Chùa Long Phước thuộc huyện Tuy Phước của đất võ Bình Định. Chùa nép mình dưới bóng tre xanh hiền hòa của làng quê Việt Nam muôn thủa. Trong chùa, sớm chiều vang lên tiếng mõ, tiếng tụng kinh của các nhà sư tan vào làn sương bảng lảng. Cùng với sự tĩnh lặng của không gian là sự miệt mài, lặng lẽ tập luyện võ thuật của các môn sinh.
Đáng quí hơn là từ ngôi chùa này, các nhà sư trụ trì đã hiến cho ngành thể dục thể thao tỉnh, đặc biệt là các võ sư những tài liệu quí giá về võ thuật trong những cuốn sách mà sư tổ của họ truyền lại.
Nhà sư Hạnh Hòa trụ trì chùa Long Phước cho biết về vị sư tổ của mình. Ngài có pháp danh là Hư Minh, còn tên thật, quê quán ở đâu không ai biết. Nhà sư Hư Minh sống dưới thời vua Lê Chiêu Tông. Do Nam Bắc phân tranh Trịnh - Nguyễn, ngài sớm bị mồ côi cha mẹ, phiêu bạt khắp nơi kiếm sống và tìm thầy học võ mong giúp ích cho đời.
Sau ngót 40 năm trời công phu học tập võ nghệ, sư tổ đã sưu tầm được nhiều bài võ cổ từ thời Hồng Bàng, Hùng Vương đến các chiêu pháp võ công siêu việt của các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão hay như bài kiếm pháp của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cùng các danh sư làng võ, ẩn sĩ nhiều đời truyền lại. Sau đó, sư tổ hệ thống lại và phân ra các bậc từ thấp đến cao, phổ vào dạng toán số cho ngắn gọn, dễ nhớ. Lại có đủ các phép binh thư đồ trận sắp xếp theo từng trình độ. Bộ binh thư dày chưa quá 1.000 trang, có tới hơn 2.000 bài thảo của thập bát ban binh khí và phần phụ lục cho các binh khí đặc dị. Cuốn kỳ thư đó có tên "Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp".
Nhà sư Hạnh Hòa cùng đồng đạo Vạn Thanh đã tận tâm truyền dạy các bài võ cổ cho các môn sinh đến học và chép một số trang trong cuốn "Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp" tặng Sở Thể dục Thể thao Bình Định. Sau đó ít lâu, hai nhà sư chùa Long Phước lại tìm được một số trang cuốn kỳ thư khác có tên gọi "Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thảo quyền". Cuốn này có 2 tập, tập thứ nhất là "Tây Sơn liệt quang chi binh pháp", tập thứ hai là "Phò Đại Nam triều chi tướng thao". Sách chép tiểu sử của một số danh tướng Nhà Tây Sơn, các bài võ nổi tiếng của họ và cắt nghĩa nguồn gốc, xuất xứ bài võ đó.
Đây là những cuốn sách võ vô cùng quí giá cần được ngành TDTT quan tâm khai thác, học tập, bảo tồn và phát huy.
. Nguyễn Văn Chương |