Giai thoại:
Roi Kinh, quyền Bình Định
17:17', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Khoảng năm 1766, thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, có tên tham quan về hưu, đến chiếm giữ một vùng làng mạc trù phú ở phía đông bắc núi Chớp Vàng. Tên cường hào này có cuộc sống rất ô trọc, tàn ác, việc đầu tiên lão làm tại vùng đất vừa chiếm cứ là một nhà giam, một máy chém và tự đặt ra luật lệ, buộc người dân trong vùng trở thành nông nô cho lão.

Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghĩa ở vùng Thượng đạo và Hạ đạo, lão cường hào kiếp sợ, co mình trong lớp vỏ một kẻ lương thiện, để qua mắt quan quân, song không vì thế mà lão giảm bớt những thú vui ô trọc. Nhiều người dân lương thiện và gái đẹp tiếp tục mất tích.

Mãi đến năm Kỷ Dậu (1789), sau khi Hoàng đế Quang Trung thắng trận Đống Đa mới có thì giờ lo cải tổ việc cai trị trong nước. Khoảng thời gian năm 1799, quan tiền quân họ Võ có dịp trở lại thăm quê nhà ở Tây Sơn Hạ đạo.

Lúc quan tiền quân tiếp khách tại nhà riêng, nhiều bô lão trong làng đến thăm hỏi và tường thuật những điều mắt thấy tai nghe, xưa nay vẫn còn uẩn khúc quanh vùng. Quan tiền quân cho mọi người lui ra hết, chỉ lưu lại một người lớn tuổi nhất. Quan tiền quân hỏi người ấy:

- Ông có biết bọn thủ hạ đắc lực của tên cường hào đó có bao nhiêu người không?

- Bẩm quan, điều này rất hệ trọng, vì thế xưa nay chẳng ai dám nói ra. Thực tế thủ hạ của cường hào toàn một lũ cướp giật, gồm bốn mươi tên, trong đó có ba tên cầm đầu võ nghệ kinh khiếp khắp vùng chẳng ai dám đối địch.

Quan tiền quân mỉm cười:

- Các việc khác ta tin lời ông. Riêng không việc ai chống cự nổi ba tên súc sinh ấy ta không tin. Ông suy nghĩ tiếp đi, xem vùng Tây Sơn Hạ đạo này còn thanh niên giỏi võ nào có khả năng đánh được bọn đó không?

Quan tiền quân họ Võ cho ông lão ra về và cho người gọi Trần Sào đến. Trần Sào đứng trước mặt quan chỉ cung tay xá, và vòng tay hầu một bên, chứ không quỳ. Quan tiền quân thấy Trần Sào vai hùm, lưng gấu, trán rộng, mặt vuông, sóng mũi ngay thẳng, biết là người trung chính, có ý khen thầm nhưng cũng gạn hỏi:

- Tại sao người tên Sào?

- Bẩm quan, vì tôi họ Trần, thường sử dụng cây roi dài hai mươi mốt thước mộc, như cây sào để luyện tập. Vì vậy người trong vùng gọi tôi là Trần Sào.

- Tốt lắm! Vậy ngươi luyện võ giỏi hay roi?

- Tôi chỉ tập trung cách đánh thắng địch thủ chứ không chú ý đến quyền hay roi.

Quan tiền quân cười đáp:

- Ta không tin lời nói của ngươi. Ở Hóc Bộm phía đông vùng Chớp Vàng chỉ có ba tên giặc cỏ, người không dám đụng đến, nói chi đến việc thắng bại.

Trần Sào vẫn bình thản trả lời:

- Bẩm quan, đấu pháp phải từ nhiều mặt. Hội đủ điều kiện đánh sẽ thắng. Chưa đủ điều kiện, chẳng những chỉ hại thân danh mà còn làm hại đến nhiều người. Hôm nay nếu quan của triều đình ra lệnh cho tôi giết cướp mà tôi không tuân mới cho là tôi nói sai.

Quan tiền quân gật đầu khen:

- Được lắm! Ta ra lệnh nội trong ba hôm, ngươi phải cắt đầu ba tên cướp bỏ trên núi, dìm thân bọn chúng xuống vực sâu cho ta.

Buổi chiều ngày thứ ba, Trần Sào cầm rựa quéo cán dài, một mình đi vòng qua phía tây núi Chớp Vàng, đến chờ ở trên bờ một vực nước sâu. Đến lúc chạng vạng tối, ba tên cướp xuất hiện, từ thung lũng Đồng Sim đi ra. Trần Sào chống cán rựa quéo xuống đường nạt:

- Đứng lại!

Ba tên cướp dừng ngựa, tên đầu sỏ cười nhạt hỏi:

- Thằng Sào, mày dám chặn đứng bọn tao à?

Hai tên em út gã cướp chẳng cần nói năng, nhảy càn xuống ngựa, quơ đoản đao đánh ngay. Trần Sào hoa cây rựa quéo dài cán gạt béng vũ khí của bọn cướp ra hai bên. Hai tên cướp thấy mở miếng võ đầu không thành công, đều thay đổi cách đánh, kẻ trước người sau, tập kích Trần Sào liên tục.

Trần Sào bỗng trầm giọng quát:

- Còn một đứa nữa mau xuống ngựa. Cả ba đứa bay cứ dốc hết sức đi, hôm nay ta không tha mạng cho đâu.

