Võ Tây Sơn - Bình Định
17:22', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Tây Sơn - Bình Định là một địa danh võ thuật. Nơi đây cũng là nơi phát tích của nhà Tây Sơn mà lịch sử đã ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung với một đội quân được luyện tập nhuần nhuyễn về võ thuật. Câu ca dao đầy khí phách của đất Bình Định vẫn còn lưu truyền, cho thấy võ Tây Sơn - Bình Định mang dáng dấp của võ cổ truyền dân tộc: Ai vô Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền.

* Phát tích của võ thuật

Võ thuật là bản năng sinh tồn của nhân loại. Lúc đầu lập quốc, tổ tiên ta đã phải chống chọi với biết bao sự vật đổi sao dời của thiên nhiên, cùng nguy hiểm do bầy ác thú gây ra. Có một rẻo đồng bằng ven biển chật hẹp, ba bề núi chắn, con người dân không lúc nào không dùng võ thuật chiến đấu với ác thú, với ngoại xâm để sinh tồn. Như vậy, gọi võ thuật là bản năng, là lợi khí sinh tồn của nhân loại không phải là không đúng! Ba anh em nhà Tây Sơn thời đó được gửi học võ tại võ đường của một bậc trượng phu - võ sư Trương Văn Hiến. Ông dạy cả văn lẫn võ. Người đến xin học văn thì bắt buộc phải học thêm võ. Người đến xin học võ thì bắt buộc phải học thêm văn. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững. Vị sư phụ họ Trương dẫn dắt trai tráng đến đất võ bằng đường văn! Trong dân gian, từng gia đình có sự truyền thụ rất công phu để cháu con lên rừng, ra rẫy không e ngại muông thú, có việc đi đường xa không sợ đạo tặc. Giỏi võ trước hết là để giữ mình, để làm người trượng phu, không làm kẻ giặc bạo tàn! Do đó, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là những quy pháp trong võ thuật.

Võ Bình Định ra đời rất sớm, quy tụ những võ sư tài giỏi mọi miền về đây và hình thành các môn phái, sáng tạo những bài quyền, bài kiếm, bài roi độc đáo... Những làng võ một thời như Thuận Truyền, An Thái, An Nghi, Bình Nghi của đất Tuy Viễn, Bình Khê; những bậc thầy như võ sư Hồ Ngạnh, Hà Trọng Sơn... đã rèn luyện nên nhiều thế hệ học trò hiện vẫn kế tục và phát triển võ nghiệp. Ngày nay nếu về thăm Tây Sơn gặp cụ Phan Thọ tuổi ngoại 70 và có dịp xem cụ biểu diễn bài "Trường đao hiệp nghĩa" mới cảm nhận được phút giây như sóng dâng bão cuốn, gió mây vần vũ mà bài võ thể hiện!

* Đặc điểm của võ Tây Sơn

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã tiếp thu tinh hoa độc đáo của các dòng võ khác nhau để xây dựng dòng võ Tây Sơn với những đặc điểm riêng.

Tính dân tộc: Trong các chiến công của Hoàng đế Quang Trung, người ta nhận thấy võ thuật và binh pháp giữ vai trò rất quan trọng. Các đòn thế võ Tây Sơn rất hiểm hóc. Ra đòn nhanh, biến hóa khôn lường, lấy thủ làm công, lấy công giữ thủ song toàn, hư thật bất phân, khéo léo trăm bề, tư thế nghìn nẻo, làm cho đối phương rất khó chống đỡ. Ông Nguyễn Lữ, em Nguyễn Huệ, đã làm cho võ thuật Việt Nam trở thành một trường phái độc đáo không kém võ Trung Quốc. Người Việt ta có thân hình bé nhỏ, sức khỏe hạn chế so với người Tàu. Võ Trung Quốc phải luyện từ 10 năm trở lên. Muốn cho các chiến sĩ Tây Sơn tinh thông võ nghệ trong một thời gian ngắn thì phải luyện theo cách khác. Nguyễn Lữ nghiên cứu các thế gà đá nhau áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra lối võ dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, từ đó tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Cuối cùng ông đã sáng tạo ra bài quyền mang tên "Hùng Kê Quyền". Nữ tướng Bùi Thị Xuân khi quan sát đôi chim đậu trên cành cây đùa nhau cũng sáng tác bài "Song Phượng Kiếm".

