Ở đất Bình Định, ai mà chẳng nghe câu: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" hoặc "Trai An Thái, gái Thuận Truyền". Câu nói ấy thể hiện một đặc điểm của An Thái, ấy là một lò võ lớn nổi tiếng của miền quê này. Trai gái đều giỏi giang võ thuật như nhau.
An Thái gồm 7 thôn lớn và một thị tứ, thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn. Nhân dân ở đây sống chủ yếu bằng trồng lúa, trồng mía, kéo mật làm đường và các nghề thủ công như dệt vải lụa, nhuộm the và buôn bán nhỏ. An Thái gần sông Côn, gần đường hàng huyện lại có thị tứ nên việc buôn bán rất nhộn nhịp. "Nhất cận thị, nhị cận giang" là vậy. Đầu thế kỷ XVII, nhiều người Hoa lánh nạn trong cuộc "phản Thanh phục Minh", lưu lạc đến đây sinh cơ lập nghiệp. Họ giỏi buôn bán và các nghề thủ công nên việc làm ăn của dân địa phương cũng nhờ thế mà phát triển.
Lò võ An Thái gồm 4 nhánh: Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang, Hồ Hoành. Nhân dân An Thái từ già đến trẻ, từ trai đến gái hầu như đều giỏi võ. Thủa xưa nơi đây còn gần rừng núi và hoang vắng, lại loạn lạc giặc giã nhiều, nên ai cũng thi nhau luyện tập để có sức khỏe chống trộm cướp, chống thú dữ và bảo vệ làng xóm.
Phái võ Bình Sơn ở Thắng Công duy trì được những ngón bí truyền của võ Việt và kết hợp với võ Tàu của người Hoa. Ba phái kia thì thuần dạy võ Tàu, sau có kết hợp với võ Việt cho thêm phong phú.
Mỗi dịp Tết đến, nhân dân An Thái có trò chơi "phá giàn tranh heo" để thi thố sức khỏe và sự nhanh nhẹn của các võ sĩ. Những người dự thi đứng chung quanh giàn, chờ người trưởng trò chặt đứt dây giữ giàn buộc con heo quay rơi xuống. Người dự thi phải dùng mọi thủ pháp, miếng võ, sức mạnh và sự nhanh nhẹn để đoạt bằng được con heo. Ai tranh được, vác chạy một mạch về thôn mình là thắng cuộc, được mọi người tôn vinh và trọng nể.
Thủa xưa, thày giáo Trương Văn Hiến từ xứ Nghệ lưu lạc vào đất An Thái. Thày ra mắt dân làng bằng một pha ngoạn mục: nửa đêm thày dùng võ nghệ đánh tan bọn cướp lớn trên sông Côn. Dân làng mến phục, kính trọng, giúp thày mở lò dạy võ. Thày tận tâm truyền dạy võ nghệ cho con em họ. Người theo học rất đông. Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng đến Thắng Công học văn, học võ thày Hiến và làm nên sự nghiệp vĩ đại. Các học trò khác của thày Hiến đều là những chiến binh dũng cảm của nghĩa quân Tây Sơn.
An Thái nay là một trong bốn trung tâm dân cư, là "cụm văn hóa" của huyện An Nhơn. Lò võ An Thái vẫn được duy trì và phát triển. Nhiều võ sinh nhỏ tuổi ngày ngày học tập, rèn luyện sức khỏe để góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
. Nguyễn Văn Chương |