kê Quyền, Lưỡng Kinh Hương và Đại Đao. Bài biểu diễn Hùng Kê Quyền của lão võ sư Ngô Bông đã tạo được tiếng vang lớn tại Liên hoan (với sự tham dự của hơn 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới). Tương truyền, Hùng Kê Quyền là do ông Nguyễn Lữ (1754 -? ), qua nghiên cứu các thế gà đá (chọi) nhau, đã sáng tạo ra. Nhân dịp năm Gà, xin kể lại vài chuyện góp nhặt về Nguyễn Lữ và Hùng Kê Quyền.

Từ thế gà chọi này, Nguyễn Lữ đã sáng tạo ra Hùng Kê Quyền (ảnh: Văn Lưu)

Nguyễn Lữ là em thứ ba sau Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Lớn lên theo hai anh xuống Bằng Châu (An Nhơn) thụ giáo ông Đinh Chảng hai năm rồi lên An Thái, theo học văn lẫn võ cùng thầy Trương Văn Hiến. Theo Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao, "Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về môn miên quyền... Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền." Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, một bài võ phù hợp với mình cũng như phù hợp với thân hình bé nhỏ của người Việt.

Thế Xuyên hầu độc tiễn trong Hùng Kê Quyền do lão võ sư Ngô Bông biểu diễn (ảnh: Công Tâm)

Theo yêu cầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lúc bấy giờ, làm sao chỉ trong một thời gian ngắn, phải huấn luyện cho các nghĩa quân Tây Sơn tinh thông võ nghệ (muốn tinh thông võ Tàu, ít ra cũng phải mất 10 năm rèn luyện) theo phương châm: Yếu có thể đánh mạnh/ Thấp có thể đánh cao/ Nhỏ có thể đánh lớn/ Ít có thể đánh nhiều. Và yêu cầu bức thiết đó đã khiến Nguyễn Lữ không thể thờ ơ. Qua nghiên cứu các thế gà đá nhau, ông đã áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra lối võ dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, để rồi tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Cuối cùng, ông đã chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê Quyền. Cùng thời gian này, Nguyễn Huệ đã sáng tạo ra bài Nghiêm Thương còn nữ tướng Bùi Thị Xuân thì sáng tạo bài Song Phượng Kiếm.

Một thế của Hùng Kê Quyền do một VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định biểu diễn (ảnh: Công Tâm)

Ngay sau khi ra đời, Hùng Kê Quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Có thể nói, trong những chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn, có phần đóng góp của Hùng Kê Quyền. Tương truyền, một võ sư Thiếu Lâm muốn khảo chứng uy lực của Hùng Kê Quyền đã đến khích bác: Đến như hổ báo kia đã hùng được chưa mà kê đã dám xưng hùng. Khi ấy Nguyễn Nhạc vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà có rất nhiều hào kiệt tứ phương, ông không muốn mất hòa khí đang gầy dựng nên bảo em (Nguyễn Lữ) cố ý tránh né nhưng vị võ sư kia vẫn cứ muốn so tài. Cực chẳng đã, cuối cùng Lữ đành nhận lời giao đấu. Vào trận, trường quyền của vị võ sư kia như giông như bão liên tục phủ xuống nhưng Nguyễn Lữ vẫn cứ ung dung xuyên qua xuyên lại như chú gà con lanh lẹn trước một con gà lớn hung dữ nhưng chậm chạp. Suốt một canh giờ, quyền của vị võ sư kia vẫn không hề đụng được vào áo của Nguyễn Lữ. Và trong khoảnh khắc khi đối thủ lộ sơ hở, Nguyễn Lữ đã phản công và chỉ với một chiêu duy nhất, ông đã làm cho đối phương bị "nốc ao". Kẻ thách đấu lúc đó mới tâm phục khẩu phục.

Theo sách cũ, tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), sau khi thành Gia Định thất thủ về tay Nguyễn Ánh, Đông Định vương Nguyễn Lữ xuống thuyền chạy về Quy Nhơn, chịu tội cùng anh, rồi lên ngựa trở về Kiên Mỹ thăm lại cố hương. Sau đó 2 anh em chia tay nhau, Nguyễn Nhạc tiếp tục chí lớn của mình, còn Nguyễn Lữ mây ngàn hạc nội, không còn ai biết rõ ông ở đâu. Dù vậy, bài võ Hùng Kê Quyền vẫn truyền lại đến hôm nay và trở thành một tài sản văn hóa quý báu không chỉ của riêng Bình Định.

. Thúc Giáp

 

Bài thiệu Hùng Kê Quyền

Phiên âm:

Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như bạch hổ

Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long

Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tự hung

Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung

 

Dịch nghĩa:

Hai con gà chọi nhau để tranh hùng

Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên

Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng

Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh

Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)

Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch

Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho

Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (30/01/2005)