Nơi định danh là Miền đất võ
17:4', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Không biết tự bao giờ, khi nói đến truyền thống thượng võ, người ta đều nghĩ ngay đó là vùng Bình Định. Căn nguyên để Bình Định trở thành Miền đất võ, có lẽ còn phải bàn thêm, nhưng việc hình thành nên những làng võ, làng tuồng, làng bài chòi... trong cơ cấu làng là hiện tượng hiếm có trên đất nước ta.

Nền học võ chân truyền Bình Định được hình thành theo đơn vị làng mà mỗi khi nhắc đến không ai là không biết tới các địa danh như: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền... Chính những làng quê ấy đã góp phần tô thắm nên bức tranh hoành tráng của truyền thống thượng võ, được coi là nét sinh hoạt dân gian tồn tại bền chặt trên vùng đất Bình Định từ xưa đến nay. Về nguồn gốc của Võ Bình Định đã được giới nghiên cứu bàn đến, nhưng cái lý mà ông Vũ Ngọc Liễn, một nhà nghiên cứu văn hóa Bình Định, đưa ra dễ chấp nhận. Ông cho rằng Bình Định xưa là vùng đất phiên trấn biên giới Việt - Chăm, nơi lưu đày hoặc lánh nạn của các hào kiệt không thuận ý quân vương, nơi dung nạp những con người thất cơ lỡ vận. Đương nhiên song hành với hai đối tượng vừa nói không ít lũ lưu manh truyền kiếp cũng trà trộn đến đây "hành nghề" bất lương. Cho nên thuở ấy vùng này trộm cướp liên miên, chính quyền đương thời chẳng những không kiểm soát nổi mà còn thả nổi. Chuyện cha Hồ, chú Nhẫn sống ngoài vòng cương tỏa, tung hoành vùng núi Truông Mây (nay là Hoài Ân); chuyện Chàng Lía vừa là tướng cướp vừa là con người đậm màu hiệp sĩ có phạm vi hoạt động từ vùng núi Bình Khê đến Hoài Ân, nghĩa là từ vùng núi phía nam đến bắc Bình Định... là những minh chứng.

Do đặc điểm địa lý và xã hội vùng Bình Định thuở sơ kỳ, nên nhu cầu về võ nghệ thuở ấy cực kỳ bức thiết nhằm rèn luyện thể lực chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ, chống trộm cướp bảo vệ tính mạng và thành quả lao động đồng thời chống áp bức, cường quyền, bênh vực kẻ yếu, giúp người nghèo... Biểu tượng cho những đức tính ấy là nhân vật Chàng Lía, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII trước khi có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Sự tích Chàng Lía với sức sống của nó mang tính truyền kỳ nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành Miền đất võ Bình Định; đồng thời cũng là bức tranh toàn cảnh cái đêm hôm trước của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Theo ông Vũ Ngọc Liễn, trước khi là vua, là tướng, lực lượng cốt cán của nghĩa quân Tây Sơn đều là những võ sĩ, hiệp sĩ võ nghệ cao cường... Chính cái phẩm chất tráng sĩ trong từng con người ấy là nhân tố quyết định mọi thắng lợi phi thường của quân đội Tây Sơn...

Các năm 1998-1999, trên mảnh đất Bình Định đã phát hiện được ba văn bản bằng Hán Nôm về những bài võ Bình Định tại các từ đường Phan Thọ, xã Bình Nghi (Tây Sơn); từ đường họ Trương xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) và võ đường Thanh Lương, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Những tư liệu này cho thấy Bình Định rất xứng đáng với cái tên gọi "miền đất võ", mảnh đất này đã hun đúc nên bao tài danh trên làng võ không phải trong giang hồ như một số người nhìn nhận, mà có sắc của vua ban và được khắc bia lưu danh ở cố đô Huế.

. TS. Đinh Bá Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)