Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái
17:11', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Mảnh đất An Thái xã Nhơn Phúc (An Nhơn) từng nổi tiếng là cái nôi võ Bình Định, cũng là nơi có nhiều gia đình người Hoa sinh sống, đan xen với cộng đồng người Việt, làm cho đời sống văn hóa người dân vùng đất này thêm phong phú.

Để không ngừng nâng cao võ thuật cho các phái võ, ở vùng này không những thường tổ chức đấu võ đài, mà còn có hình thức cao hơn là tổ chức Lễ hội Đổ Giàn do một số dòng họ người Hoa lĩnh xướng. Chùa Ngũ Bang Hội Quán là nơi diễn ra lễ hội Đổ Giàn, từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 âm lịch (4 năm tổ chức một lần).

Cụ Tạ Chương Phát, năm nay 76 tuổi, kể lại diễn biến lần tổ chức lễ hội Đổ Giàn sau cùng, lúc ấy cụ đã 16 tuổi. Về phần lễ, khoảng 2-3 giờ sáng rằm là bắt đầu lễ rước nước, lấy từ sông Kôn, cách vài ba cây số về phía thượng nguồn ở đoạn sông sâu, nước trong sạch nhất. Nước được chứa trong cái chum đất mới sạch sẽ để trên kiệu hoa gọi là Long Đình, có cờ phướn, nhạc, chiêng trống… Ban lễ đưa nước về dâng lên bàn thờ Phật trong chánh điện và các bàn thờ hai bên tả hữu. Mờ sáng ngày rằm là tiến hành lễ rước Phật, có chiêng trống, cờ phướn, học trò gia lễ đi hai bên kiệu hoa, đi giữa là ban lễ. Xuất phát từ chùa Hội Quán lần lượt đi hết các chùa của người Hoa trong phố và đến chùa Phổ Tịnh là chùa Phật để làm lễ rước Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy. Hai bên dãy phố, nhà nào cũng thiết hương án, lễ vật trước sân, khi đoàn rước Phật đi ngang thì chủ nhà ra cắm hương trên kiệu hoa. Bắt đầu khai lễ tại chánh điện là làm thủ tục cung nghinh chức sự (chủ sám, kinh sư, công văn, thuyết pháp…) và trình tự khai kinh, niệm kinh, tụng kinh, trai đàn và cúng chẩn diễn ra suốt 3 ngày đêm.

Phần hội được chuẩn bị khá công phu, tốn kém. Cụ Thái Giáo Thông, 72 tuổi, mô tả: Một khán đài (giàn) bằng gỗ và tre được dựng lên trước cổng chùa. Giàn cao hơn 2 mét, chiều rộng mỗi bề khoảng 4 mét đủ đặt hương án, lễ vật gồm tam sanh (heo, bò, dê) và hoa quả, đứng cúng trên giàn lễ chỉ có ban lễ và học trò gia lễ, áo mão theo từng chức sự của nghi thức.

Tối rằm là làm lễ phóng đăng, phóng sanh (chim, cá) ở giữa sông Kôn; múa lân và hát bội; 3 đêm liền nhà nào cũng thắp đèn lồng rực sáng cả phố chợ và hương án trước nhà. Trước sân chùa có dựng một ngôi nhà tạm lắp ghép bằng gỗ được làm sẵn, xong lễ hội là xếp lại đến kỳ sau lại dựng lên. Khách thập phương xa gần đến dự lễ hội, kể cả người hành khất đều được vào nhà tạm ăn uống, nghỉ ngơi. Thời đó, ở An Thái nhiều người Hoa giàu có nên khả năng đóng góp cho lễ hội rất lớn.

Trong phần hội quan trọng nhất là Đổ Giàn, sau 2 ngày 16 và đến trưa 17 là hoàn mãn, đúng giờ mùi (khoảng 13 giờ) là lên Giàn chẩn. Ba hồi chiêng, trống vừa dứt là Đổ Giàn. Võ sĩ từ các võ đường bên này, bên kia sông Kôn được tề tựu trước, bắt đầu ra tay giật phướn, giật heo… Hầu như Đổ Giàn năm nào phần thắng cũng thuộc về các võ sĩ An Thái, vì bản lĩnh võ công và vì lợi thế "sân nhà". Vì tinh thần thượng võ nên các trường phái võ thắng không kiêu, bại không nản.

Ngót 60 năm rồi, lễ hội Đổ Giàn chưa có dịp khôi phục lại như xưa. Sang năm 2005 (năm Dậu) đúng chu kỳ tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đang phối hợp với địa phương khảo sát, chọn lọc tư liệu để xây dựng đề án, dàn dựng kịch bản chuẩn bị khôi phục lễ hội Đổ Giàn. Một lễ hội có ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ trên miền đất võ An Thái, đã từng góp phần quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm để cho "Quốc thái - Dân an", làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của quê hương Bình Định.

. Trần Duy Đức

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)