Tính truyền thống: Trước đây người dân Bình Định đều biết võ để tự vệ. Họ truyền cho nhau trong thôn xóm, bản làng. Với người thân thì cha truyền cho con, chồng truyền cho vợ, anh truyền cho em... Nhờ đó, những bài võ từ thời xa xưa vẫn được lưu truyền. Võ Bình Định đã có nhiều môn phái khác nhau, nhưng tựu trung vẫn giữ truyền thống của miền đất võ. Cách đây hơn sáu năm, đoàn võ thuật Bình Định gồm Kim Dũng, Đinh Tuấn, Văn Cảnh... nhiều lần sang Pháp giảng dạy theo lời mời của Liên đoàn Võ thuật Paris, Marseille, Orion và nhiều địa phương khác, đã để lại niềm tự hào cho những người đồng hương sống trên đất khách quê người. Các nữ võ sĩ thuộc Câu lạc bộ Võ thuật Paris rất thích thú, thán phục bài thảo "Ngọc trản" đầy biến hóa, mềm mại như điệu múa khi sử dụng nhu công và hài hòa như một bức tranh khi cương nhu phối hợp. Bài thảo được trình diễn một cách hoàn hảo về nghệ thuật, về sức mạnh, thể hiện nét đẹp vốn có của võ Tây Sơn - Bình Định. Phương pháp truyền dạy vẫn giữ võ đạo xưa. Những điều nên làm, nên tránh đối với các môn sinh vẫn giữ nguyên và ba điều tâm niệm chính là: Kính tổ - Trọng thầy - Mến bạn.

Tính đa dạng và liên hoàn: Võ Tây Sơn - Bình Định rất đa dạng và phong phú. Bất cứ môn phái nào cũng theo bí quyết quyền thuật, một sức mạnh tổng hợp, dung hòa trên, dưới, trái, phải, trước, sau. Phép dùng liên quan với nhau của lực họp chia ra nội tam hợp - ba cái hiệp lại ở bên trong là tinh, khí, thần. Ngoại tam hợp - ba cái hiệp lại ở bên ngoài là thủ, nhãn, thân. Trong ngoài hợp với nhau đó là lục hợp. Có được như vậy mới đủ khả năng thắng địch thủ. Tính liên hoàn rõ nét trong việc sử dụng 18 ban binh khí, chia ra 9 loại võ khí dài và 9 loại võ khí ngắn. Dù bất cứ loại võ khí nào cũng đều không ra ngoài 6 điểm: chém xuống, chém ngang, hất lên, gạt xuống, lướt qua và đè. Từ khi nhà Tây Sơn sập đổ, Nguyễn Gia Long vẫn sợ "oai hùm" nên cấm ngặt toàn bộ 18 ban binh khí của quân đội Tây Sơn - những vũ khí lợi hại làm nên sự bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung ở thế kỷ 18. Mãi đến khi Bảo tàng Quang Trung được thành lập năm 1979 mới thu gom được 9 môn. Hiện nay các võ sinh ở Bảo tàng Quang Trung thường biểu diễn khi khách trong và ngoài nước đến tham quan.

* Sự liên quan giữa võ Tây Sơn và võ Bình Định

Trước thời Tây Sơn, ở Bình Định đã có nhiều người giỏi võ. Những người này có thể là tướng sĩ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, cũng có thể là những người Trung Quốc sang Việt Nam trú ngụ tại vùng Quy Nhơn, An Nhơn. Người Bình Định vốn ưa học võ, đã học thầy, học bạn, rồi dung hòa cải tiến dần. Theo cụ Hồ Ngạnh, ba anh em Tây Sơn cũng học võ như mọi người, nhưng nhờ óc phán đoán, thiên tư võ thuật, nghiên cứu tinh thâm, đã gạn lọc được những tinh hoa võ thuật, hệ thống lại và tạo thành phái võ riêng. Công trình này cũng có sự đóng góp của nhiều tướng lĩnh Tây Sơn. Sau đó, võ Tây Sơn được phổ biến hạn chế trong quân đội. Những người này nắm được một số chân truyền của môn phái rồi truyền dạy lại cho con cháu, học trò. Lại pha trộn thêm võ Bình Định, hoặc cải cách ít nhiều để tránh sự nhòm ngó của triều Nguyễn. Cũng theo cụ Hồ Ngạnh, võ Tây Sơn, võ Bình Định đều là võ dân tộc Việt Nam. Môn phái nào cũng hay. Tuy nhiên có vài đặc điểm khác nhau là võ Tây Sơn có cơ sở về võ lý được biến đổi qua các dòng họ, được chân truyền của môn phái; còn võ Bình Định được truyền dạy tương đối tùy tiện, thêm bớt, sửa đổi những điều mình đã học để dạy lại cho học trò. Lâu dần, võ Bình Định chuyên về cương công - công phu cứng rắn, xa dần nhu công - công phu mềm dẻo. Võ Bình Định thích hợp với người có thể chất khỏe mạnh, nên mới có câu "Võ dĩ dũng vi bán" - võ lấy sức mạnh làm một nửa, những người ốm yếu khó học được. Ngược lại, võ Tây Sơn chú trọng cả cương lẫn nhu. Càng luyện tập, võ sĩ thuộc phái Tây Sơn càng mềm dẻo, nhưng càng lợi hại. Võ Bình Định chuyên về ngoại công - công phu luyện tập bằng chân tay, võ khí, ít chú trọng về nội công, hít thở, vận khí như võ Tây Sơn.

. Theo Thiếu Lâm

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)