Tên đầu sỏ nghe nói, nổi giận phóng ngay xuống ngựa, múa cây đại đao vùn vụt, áp đánh cùng đồng bọn. Trần Sào đã thấy ba tên cướp rời khỏi ngựa, lập tức co ngón tay búng ba viên sỏi vào mắt của ba con ngựa làm cả ba hoảng kinh hí vang, cuốn vó bỏ chạy mất. Ngay lúc ấy, lưỡi rựa quéo của Trần Sào như một loại binh khí quái dị luôn bao phủ ba tên cướp và lần lượt giật rơi hết vũ khí tên tay chúng. Hai bên đánh nhau chưa đầy một khắc, ba tên cướp tay chân luống cuống bị Trần Sào chém rơi đầu xuống đất.

Hôm sau trưởng làng nhận được trát quan huyện, đòi phải bắt nộp kẻ gây án mạng trong làng. Trưởng làng, họ Văn, biết quan tiền quân họ Võ là người cầm đầu vụ án mạng này, nên không dám bắt Trần Sào. Trưởng làng bị quan huyện thúc ép quy trách nhiệm đã để án mạng xẩy ra trong làng và bắt giam vào ngục kín.

Giữa lúc cả gia đình họ Văn đang hoang mang sợ hãi, quan tiền quân họ Võ cho đòi em trai của trưởng làng họ Văn lại nói:

- Nghe đồn ngươi văn hay chữ tốt, vậy cứ vâng lời ta làm tờ trình quan để cứu mạng cho anh ngươi.

Em trai họ Văn vâng mệnh, đem giấy bút đặt trước quan tiền, quan chuẩn bị ba tờ. Quan tiền quân đọc: "À... ba tên bị giết chết là ba quân giặc cướp, không phải dân lương thiện, quan huyện muốn bắt tội người giết chúng, cứ lên núi có ba thủ cấp bọn cướp bắt tội sơn lâm, lội xuống vực sâu, chỗ có thân chúng bắt tội hà bá…".

Quan huyện xem tờ trình nổi giận quát mắng, nhưng khi nghe tên lính dân tờ trình nói nhỏ mấy câu, quan huyện thất kinh, lập tức hạ lịnh mở ngục kín thả ngay trưởng làng họ Văn ra. Cũng vừa lúc ấy, quan tiền quân họ Võ đã đến huyện đường nạt ngay quan huyện:

- Người làm quan huyện hưởng bổng lộc triều đình, chẳng lo tiêu trừ bọn giặc cướp ở địa phương. Lại còn xử án hầm hồ, bắt giam người trái phép. Nếu không mau khai báo điều ẩn khuất, ta không dung tha cho đâu.

Quan huyện biết không thể giấu được đành thú nhận có nhận vàng đút lót của tên cường hào. Quan tiền quân sai lính lột hết áo mão quan huyện và giam chung với lão cường hào vào ngục kín. Sau đó quan tiền quân tịch biên tài sản, ruộng đất của tên tham quan, và lão cường hào chia điều cho dân quanh vùng. Trưởng làng họ Văn được lên thay quan huyện.

Một hôm, quan tiền quân họ Võ gọi Trần Sào đến nói:

- Người cũng có chút ít tài cán, dũng khí, sao không đến kinh đô ứng thí?

- Bẩm quan, lâu nay tôi chưa gặp được quý nhân, dẫu có đến kinh đô ứng thí, cũng chưa chắc đã thành công.

- Ta không muốn tiến cử những kẻ bất tài. Nếu người ra trường thi Huế làm nên việc, ta sẽ nói giúp cho vài câu.

Ngày sau, Trần Sào sắm sửa khăn gói đi kinh đô, quan tiền quân họ Võ gọi đến dặn riêng:

- Quan giám khảo trường thi rất giỏi về phép đánh roi, ngươi phải tự lượng sức để khỏi hổ danh là võ sinh Bình Định.

Trần Sào nghe xong vẫn im lặng. Lúc ra đến kinh đô, vào trường thi các môn múa côn, quyền, nhấc kẽm, bắn cung, nhảy ngựa, Trần Sào đều được vượt qua các thí sinh một cách dễ dàng. Đến khi thi giao đấu với các thí sinh, đường nét côn, quyền, đao, kiếm của Trần Sào làm quan giám khảo chú ý. Cuối cùng quan giám khảo trường thi bước ra đấu trường nói với Trần Sào:

- Ngươi thường ngày giỏi về quyền hay roi?

- Bẩm quan, võ kinh có câu: "Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị", phép đánh nhau không thể nói trước giỏi về môn gì, chỉ lúc lâm trận mới phân cao thấp được.

Quan giám khảo nghe Trần Sào đối đáp hợp lý nên cũng có ý mến tài nói:

- Ta muốn thử đấu roi với ngươi. Nếu ngươi đụng được vào vạt áo dài của ta, kể như ngươi đã thắng.

Trần Sào cung tay vái dài một cái nói:

- Cuối hiệp đấu thứ hai, xin quan lớn lưu ý giữ phía sau.

Hai người lui lại, đồng sử dụng roi dài hai mươi mốt thước mộc để giao đấu. Đầu của cả hai đối thủ bỗng xoay vù vù và đâm vào nhau liên tục. Nhưng cả hai người vẫn giữ được tư thế đứng yên tại chỗ. Sang hiệp hai, thân rồi hai bên xoắn tròn vào nhau, nghe vang từng tiếng chát chúa. Được một lúc, cây roi dài trong tay quan giám khảo bỗng bị bay vút ra xa. Quan giám khảo vội lạng mình sang bên tránh, lập tức vạt áo dài phía sau bị đầu roi của Trần Sào cắt đứt lìa, rơi xuống đất. Trần Sào cung tay xá dài nói:

- Tôi sơ ý thất lễ xin quan lớn tha cho!

Quan giám khảo vui vẻ nói với quan tiền quân họ Võ:

- Lời ngài tiền quân không sai. Roi, quyền ở đất Bình Định xưa nay quả "danh bất hư truyền".

. Theo Văn hóa Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)